Chuyện về vị vua khiến nhà Mạc thất thủ

GD&TĐ - Mạc Mậu Hợp – vị vua thứ 5 của nhà Mạc, cũng là người khiến nhà Mạc phải thất thủ trước sự tấn công của Nam triều.

Di tích thành nhà Mạc tại Tuyên Quang.
Di tích thành nhà Mạc tại Tuyên Quang.

Tuy nhiên, quanh vị vua này còn nhiều điều gây bàn cãi, một phần vì sự bất công trong việc chép sử của bên thắng cuộc.

Sét đánh suýt chết

Tượng thờ vua Mạc Mậu Hợp tại chùa Bạch Đa, quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Tượng thờ vua Mạc Mậu Hợp tại chùa Bạch Đa, quận Dương Kinh, Hải Phòng.

Nhà Mạc bắt đầu khi Mạc Đăng Dung, sau khi dẹp được các bè phái triều đình đã ép vua Lê Cung Hoàng nhà Hậu Lê nhường ngôi vào tháng 6 năm 1527. Mạc triều chấm dứt khi vua Mạc Mậu Hợp lập con trai là Mạc Toàn lên ngôi, bị quân đội Lê - Trịnh do Trịnh Tùng chỉ huy đánh bại vào cuối năm 1592.

Mạc Toàn lên ngôi nhưng tại vị chỉ được 2 tháng, tổng cộng thời gian tồn tại chính thức của triều đại là gần 66 năm đứng chân nơi đất Thăng Long, sau bại trận phải lui về Cao Bằng. Bởi vậy, Mạc Mậu Hợp được xem là vị vua cuối cùng của Mạc triều.

Trị vì tới 30 năm (1562 – 1592), thời kì đầu Mạc Mậu Hợp được Khiêm vương Mạc Kính Điển nhiếp chính, duy trì thế đối trọng với họ Trịnh đang phò nhà Lê ở phía Nam. Nhưng sau khi Khiêm vương mất, nhà Mạc dần suy yếu, và thời kì của ông chứng kiến sự suy vong trực tiếp của triều đại.

Mạc Mậu Hợp có nguyên quán là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ông sinh năm 1560, là con trưởng của Mạc Tuyên Tông.

Từ khi lên ngôi vua, ít nhất hai lần liền Mạc Mậu Hợp bị tai ách hiếm thấy đến nỗi suýt lụy thân, như trong “Lịch triều hiến chương loại chí” có tóm lược:

“Năm Sùng Khánh thứ 13 (1578), sét đánh vào cung, ông thành ra bán thân bất toại, mới đổi niên hiệu. Sau lại bị thong manh mắt mờ, chữa mấy năm mới khỏi”. Việc này làm nhớ tới trường hợp chúa Trịnh Giang cũng bị sét đánh mà phải ở cung Thưởng Trì rồi trao ngôi chúa cho em.

Sự thể việc tai ương, ác bệnh liên tiếp kéo đến với Mạc Mậu Hợp, trong sử cũ ghi lại rất cụ thể. Ấy là việc của năm Mậu Dần (1578), được “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Tháng 2, ngày 21, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh ở trong cung, bị bại liệt nửa mình, sau chữa thuốc lại khỏi, bèn đổi niên hiệu, lấy năm ấy làm năm Diên Khánh thứ 1”.

Vài năm sau, nhằm năm Tân Tỵ (1581), tai ương qua thì bệnh tật lại tới. Vua Mạc Mậu Hợp mắc căn bệnh ở mắt. “Đại Việt thông sử” cho hay: “Năm ấy, Mậu Hợp bị chứng “thong manh”, mắt mờ không trông rõ, y sai mời các thầy thuốc giỏi trong thiên hạ tới chữa, trong vài năm, con mắt lại được bình phục như thường”.

Đoạt vợ bề tôi?

Một trong những sự kiện tồn nghi rất lớn đối với Mạc Mậu Hợp là việc bị đánh giá “buông tuồng du đãng, tửu sắc bừa bãi”, mưu cướp vợ bề tôi. Lịch sử ghi nhận tướng Bùi Văn Khuê bỏ Mạc phò Lê (1592), nhưng sau đó vị tướng này lại bỏ Lê về Mạc (1600). Đó có thể là một kế hoạch trong chiến lược quân sự của nhà Mạc mà ngày nay, khó có thể giải thích rõ ràng.

Là vua nhà Mạc, nhưng Mạc Mậu Hợp lại bị đánh giá là siêng chơi bời, bỏ bê chính sự dẫn tới cơ nghiệp nhà Mạc ngày một lụi bại. Vị vua nhà Mạc này trong những năm cuối đời, được “Đại Việt sử ký tục biên” nhận xét là: “Ngày càng buông tuồng du đãng, tửu sắc bừa bãi”. Còn “Đại Việt thông sử” thì bình: “Ngoài thì họ ngoại chuyên chính, trong thì hoạn quan chuyên quyền”.

Thậm chí, đến cả vợ của quan viên mà thấy dung nhan đẹp đẽ, Mậu Hợp cũng có ý định cướp lấy cho mình. Như việc định mưu giết Sơn quận công Bùi Văn Khuê để cướp vợ người này là Nguyễn Thị Niên. Việc không thành, đến nỗi viên quan ấy phải theo về nhà Lê.

Các tư liệu lịch sử lược tả rằng: Nguyên lão tướng Nguyễn Quyện sinh được hai con gái. Con gái lớn là Hoàng hậu Nguyễn Thị của Mạc Mậu Hợp, con gái thứ Nguyễn Thị Niên là vợ tướng Bùi Văn Khuê.

Tháng 8 năm 1592, Nguyễn Thị Niên vào cung thăm chị, Mạc Mậu Hợp thấy sắc đẹp của Thị Niên nên muốn chiếm đoạt, bèn triệu vào phòng để giữ lại trong cung tới sáng rồi giữ luôn, dự định triệu Bùi Văn Khuê về kinh để giết.

Nguyễn Thị Niên sợ hãi bèn sai người hầu cận mật chạy đi báo cho Bùi Văn Khuê. Bùi Văn Khuê biết chuyện, bèn dẫn quân bản bộ về giữ hạt Gia Viễn, không theo mệnh lệnh của triều đình. Mậu Hợp mấy lần vời cũng không tới, bèn sai tướng dẫn quân tới hỏi tội Văn Khuê.

Tháng 10 năm 1592, Bùi Văn Khuê trưng binh chống giữ, và sai con trai chạy tới hành doanh, yết kiến phủ Trịnh Tùng, khóc lóc tố cáo sự tình, xin đầu hàng và xin cho quân cứu viện. Thế là Bùi Văn Khuê cùng cánh quân thủy, vốn là sở trường của quân Mạc, về hàng Nam triều.

Trịnh Tùng bèn sai Hoàng Đình Ái dẫn một đạo quân đi trước, để cứu Bùi Văn Khuê và khởi đại binh theo sau. Một đại tướng khác là Trần Bách Niên thất vọng vì Mạc Mậu Hợp cũng sang hàng Nam triều. Liên tiếp hơn 10 tướng Mạc sang hàng Lê. Tình hình nhà Mạc ngày càng nguy cấp, khi đó trong triều chỉ còn trông cậy vào một mình Mạc Ngọc Liễn.

Cạo đầu làm sư vẫn không thoát

Vua Mạc Mậu Hợp cạo đầu làm sư nhưng vẫn bị quân Nam triều bắt được. Ảnh minh họa: IT.

Vua Mạc Mậu Hợp cạo đầu làm sư nhưng vẫn bị quân Nam triều bắt được. Ảnh minh họa: IT.

Một số nguồn sử liệu cho biết, cuối năm Nhâm Thìn (1592), quân Mạc bị quân Lê - Trịnh đuổi đánh, Mạc Mậu Hợp phải chạy khỏi kinh thành. Trịnh Tùng chia quân đánh các ngả, phá tan quân của một hoàng thân nhà Mạc là Mạc Kính Chỉ, thu được vô số khí giới và sai quân đi truy lùng bắt Mạc Mậu Hợp.

Nghe có người báo Mạc Mậu Hợp cạo đầu làm sư, ẩn ở chùa Mô Khuê, hạt Phượng Nhãn. Trịnh Tùng bèn sai Nguyễn Đình Luận và Lưu Chản dẫn quân đi tìm bắt. Quân Nam bèn tìm đến chùa.

Lúc đó, Mạc Mậu Hợp đang nghiễm nhiên ngồi xếp bằng tròn, gạn hỏi thì Mậu Hợp đáp rằng: Bần tăng tu hành từ hồi còn trẻ tuổi ở am mây này; chén muối, đĩa rau hàng ngày trai dưỡng; thắp hương thờ Phật, công đức chuyên làm.

Quân Nam triều thấy nhà sư nói hoạt bát khiêm tốn, biết là Mậu Hợp, bèn bắt giữ. Ông tự liệu không thể thoát được, bèn thú thực và nói rằng: Mấy ngày trước đây, tôi chạy trốn ẩn núp trong rừng rậm, đã quá đói khát, dám xin cho một bình rượu uống cho đã.

Quân sĩ bèn cho bình rượu. Sau khi Mậu Hợp uống thỏa thích, ngậm ngùi than rằng: Nghiệp chướng quá sâu! Nay cầu làm một người dân thường, cũng không thể được.

Tội lỗi chỉ vì tổ tiên đã làm sự giết vua cướp ngôi, đến nỗi con cháu ngày nay phải mắc tội nặng như vầy. Mong tướng sĩ dẫn tôi đến trước Hoàng đế, để bày tỏ thực tình. Đó là lòng tôi rất mong muốn!

Quân Nam triều bèn sai dùng voi chở Mậu Hợp và 2 kỹ nữ, giải về Thăng Long. Khi ông tới trước hành doanh, Trịnh Tùng sai dàn binh mã cực kỳ uy nghiêm, rồi mới cho dẫn Mậu Hợp vào yết kiến.

Mậu Hợp lễ dập đầu phủ phục ở ngoài sân. Trịnh Tùng truyền hỏi tới 3 lần, Mậu Hợp vì quá sợ, cứ ấm ớ không thể đáp được, Trịnh Tùng bèn sai dẫn ra ngoài cửa quân, giam tù tại đây.

Trịnh Tùng thấy Mạc Mậu Hợp về hàng, không nỡ gia cực hình, bèn sai đem treo sống Mậu Hợp 3 ngày, rồi chém đầu tại bãi cát Bồ Đề, đem thủ cấp dâng lên vua Lê Thế Tông tại hành tại Vạn Lại ở Thanh Hoa, đem đóng đinh vào hai con mắt, rồi bêu ra ngoài chợ.

Bảo đao của vua Mạc Thái Tổ tìm thấy tại Xuân Trường (Nam Định) năm 1938.

Bảo đao của vua Mạc Thái Tổ tìm thấy tại Xuân Trường (Nam Định) năm 1938.

Nghi vấn lịch sử

Tuy nhiên, theo một số nguồn gia phả thì Mạc Mậu Hợp thực tế không phải bị bắt ở chùa Bồ Đề, sau đưa về Thanh Hóa hành hình đóng đinh vào mắt... như sử nhà Lê đã ghi.

Thực chất đó là người giả, xác giả được dựng rồi phao tin lên. Nguồn này cho rằng, sử gia thời Lê - Trịnh viết vậy là để đánh sập ý chí phục hưng triều Mạc của các văn thần võ tướng.

Là một vị vua còn nhiều tồn nghi do các cáo buộc từ bên thắng cuộc, nhưng cũng cần xem xét các khía cạnh rất tích cực từ Mạc Mậu Hợp. Trên thực tế, ông cầm quyền khoảng trên 25 năm – đúng vào khoảng thời gian Nam triều trỗi dậy, lực lượng nhân danh và ủng hộ nhà Lê mạnh dần.

Nam triều dù đã mất uy tín nhưng vùng “căn bản” quê hương nhà Lê (Thanh Hóa) trở vào còn nhớ công lao đánh quân Minh của nhà Lê. Theo GS Văn Tạo, về chính trị và kinh tế, tuy nhà Mạc đã khiến đất nước giàu mạnh lên trong thời kỳ đầu, nhưng địa bàn hoạt động bị bó hẹp, kẹp giữa một bên là nước lớn Trung Quốc, một bên là Nam triều cùng tư tưởng “hoài Lê”, không có điều kiện mở rộng như các chúa Nguyễn ở phía Nam sau này.

Mạc Mậu Hợp cũng không phải chỉ biết ăn chơi, ông rất quan tâm chính sự. Khi Trạng nguyên Giáp Hải dâng sớ, Mạc Mậu Hợp xem xong liền ban lời an ủi phủ dụ và triệu ông tới Kinh sư để làm việc, đồng thời cũng biết đối đãi hiền tài.

Trạng nguyên Giáp Hải từng bày tỏ: “Ư kính ư trung, duy cầu quản đạo, sở chỉ chi địa/ Nhi tác nhi tức, nguyên an đề lực hà hữu chi thiên” (Nào kính nào trung, giữ đạo bề tôi, một lòng son sắt/ Dù làm dù nghỉ, mong yên ngôi chúa, chẳng chút riêng tư).

Trong thời gian làm vua, nối theo nền nếp của cha ông, Mạc Mậu Hợp mở tất cả 7 khoa thi chọn hiền tài. Ngay cả khi xảy ra chiến tranh ở kinh thành, mùa hè năm 1592 ông vẫn mở khoa thi Cử nhân ở bến Bồ Đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ