Chuyện tình của bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được ghép tim

Biết người yêu mắc bệnh tim nặng, chị Nương vẫn quyết định lấy làm chồng dù gia đình ra sức ngăn cấm. Ca ghép tim thành công, đến nay, gia đình nhỏ luôn rộn vang tiếng cười con trẻ.

Chuyện tình của bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được ghép tim

Bốn năm sau ca phẫu thuật, anh Trần Mậu Đức, 31 tuổi, bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được ghép tim, đã là cha của hai đứa trẻ. Ân nhân của anh Đức chính là một người đã chết não hiến tặng quả tim và các y bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế.

Khi còn trẻ, anh Đức là một thanh niên khỏe mạnh và có năng khiếu thể thao. Học xong cấp 3, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên anh vào Sài Gòn làm thuê kiếm sống. Khoảng thời gian này, anh hay về Bình Dương chơi, quen và nảy sinh tình cảm với chị Võ Mỹ Nương (26 tuổi, quê Hậu Giang), làm công nhân may mặc.

Những ngày tháng yêu nhau, anh Đức hay tâm sự về những biểu hiện bệnh lý của mình cho chị Nương nghe. Anh khuyên bạn gái nên làm quen với một chàng trai khác, nhưng chị nhất quyết không đồng ý. Một thời gian sau, anh Đức ra Đà Nẵng làm công nhân xây dựng và hai người vẫn thư từ qua lại.

anh-nguoi-ghep-tim-8013-1430097018.jpg

Sau khi ghép thành công, anh Đức và chị Nương đã sinh được thêm một bé gái. Theo định kỳ, anh Đức vẫn điều đặn đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Ảnh: Đắc Đức.

Rồi một ngày, khi đang làm việc, Đức ngất lịm. Cứ nghĩ là bệnh nhẹ anh xin về Huế để nghỉ dưỡng. "Khoảng thời gian ở Huế tôi hầu như không liên lạc gì với Nương, cũng không cho cô ấy biết mình đang ở đâu", anh Đức nhớ lại. Trong một lần đi xem nhạc rock năm 2006, do cổ vũ quá cuồng nhiệt nên anh bị ngất và được bạn bè đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Các bác sĩ chẩn đoán Đức mắc chứng cơ tim giãn, suy tim độ 4, khả năng nguy hiểm đến tính mạng rất cao. Cách duy nhất anh giúp kéo dài sự sống là ghép tim.

Biết chuyện người mình yêu đang hằng ngày chiến đấu với bệnh tật, chị Nương bỏ hết công việc, rời miền Nam ra Huế chăm sóc cho anh Đức. Người thân biết chuyện chị yêu một người đang bị nguy kịch nên khuyên răn đủ điều. 

"Bố mẹ cô ấy không đồng ý chuyện chúng tôi đến với nhau. Lúc ấy, bản thân tôi cũng không muốn vì mình mà Nương phải chịu đau khổ nên nhiều lần khuyên nhủ nhưng Nương nhất quyết không nghe", anh Đức kể. Chính bố mẹ anh cũng đã khuyên chị Nương nên từ bỏ ý định nhưng cũng không làm lay chuyển được tình yêu của chị.

Năm 2008, dù trong người Đức đang mang bệnh nhưng cả hai vẫn quyết định đến với nhau bằng một đám cưới nhỏ. Ngày vui năm đó vắng lời chúc phúc của gia đình bên ngoại. "Trở ngại lớn nhất của cuộc hôn nhân vẫn là cha tôi. 

Nhiều lần tôi cố giải thích để cha hiểu và thông cảm cho cả hai đứa nhưng không được", chị Nương nhớ lại. Đến ngày đầy tháng của bé Mỹ Hương, con gái của vợ chồng anh Đức, bố mẹ chị mới từ Hậu Giang đón xe ra Huế thăm con, cháu. Lúc này, bố chị đã dần dần chấp nhận chàng rể.

Niềm vui đón con gái đầu lòng chưa được bao lâu thì anh Đức lại phải nhập viện vì bệnh tình trở nặng. Trong những ngày tháng vật lộn với cơn đau xé người, đã không ít lần anh nghĩ đến cái chết. "Tôi muốn đập đầu vào tường chết cho xong chuyện. Nhưng rồi, tôi lại nghĩ đến vợ cùng con gái nên tự nhủ với bản thân phải gắng gượng để vượt qua", anh Đức tâm sự.

Sau gần 4 năm ở viện, năm 2011, Đức may mắn là bệnh nhân được chọn phẫu thuật ghép tim đầu tiên của Việt Nam. Trước giờ lên bàn mổ, anh Đức sợ mình sẽ không vượt qua được nên khuyên vợ đi lấy chồng khác nếu anh không qua khỏi. Ca phẫu thuật thành công, ngày hồi tỉnh, anh Đức đã khóc vì được nhìn thấy mẹ, vợ cùng con gái.

Hoàn cảnh gia đình rơi vào khó khăn nên sau khi rời bệnh viện không lâu, cảm thấy sức khỏe dần ổn định, anh Đức làm nhiều nghề để phụ giúp vợ con. "Ngày đó, sáng nào tôi cũng thức dậy từ sớm để đến chợ đầu mối lấy rau về cùng vợ ra chợ bán, rồi trưa chiều thì đi rửa xe thuê. 

Thời gian sau, tôi đi chạy xe thồ, bán kẹo cao su dạo, thậm chí còn đi bốc vác thuê. Nhiều khi, cô con gái muốn bố mua tặng cho một món đồ chơi nhưng tôi chỉ biết nhìn con rồi lắc đầu vì không đủ tiền", anh Đức chia sẻ.

Cuộc sống có phần đỡ vất vả hơn khi Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế biết chuyện Đức phải làm lụng cực nhọc để lo ăn từng bữa. Ông nhận anh vào làm trông giữ xe ở bệnh viện rồi chuyển sang làm bảo vệ ngay chính Khoa tim mạch - nơi mà anh từng gắn bó với nhiều bệnh nhân ở đây.

Anh Đức cho rằng đây là cơ duyên mà anh được nhận từ bệnh viện. Bởi hơn ai hết, chính anh là người hiểu rõ nhất cảm giác nằm chờ của những người bệnh tại phòng chờ ghép tạng. 

"Những lúc công việc bảo vệ rảnh rỗi, tôi lại chuyện trò, động viên mọi người. Có những người vì quá đau đớn, cũng từng nghĩ đến cái chết như tôi trước đây, nhưng nhìn thấy tôi khỏe mạnh nên có thêm niềm hy vọng vào cuộc sống", anh Đức tâm sự. 

Anh cho biết, đây cũng là một trong những lý do mà anh cảm thấy cần phải sống tốt hơn, khỏe mạnh để không phụ lòng mong đợi của nhiều người.

Nhắc đến người cho mình quả tim, anh Đức cho hay, sau nhiều năm tìm kiếm, mới đây anh đã biết được mộ phần của ân nhân. "Nhờ anh có trái tim khỏe và gia đình anh đồng ý hiến tặng nên tôi mới được như bây giờ. 

Tôi thường lên nghĩa trang để hương khói và xem anh như một người thân trong nhà. Ngày 1/3 hằng năm, vợ chồng tôi lại làm mâm cơm để tưởng nhớ", anh Đức trải lòng.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ