Chuyện tày đình mà không lạ

GD&TĐ - Gần 4 tháng trước ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, nước Mỹ rúng động và bàng hoàng bởi vụ nổ súng nhằm vào cựu Tổng thống Donald Trump.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Ông Trump là ứng cử viên của đảng Cộng hòa cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11 tới. Người này bị bắn, bị thương nhưng không bị nguy hiểm đến tính mạng khi đang phát biểu tại một hoạt động tranh cử ở thành phố Butler (bang Pennsylvania) ngày 12/7 vừa qua. Bang này thuộc diện những bang tuy nhỏ nhưng luôn quyết định kết quả cuối cùng của các cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ.

Nổ súng, tấn công bạo lực hay ám sát chính trị gia, tổng thống đương nhiệm hay ứng cử viên tổng thống luôn là chuyện tày đình ở mọi nơi trên thế giới, nhưng đã không ít lần xảy ra ở nước Mỹ.

Trong lịch sử nước Mỹ đến nay đã có 4 tổng thống đương nhiệm bị bắn chết: Abraham Lincoln (1865), James Garfield (1881 - qua đời sau khi bị bắn 11 tuần), Wiliam McKinley (1901 - qua đời sau khi bị bắn 8 ngày) và John F. Kennedy (1963).

Các tổng thống Mỹ đương nhiệm bị ám sát nhưng thoát hiểm bao gồm: Andrew Jackson (1835), Theodore Roosevelt (1912), Franklin D. Roosevelt (1933), Richard Nixon (1972, ở Canada), Gerald Ford hai lần trong năm 1975, Ronald Reagan (1981). Trước ông Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ duy nhất bị ám sát (và thiệt mạng) là Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kennedy, em trai của Tổng thống John F. Kennedy (1968).

Chuyện tày đình mà lại không lạ lẫm gì ở Mỹ và đối với nước Mỹ. Thật bi hài cho ông Trump khi bị bắn bằng chính một trong những loại súng mà ông kiên quyết phản đối việc cấm sử dụng nó.

Kể từ khi nhảy vào chính trường đến nay, ông Trump luôn cổ xuý cho quyền tự do mua bán, sở hữu và sử dụng súng ở Mỹ; luôn chơi con bài kích động thù hằn và phân rẽ giữa các giai tầng dân chúng trong xã hội; kích động cực đoan hóa và sử dụng bạo lực, hỗn loạn để đạt được mục đích. Bây giờ, ông Trump bị chính tình trạng ấy nhằm vào mình.

Vụ nổ súng vào ông Trump phơi bày tình trạng phân rẽ và phân cực, bạo lực và hỗn loạn trong nội bộ xã hội và chính trường nước Mỹ. Nó làm cho chuyện gì cũng đều có thể xảy ra và diễn biến tình hình chính trị - xã hội nội bộ luôn dễ dàng có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Việc kiến tạo khoan dung và đồng thuận về chính trị, xã hội trở nên ngày càng thêm khó khả thi ở nước Mỹ. Sau cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ, nếu Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tái đắc cử thì vẫn không thể khắc phục được tình trạng này, còn nếu ông Trump trở lại trị vì nước Mỹ thì tình trạng ấy nhiều khả năng sẽ trở nên còn trầm trọng hơn.

Điều có thể chắc chắn được là phe ông Trump và đảng Cộng hòa sẽ tận dụng triệt để vụ việc vừa xảy ra để giúp ông chinh phục được Nhà Trắng. Trước mắt, vụ việc này đưa lại nhiều lợi thế mới cho ông Trump trong vận động tranh cử tổng thống và đẩy phía đảng Dân chủ cùng với ông Biden vào tình thế khó xử.

Ông Trump nổi bật và chiếm sóng nhiều hơn ông Biden rõ rệt, thể hiện khác biệt càng thêm nhiều và thêm cơ bản so với ông Biden. Phe ủng hộ càng quyết tâm giúp ông Trump trở lại Nhà Trắng trong khi bộ phận cử tri trung dung càng thêm ngần ngại và hoài nghi về ông Biden. Cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay sẽ trở nên quyết liệt, không khoan nhượng và cực đoan, thái quá hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ