Gọi là đặc biệt bởi đây là lớp học xóa mù chữ, 100% học viên là những người nhiều tuổi trong bản. Ánh sáng từ con chữ đã đem đến hi vọng, sự tự tin cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
Dân bản Che Phai gọi nhau đi học
Đều đặn vào các buổi tối thứ 2 đến thứ 6 trong tuần, lớp học xóa mù chữ tại Nhà văn hóa bản Che Phai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên lại vang lên tiếng đọc bài. Cũng giống như các lớp học xóa mù chữ khác, lớp học ở đây đa dạng về độ tuổi học viên.
Người lớn nhất cũng đã hơn 50 tuổi, trẻ nhất gần 30 tuổi; đa phần họ là những trụ cột chính của gia đình, luôn bận bịu với ruộng vườn, nương rẫy. Có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng lần đầu tiên mới biết đến con chữ.
Một số người dù ở xa nhưng chưa lần nào vắng mặt hay đến muộn. Họ đều mong được biết đọc, biết viết, biết tính toán. Dù khuôn mặt ngượng nghịu, đôi tay vụng về, nét chữ nguệch ngoạc, hằn những vất vả của cuộc sống mưu sinh, nhưng ai nấy đều rất hăng say học tập.
Chỉ sau một thời gian ngắn theo học lớp xóa mù chữ, bà Lò Thị Thanh (bản Che Phai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông) đã có thể ghép vần, đọc được những bài văn dài. Biết đọc, biết viết đã giúp bà tự tin hơn rất nhiều.
“Trước đây tôi k biết chữ, k nghĩ mình biết đọc, giờ đi học mới biết đọc, thấy vui hạnh phúc lắm!”, bà Thanh nói.
Bắt đầu làm quen với từng con chữ, phép tính ở độ tuổi này không phải điều dễ dàng, thế nhưng họ vẫn không ngừng cố gắng mỗi ngày, bởi tất cả đều có chung một ước mơ là biết đọc, biết viết.
Bà Lò Thị Hợi (người dân bản Che Phai) cũng là học viên của lớp xóa mù chữ này. Bà Hợi nói: “Tối đến phải về sớm cơm nước cho các con, 7h30’ tôi đến lớp luôn. Đến lớp tôi cảm thấy vui lắm, biết đọc, biết viết, biết tính toán mà. Trước đây tôi không biết tính toán đâu”.
Lớp học của những người bà, người mẹ... |
Nhà văn hóa là lớp học...
Những ngày gần đây, lớp học xóa mù chữ tại Nhà văn hóa bản Na Cai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông lại sáng điện mỗi tối. Tiếng đánh vần ngọng nghịu của học viên cùng ánh điện sáng đã phá tan không gian tĩnh lặng, u tối của vùng cao nơi đây.
Trong số hơn 40 người tham gia lớp xóa mù chữ do Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói tổ chức tại bản Na Cai, xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông, vợ chồng ông Tòng Văn Tiên, năm nay đều đã gần 60 tuổi rất chăm chú tập đọc, tập viết. Trước đây, vợ chồng ông cũng như nhiều bà con trong bản đã từng tham gia lớp học xóa mù chữ nhưng ít sử dụng tiếng phổ thông dần dần quên hết. Giờ ông bà muốn học chữ để biết nhiều hơn về cách làm ăn, phát triển kinh tế và để dạy dỗ, giáo dục con cháu tốt hơn. Ông Tiên chia sẻ: “Trước thì ngại học, giờ thì muốn học, tôi cũng ngại đấy nếu không học thì không biết chữ, biết viết tên, viết được chữ của mình thích lắm”.
Luân Giói là một trong những xã còn nhiều khó khăn của huyện Điện Biên Đông, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đặc biệt tình trạng mù chữ và tái mù chữ của đồng bào các dân tộc nơi đây còn nhiều. Để nâng cao dân trí, giúp đồng bào các dân tộc tiếp cận thông tin và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phòng Giáo dục Đào tạo huyện đã phối hợp với các cấp tổ chức lớp xoá mù chữ cho người dân. Những lớp học này đã nhận được sự tham gia, ủng hộ tích cực của bà con các thôn bản.
Dạy chữ ở vùng cao vốn đã khó khăn, vất vả; thì dạy chữ ở những lớp xóa mù chữ cho đối tượng cao tuổi, khả năng tiếp thu còn hạn chế lại càng gian nan hơn. Vì thế giáo viên giảng dạy được lựa chọn kỹ, ưu tiên là người địa phương. Để thu hút học viên đến lớp và học viên tiếp thu bài học tốt, đội ngũ giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên tổ chức các hoạt động phù hợp với bài học, đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Với phần viết chữ, viết số, giáo viên phải trực tiếp cầm tay dạy viết từng nét, từng chữ.
Cô giáo Đinh Thị Oanh - Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói, huyện Điện Biên Đông bộc bạch: “Tôi dạy được 2 kỳ rồi, có thuân lợi là chính quyền xã, bí thư chi bộ, trưởng bản quan tâm, học viên tham học hỏi, bà con rất tin tưởng, ủng hộ. Khi vào lớp học kiểm tra trình độ, đánh vần được cho ngồi 1 nhóm, học viên tính toán được cho vào 1 nhóm để dạy hiệu quả hơn”.
Những lớp học xóa mù chữ ở Luân Giói hiện rất đông học viên tham gia, đó đều nhờ vào sự vận động kiên trì, bền bỉ, không quản ngại khó khăn và sự giảng dạy tận tình của giáo viên. Dù đường xa, dù phải dạy tối, nhưng những thầy cô giáo vẫn cần mẫn ngày ngày đến lớp, mang ánh sáng tri thức đến với người dân vùng cao.
Hiện nay Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói, huyện Điện Biên Đông đang mở 9 lớp học xóa mù chữ tại 9 điểm bản với hơn 300 học viên. Để đảm bảo sĩ số chuyên cần của học viên tại các lớp xóa mù chữ, khi được giao nhiệm vụ tổ chức lớp, các thầy cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói đã chủ động phối hợp cùng cán bộ xã, bản đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động. Hiểu được học chữ là cần thiết và hiểu tấm lòng các thầy cô giáo, bà con đã đăng ký theo học rất đông; sĩ số các lớp cũng luôn đảm bảo trên 90% mỗi buổi.
Thầy giáo Lò Văn Xuấn - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Luân Giói chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức lớp xóa mù, đã phối hợp với chính quyền địa phương, thôn bản động viên đến lớp đầy đủ, được sự đồng tình của cán bộ xã. Khó khăn các thầy cô giáo dạy an ngày phổ thông, tối dạy xóa mù. Qua những khó khăn đó các thầy cô giáo đã nhiệt tình đến lớp giảng dạy đầy đủ”.
Ngoài xã Luân Giói, huyện Điện Biên Đông còn đang triển khai hiệu quả lớp xóa mù chữ tại các xã: Na Son, Pú Hồng và xã Phì Nhừ. Chương trình xóa mù chữ đã giúp học viên phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kỹ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản; hình thành và phát triển năng lực toán học, thực hiện được các thao tác tư duy ở mức độ đơn giản. Những nỗ lực trong công tác xóa mù chữ ở Điện Biên Đông hiện nay đã và đang hỗ trợ đồng bào các dân tộc nơi đây cải thiện chất lượng cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương phát triển.