Dẫu hành trình ấy rất gian nan nhưng các thầy, cô vẫn nguyện một lòng gắn bó vì tình yêu nghề và học trò thân yêu.
Làm bạn cùng học trò
“Trở về Quan Sơn, tôi chỉ biết cố gắng vì một điều duy nhất đó là vì những cô, cậu học trò của mình. Trở về rồi, tôi không còn muốn đi đâu nữa, nguyện gắn bó với mảnh đất này”. Đây là những lời chia sẻ của thầy giáo trẻ Hà Văn Nghiệp (22 tuổi), giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS&THPT Quan Sơn, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa).
Thầy Hà Văn Nghiệp sinh ra và lớn lên tại xã Trung Tiến (huyện Quan Sơn). Cũng bởi nặng tình với mảnh đất này mà thầy giáo trẻ ấy nhiều lần bật khóc mỗi khi đứng trên bục giảng.
Đó là những giọt nước mắt vì mình và cũng vì học trò, bởi cuối cùng đã có thể một phần nào đó chạm vào ước mơ, hoài bão của mình. Thế nhưng, đôi lúc còn là giọt nước mắt chất chứa đầy rẫy những nỗi niềm, trăn trở đối với giáo dục vùng cao.
“Khi ra đi, tôi mang tâm thế của một cậu học trò còn phải trau dồi con chữ nhưng lúc trở về, tôi mang trên vai trách nhiệm của một người "gieo hạt giống đỏ" cho quê hương.
Chính vì vậy, dẫu có gian nan tôi vẫn không bỏ cuộc vì mục tiêu là giúp các em thay đổi suy nghĩ về việc học. Học Văn không có nghĩa là học vài ba tác phẩm có trong sách giáo khoa mà học để biết cách sống, hiểu mình và hiểu đời hơn...”, thầy Nghiệp chia sẻ.
Thầy giáo Hà Văn Nghiệp trong giờ dạy Ngữ văn tại Trường THCS&THPT Quan Sơn. |
Sinh ra trong hoàn cảnh khốn khó, cũng bởi vậy mà thầy giáo trẻ Hà Văn Nghiệp luôn nung nấu trong mình hoài bão trở thành người thầy truyền cảm hứng cho học trò, giúp các em vui vẻ, hứng thú với việc học sau mỗi giờ lên lớp.
Để làm được điều đó, thầy giáo xứ Thanh luôn chỉn chu trong từng trang giáo án. Mỗi tuần, thầy giáo trẻ ấy luôn cố gắng sắp xếp vào bản từ 1-2 lần để hỏi han về gia cảnh của từng cô, cậu học trò, nắm bắt những điểm mạnh, yếu của từng học sinh. Để từ đó thôi thúc trò phát huy được thế mạnh của mình.
“Động lực lớn nhất giúp tôi đến với nghề đó là nhờ cha mẹ, sau nữa là bản thân mình. Tôi luôn muốn làm điều gì đó cho quê hương và học trò thân yêu…
Và, niềm vui mà mình nhận lại không phải cái gì đó quá to tát mà là sĩ số lớp được duy trì. Điều đó cho thấy rằng, các em đang dần yêu quý mình và hứng thú hơn với môn học. Từ những điều đó, tôi nghĩ trong tương lai không xa những người thầy, người cô nơi đây sẽ làm được điều gì đó nho nhỏ cho học trò thân yêu của mình”, thầy Nghiệp bộc bạch.
Truyền đam mê, khơi dậy lòng yêu nước
Lịch sử là hồn cốt dân tộc, giáo dục Lịch sử là giáo dục lòng yêu nước. Cũng bởi vậy, ngay cả khi Lịch sử bị xem là môn phụ, song nhà giáo Nguyễn Thị Mai, Trường THCS Hoằng Phụ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn miệt mài truyền đam mê, tình yêu môn Lịch sử tới học trò.
Phương pháp giảng dạy mà nữ giáo viên áp dụng thường linh hoạt và phù hợp với từng học sinh. Đặc biệt, cô Mai cũng thường lồng ghép nhiều tư liệu, ca dao, tục ngữ trong bài giảng của mình để các em hứng thú hơn với môn học.
Với những học sinh có tố chất và yêu thích Lịch sử, nữ nhà giáo xứ Thanh đầu tư thời gian, công sức để rèn rũa, giúp các em chinh phục những đỉnh cao tri thức.
“Có những em từng không yêu thích Lịch sử nhưng đã thay đổi suy nghĩ về môn học này. Đặc biệt hơn, có học trò còn mang về cho mình và nhà trường giải Nhì cấp tỉnh, huyện. Đây là hạnh phúc vô bờ đối với người thầy, người cô như mình”, cô Mai bộc bạch.
Cô Nguyễn Thị Mai trong giờ giảng dạy Lịch sử tại Trường THCS Hoằng Phụ, Hoằng Hóa, (Thanh Hóa). |
Trong vai trò người “gieo hạt giống đỏ”, cô Mai đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò gặt hái được những thành quả ngọt ngào. Trong suốt hơn 10 năm “cầm” đội tuyển, nữ nhà giáo xứ Thanh có hàng chục học sinh đoạt giải cao cấp huyện, tỉnh.
Trong năm học này, cô Mai cũng có thêm 2 học sinh trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi cấp tỉnh và 4 học sinh khác trong đội tuyển ôn thi học sinh giỏi cấp huyện. Với thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi, cô Mai nhiều lần vinh dự được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen và 5 lần là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
“Gần 17 năm gắn bó với bậc học, tôi luôn cảm nhận được tình yêu, niềm hạnh phúc mà nghề dạy học mang lại, được đồng nghiệp tin yêu, học trò tôn trọng. Đó cũng chính là động lực để mình nỗ lực phấn đấu hơn nữa, hoàn thành trọng trách của một người thầy”, cô Mai chia sẻ.
"Mặc dù mới vào nghề, đồng lương khá ít ỏi, nhưng những thầy, cô giáo trẻ như thầy Hà Văn Nghiệp đã không ngại khó, ngại khổ mà luôn phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện để truyền đạt kiến thức của mình đến với học sinh. Đối với những thầy, cô giáo trẻ mới vào nghề như vậy, chúng tôi luôn trân trọng và định hướng cho họ trở thành người đi gieo mầm xanh cho quê hương, đất nước", thầy Tạ Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Quan Sơn (Thanh Hóa).