Chuyện thú vị về các vua Việt tinh thông đồ cổ

GD&TĐ - Không chỉ phải thông thạo kinh, sử... nhiều vị vua Việt cũng tinh thông đồ cổ, để lại nhiều câu chuyện thú vị cho đời sau.

Điển hình như vua Thiệu Trị của nhà Nguyễn là người có khả năng đánh giá sâu về nghiên cổ. Sử chép rằng vào mùa Đông năm Thiệu Trị thứ 2 (1842) có người đem dâng vua cái nghiên mực cổ được mô tả là “cách pha chế có vẻ cổ kính, mộc mạc, rõ hệt là một tấm ngói âm dương”. Đầu nghiên có bài minh:

“Kỳ sắc ôn nhuận,

Kỳ chế cổ phác.

Hà dĩ trí chi?

Thạch cừ bí các.

Cải phong Tức mặc

Lan đài liệt tước.

Vĩnh nghi bảo chi,

Thư hương thị thác”.

Đại ý rằng đây là một chiếc nghiên đẹp được chế tạo cổ kính mộc mạc, được trang trọng đặt vào gác Thạch Cừ kín đáo, được đổi phong cho tước Tức Mặc hầu, liệt vào quan tước ở Lan đài và giữ làm của báu mãi mãi, nhờ đó dòng dõi văn học nối mãi.

Sau bài minh này, nghiên còn khắc 2 chữ “Tô Thức”, khắc 2 cái ấn nhỏ có những chữ “Kỳ trân” và “Tàng bảo”. Lưng nghiên khắc một ấn to, có chữ “Thạch cừ các ngoã” (Viên ngói ở gác Thạch Cừ). Lạc khoản, đề chữ: “Nguyên Phù tam niên, trọng thu nhật chế” (tức chế tạo vào tháng trọng thu (tháng 8) năm Nguyên Phù thứ ba (năm 1100 – đời vua Tống Triết Tông)).

Vua sai đem trình lên chỗ vua ngự. Sau khi xem xét, với kiến thức uyên thâm, nhà vua giảng giải cho Nội các rằng: “Đây là cái nghiên cổ Thạch Cừ, gác Thạch Cừ nguyên từ Tiêu Hà (đời Hán) dựng ra để chứa sử sách và bản đồ. Đến đời Hán Tuyên đế năm Cam Lộ thứ 3 (năm 51 TCN), họp các nhà Nho giảng Ngũ kinh, tức là ở chỗ gác ấy.

Từ năm Cam Lộ thứ 3 đến năm Nguyên Phù thứ 3 (1100), đời Tống Triết Tông, Tô Thức được viên ngói ở gác ấy, đem mài thành cái nghiên, tính ra gồm 1.149 năm, trải đến bây giờ lại hơn 740 năm nữa. Vậy thì cái nghiên này xuất hiện từ đời Hán, thành hình ở đời Tống mà trình tiến ở ngày nay. Thật là một vật quý báu của làng văn!

Đời, trước với sau hơn 2.000 năm, mà nghiên này cùng xuất hiện vào lúc văn minh thịnh trị, há chẳng phải là vật quý báu, được trời đất trân trọng giữ kín, phải đợi thời rồi mới trình bày, mà do trọng đạo, sùng văn, đời dẫu khác nhưng của báo chung, tự có cái cơ duyên cùng hợp, hay sao? Âu Dương Tu (danh Nho thời Tống) có nói: “Vật thường đến với người biết ưa thích”, chính là nghĩa thế”.

Một chiếc nghiên Tức Mặc hầu của triều Nguyễn. Ảnh minh họa.

Một chiếc nghiên Tức Mặc hầu của triều Nguyễn. Ảnh minh họa.

Vua lại nói thêm rằng: “Trong Ngõa nghiễn phả (Sách chép các điển tích nghiên ngói) có chép rằng: “Chỗ di chỉ đài Đồng Tước nhà Ngụy, người ta chứa được nhiều ngói cổ, đem mài thành nghiên rất khéo, dựng nước đến vài ngày không khô. Đời truyền rằng: Khi xưa, dựng đài này, sai thợ gốm làm bùn thật sạch, lấy vải thưa lọc bùn rồi cho thêm dầu hồ đào vào, trộn để nặn, cho nên khác hẳn với ngói thường”. Nay xem cái nghiên này là di tích ở Thạch Cừ thì ngói đài Đồng Tước há có thể sánh kịp cái vẻ cổ kính chất phác của nó được sao?”.

Nghiên Tức Mặc hầu sau này trở thành vật quý của các vua triều Nguyễn. Mặc dù vua Thiệu Trị yêu thích nghiên cổ, nhưng không phải lúc nào dâng lên nhà vua loại vật quý này cũng dễ dàng.

Như vào tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), có viên Đồng tri phủ phân phủ Hà Trung (Thanh Hóa) là Vũ Duy Hàn dâng lên vua cái nghiên cổ, được thưởng 5 lạng bạc, 1 đồng kim tiền. Nhưng chiếc nghiên này vốn của một người dân trong hạt là Lương Huy Kiên đã chết, Duy Hàn mượn lấy đem dâng, bị quan Ngự sử Nguyễn Hữu Độ tâu là giả trá. Vua Thiệu Trị tức giận, giao cho quan tỉnh Thanh điều tra rõ, biết được sự thực. Vua cho là Duy Hàn lòng tham đen tối, cướp điều tốt của người, cầu riêng ơn huệ, bèn sai cách chức ngay, các phần thưởng được chuyển cấp cho gia đình Huy Kiên và thưởng thêm cho 5 lạng bạc.

Vua Minh Mạng cũng có kiến thức về đồ cổ. Năm 1832, trẻ chăn trâu ở Biên Hòa bắt được cái mũ cổ bằng vàng (nặng hơn 5 lạng, 2 đồng cân), đem đập ra để chia nhau, quan tỉnh biết được thu lại, đem dâng lên. Nhìn thấy mảnh vàng có khắc những chữ nhỏ là thứ chữ của người Chiêm Thành, vua bảo thị thần rằng: “Mũ này là đồ cổ của nước Chiêm Thành, lũ mục đồng không biết, tự tiện đập vỡ khiến đồ vật mấy trăm năm về trước không còn lại làm ghi, thực khá tiếc!”. Sau đó vua ra lệnh thưởng cho người bắt được cái mũ ấy 20 lạng bạc.

Cũng vào đời vua Minh Mạng, năm 1828, người làng Đăng Xương dinh Quảng Trị là Nguyễn Đăng Khoa dâng lên một chiếc ấn ngọc khắc bốn chữ triện “Vạn thọ vô cương”, nói là đào đất bắt được nhờ Văn thư phòng Tôn Thất Mạch dâng lên.

Vua đưa cho bầy tôi xem và bảo rằng: “Trẫm mới lên ngôi, người Long Hồ đã dâng lên một cái ấn ngọc khắc bốn chữ “Trung hoà vị dục”, nay lại được ấn này. Xem văn nghĩa thì không phải dân gian có được. Hoặc là ấn báu của tiên triều truyền cho nhau, lấy giấu từ lâu cũng chưa biết chừng. Vả lại xem sắc ngọc, thì ấn ngày này sáng nhuần và cũ kỹ hơn”.

Bầy tôi đều tâu rằng: “Đấy là phúc lành Hoàng thượng sống lâu, nhà nước vững mãi”. Vua dụ rằng: “Trẫm từ khi lên ngôi đến nay, ngày ngày lo sao trên thỏa ơn sâu phó thác, dưới để phép hay đời sau. Thế mà gần đây nhân dân chưa được giàu có, mùa màng chưa được phong đăng, trăm quan chưa được đều hiền lương, lại viên chưa được đều giữ pháp luật.

Lại thêm năm ngoái việc biên phòng ở Nghệ An, việc thủy tai ở Bắc Thành, trẫm ngày đêm nóng ruột, mơ màng không quên. Cho nên năm nay chưa đến 40 tuổi mà răng đã có cái rụng, tóc đã có cái bạc. Nếu nhờ trời đất tổ tông phù hộ, từ nay về sau, dân thường được mùa, trong có nhiều tôi trung thành, ngoài có nhiều công tài giỏi, nước sông thuận dòng bờ cõi yên ổn, bấy giờ đỡ lo khuya sớm chút bớt nhọc nhằn, dẫu không có ấn ngọc này, cũng có thể sống đến trăm tuổi. Lấy ấn ngọc làm điềm lành thì ta chưa dám vội nghĩ thế đâu!”.

Sau đó, vua cho Nguyễn Đăng Khoa làm Chánh bát phẩm thư lại ở bộ Lễ, thưởng bạc 50 lạng, đoạn ngoài đoạn lót mỗi thứ 3 tấm. Vua thấy ấn ngọc dâng vào ngày lễ thọ, dụ rằng từ nay về sau ân chiếu về tiết Vạn thọ thì dùng ấn ấy để ghi nhớ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ