(GD&TĐ) - Mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2013 sắp khép lại. Nhưng việc có hơn 375.000 hồ sơ đăng ký dự thi ảo và chuyện bù lỗ của các trường gánh khoản thi nhờ vẫn còn nóng. Vì… nó liên quan đến một vấn đề nóng trong thời kinh tế khó khăn là tiền bạc!
Hồ sơ ảo – Mất tiền thật
“Ảo” ở đây không có nghĩa là hồ sơ giả mạo, hoặc hồ sơ sai cả về nội dung lẫn hình thức theo quy định của Bộ GD&ĐT. “Ảo” nghĩa là có 375.106 thí sinh không đủ điều kiện dự thi, hoặc bỏ thi, hoặc đăng ký dự thi trùng lắp khối thi, trường thi, đợt thi. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục: Hiện tượng hồ sơ ảo có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất: Tâm lý quá coi trọng bằng cấp, coi việc đăng ký dự thi ĐH như là “niềm hãnh diện”, là chuyện tất yếu, đã tồn tại quá lâu trong xã hội. Thứ hai: Chúng ta tổ chức cho HS lớp 12 cả nước làm hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ quá sớm (vào tháng 3 hàng năm), trong khi phải đến giữa tháng 6 mới có kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi bổ túc THPT (nghĩa là chưa đủ điều kiện để đăng ký nộp hồ sơ dự thi tuyển sinh ĐH, CĐ), nhưng vẫn được quyền nộp hồ sơ thi vào ĐH, CĐ? Nếu theo dõi tỷ lệ thi đậu vào ĐH cả nước dăm năm gần đây, ai cũng thấy một sự thực hiển nhiên là: bình quân 10 bộ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, thì có tới 4 bộ hồ sơ ảo. Với 6 bộ hồ sơ còn lại, chỉ có 3 – 4 bộ hồ sơ (3 – 4 thí sinh) đủ sức thi đỗ vào ĐH, CĐ.
Từ hai nguyên nhân trên dẫn đến nguyên nhân thứ ba: Do không lượng trước đúng học lực của mình, hoặc biết trước là đi thi tuyển sinh ĐH sẽ rớt, nhưng không ít thí sinh vẫn đăng ký nộp hồ sơ dự thi theo kiểu “phong trào vui vẻ”!? Sự bất cập này: phần vì do tâm lý chạy theo bằng cấp, phần vì do các trường phổ thông, các trung tâm GD thường xuyên làm công tác hướng nghiệp yếu kém.
Với 375.106 hồ sơ ảo, lệ phí thí sinh đã nộp theo quy định là 105.000đ/bộ hồ sơ, tính riêng mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013, tổng số tiền đã tan theo “mây khói” là 39.386.130.000 đồng! Mặc dầu lệ phí hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí thi năm 2013 đã tăng thêm 30.000đ/1 thí sinh so với năm 2012, nhưng các trường ĐH, CĐ cho rằng chỉ đáp ứng được khoảng 70% chi phí kỳ thi trên thực tế. Có cách nào để thí sinh, cũng như các trường ĐH, CĐ giảm được sự tốn kém này không?
Gánh nặng từ các trường
Làm thủ tục đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 tại ĐH Sài Gòn |
Thạc sĩ Lê Văn Việt – Phó hiệu trưởng trường Đại học Sài Gòn cho biết: Mấy mùa tuyển sinh gần đây, trường chúng tôi đều có trên hai chục ngàn thí sinh đăng ký dự thi cho mỗi đợt thi. Mừng nhiều và lo cũng không ít. Riêng mùa tuyển sinh 2013, cả 2 đợt thi, chúng tôi phải thuê gần 1.000 phòng thi giá thuê 350.000đ/phòng, thành tiền khoảng 3,5 tỷ đồng.
Nếu tính cả chi phí cho hội đồng coi thi, hội đồng chấm thi (gần 6.000 lượt người cho cả 2 hội đồng này) thì tổng chi phí cho một mùa tuyển sinh hơn 5 tỷ đồng. Năm nay, Đại học Sài Gòn có khoảng 49.500 thí sinh đăng ký dự thi, trên thực tế chỉ có hơn 44.000 em đi thi cả hai đợt thi (đạt 88,2%).
Tuy vậy, nhà trường vẫn phải hợp đồng, trả chi phí đầy đủ, tiền thuê phòng, thuê cán bộ coi thi, nhân viên phục vụ, bảo vệ hội đồng coi thi – chấm thi cho khoảng 5.500 thí sinh ảo (tức hồ sơ ảo). Số tiền này nhà trường phải tạm bù lỗ, chờ sang năm ngân sách quyết toán sau.
Phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội – TS Nguyễn Cảnh Lương cũng đưa ra con số: Năm 2012, tính riêng 1 thí sinh thi vào ĐH Bách khoa HN, nhưng thi nhờ tại ĐH Vinh, trường chúng tôi phải chi 80.000đ, thực tế lệ phí thi chỉ được thu hơn 60.000đ. Như vậy càng có nhiều thí sinh thi nhờ và đăng ký dự thi ảo thì trường càng lỗ.
Cùng nỗi lo, PGS.TS Đinh Thị Mai – Phó hiệu trưởng trường ĐH Công đoàn than thở: Tuyển sinh mấy năm gần đây, tính sơ bộ trường bị lỗ 50 – 60.000đ/1 thí sinh. Đợt 1 tuyển sinh vừa qua, tại hội đồng thi trường chúng tôi có 9.691 thí sinh thực tế đi thi, nhưng trong đó có gần 6.000 em thi nhờ. Mọi chi phí chúng tôi phải gánh hết.
PGS.TS Bùi Ngọc Sơn – Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương lắc đầu: Tính ra mỗi phòng thi, đến khi coi thi, chấm thi xong, trường chúng tôi phải bù lỗ khoảng 3,8 triệu đồng. Năm nay, hội đồng thi chúng tôi có hơn 2.000 thí sinh thi nhờ. Rõ ràng, chúng tôi nai lưng gánh chịu vất vả, tốn kém đủ thứ cho các trường không tổ chức chi, nhưng mọi rủi ro chúng tôi chịu hết. Điều này quá bất hợp lý với các trường đứng ra tổ chức thi.
Được biết, mùa tuyển sinh 2013, cả nước có 132 trường ĐH, CĐ không tổ chức thi, ước tính số thí sinh thi nhờ lên tới trên ba chục ngàn em. Để đảm bảo công bằng, lẽ ra các trường không tổ chức thi phải chia sẻ chi phí hợp lý với các trường đã giúp đỡ mình.
Liên quan đến vấn đề gánh nặng thi nhờ, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết tới đây, khi có Hội nghị tuyển sinh năm 2014, các trường sẽ đề xuất việc này và Bộ sẽ xem xét. Nói chung, Bộ sẽ làm sao để các trường có khả năng thì phải tổ chức thi, để tránh áp lực cho các trường khác. Được biết, năm 2013 một số trường có chỉ tiêu tuyển sinh ĐH từ 2000 đến gần 7000 mà không tổ chức thi. ĐH Công đoàn là trường có số lượng hồ sơ và thí sinh thi nhờ nhiều nhất khu vực miền Bắc. PGS.TS Đinh Thị Mai - Phó Hiệu trưởng nhà trường bức xúc: “Với 6.006 hồ sơ đăng ký thi nhờ khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cử giáo viên và sinh viên đi coi thi” |
Đinh Lê Yên