Chuyện người nữ dân quân hết lòng vì đồng đội

GD&TĐ - Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng những hình ảnh về những ngày chiến đấu tại cửa biển Lạch Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) vẫn còn in đậm trong tâm trí người nữ dân quân năm xưa Tô Thị Đạo (74 tuổi), hiện trú tại số nhà 242, đường Lê Lai, thành phố Thanh Hóa.

Chuyện người nữ dân quân hết lòng vì đồng đội

Ký ức không thể quên trên biển Lạch Trường

Chiến thắng Lạch Trường là thắng lợi đầu tiên của Hải quân Việt Nam trong cuộc đối đầu không cân sức với đế quốc Mỹ. Trong trận chiến khốc liệt đó, Hải quân Việt Nam cùng với đội dân quân xã Hoằng Trường và 12 nữ dân quân xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc do bà Tô Thị Đạo làm tiểu đội trưởng đã làm nên chiến thắng lịch sử.

Khi ấy, bà Đạo là tiểu đội trưởng đội dân quân thôn Hòa Ngư, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa). Đội dân quân được thành lập năm 1963, có 12 người toàn là chị em phụ nữ với nhiệm vụ đảm bảo công tác hoạt động thanh thiếu nhi trong thôn. Đặc biệt, đội còn được giao trọng trách cao cả nhưng hết sức nguy hiểm, đó là trong trường hợp có chiến sự xảy ra thì đội sẵn sàng làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực và cứu thương binh đưa vào bờ.

Sau thất bại ngày 2/8/1964, quân Mỹ dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ngày 5/8/1964. Quân địch đã huy động 64 lần máy bay ồ ạt, bất ngờ ném bom vào nhiều mục tiêu quan trọng của Hải quân của Việt Nam suốt dải ven biển từ sông Gianh (Quảng Bình) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh). Trong đó địa danh Lạch Trường (Thanh Hóa) là một trọng điểm đánh phá ác liệt của địch.

Nhớ lại một thời khốc liệt của trận chiến ở Lạch Trường, bà Đạo bồi hồi kể: Hình ảnh in đậm mãi trong tâm trí bà là trận chiến mà quân và dân ta giành chiến thắng đầu tiên tại Lạch Trường. Buổi sáng 5/8, bầu trời bình yên tĩnh lặng, bất ngờ 2 giờ 15 phút chiều cùng ngày xuất hiện nhiều tốp máy bay địch từ Biển Đông bay vào bắn phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường (Thanh Hóa). Khi ấy, từ trong đất liền nghe tiếng bom nổ, biết chắc Hải quân ta sẽ có chiến sĩ bị thương.

Bà Đạo cùng một nữ dân quân khác chèo thuyền ra khu vực tàu Hải quân của ta bị bắn phá để cứu chiến sĩ bị thương đưa vào bờ cứu chữa. Lúc ấy, nhiều chiến sĩ bị thương khắp người, nằm đau đớn xen với nhiều chiến sĩ đã hi sinh. “Chèo thuyền ra đến nơi, nhìn cảnh tượng các chiến sĩ ta bị thương, tôi không cầm được nước mắt, tim đau thắt lại. Nhưng nghĩ phải nhanh chóng cứu các chiến sĩ còn sống sót, tôi lấy lại bình tĩnh, băng bó tạm thời và nhanh chóng chuyển các anh lên thuyền để đưa vào bờ kịp cứu chữa” - bà Đạo xúc động kể.

Trong số các chiến sĩ bị thương được bà Đạo cứu sống, hình ảnh người thanh niên khoảng 20 tuổi bị thương nặng, cận kề cái chết nhưng vẫn kiên cường chiến đấu khiến cho bà nhớ mãi không quên. Bà nhớ lại: “Trong chuyến cuối cùng tôi và một người trong đội đang chèo thuyền ra xem có còn chiến sĩ nào bị thương ở ngoài biển khơi nơi Hải quân ta bị bắn thì thấy vật gì ở trước mặt. Tiến đến sát, tôi phát hiện một chiến sĩ chỉ còn bàn tay chới với trên mặt nước khoảng 20 cm. Trong tình thế gấp gáp, tôi đã bơi lại và đưa được người chiến sĩ ấy lên thuyền. Trong lúc mê man bất tỉnh, người chiến sĩ ấy nói: “Bắn... Bắn... tôi đang ở đâu, đưa tôi về tàu, nhà của tôi ở tàu kia mà”. Nghe chiến sĩ ấy nói tôi bật khóc và nắm chặt lấy bàn tay lạnh cóng, nhợt nhạt của người lính trẻ”.

Vào năm 2009, sau 45 năm bà Đạo mới gặp lại được chiến sĩ năm xưa chính tay mình cứu sống. Khi ấy bà cũng mới biết tên người chiến sĩ ấy là Mô, hiện sống ở Hải Phòng.

Hai lần xung phong tiếp máu cứu chiến sĩ bị thương

Ngoài việc cứu các chiến sĩ bị thương đưa vào bờ, bà Tô Thị Đạo còn là người đầu tiên xung phong hiến máu cứu chiến sĩ bị thương ngày ấy.

Bà Đạo cho biết, lúc ấy, các chiến sĩ của ta bị thương mất máu quá nhiều mà lượng máu thì không đủ. Các bác sĩ có mặt đã huy động bà con, nhân dân tại chỗ hiến máu cứu thương binh. Khi ấy, bác sĩ nói chưa dứt lời, bà Đạo đã xung phong tiếp máu cho chiến sĩ bị thương. Nhớ lại giây phút đó, bà Đạo nói: “Lúc ấy, nhìn các anh đau đớn trong lòng đau thắt. Tôi chỉ nghĩ làm sao để các anh giảm đau, cứu sống được các anh. Nên khi bác sĩ nói, tôi xung phong ngay vì mong những giọt máu của mình có thể cứu sống được các anh”.

Tiếp máu xong, bà Đạo lại hăm hở chèo thuyền ra biển chở thương binh vào bờ. Đến chuyến thứ 2, chiến sĩ ta bị thương đưa vào bờ ngày một nhiều mà lượng máu tiếp không đủ, bà Đạo lại chủ động xin được hiến máu lần 2. Nhưng bác sĩ không đồng ý nói: “Không được, em vừa hiến máu xong, sức khỏe còn yếu”. Cô dân quân Tô Thị Đạo vẫn cương quyết nói: “Tôi không sao, các anh cứ lấy máu để cứu các chiến sĩ…”. Nhưng đó là chỉ thị của bác sĩ, dù bà Đạo năn nỉ nhưng vẫn không được lấy máu. Rất buồn nhưng rồi bà cùng chị em trong đội lại chèo thuyền ra khơi để đưa các chiến sĩ bị thương vào bờ.

Đưa thuyền về chuyến thứ 4, bà Đạo lại tiếp tục xin được tiếp máu. Lần này bác sĩ trực ca trước đã đưa thương binh về bệnh viện nên khi bà xung phong tiếp máu cho các thương binh, các bác sĩ không biết đã đồng ý cho bà hiến máu cho chiến sĩ bị thương. Bà Đạo kể tiếp: “Lần này, sau khi hiến máu xong, tôi hơi choáng. Nhưng vài phút nghỉ ngơi, thấy trong người khỏe lại, chị em chúng tôi trong đội dân quân lại tiếp tục đi đưa các chiến sĩ ta bị thương vào đất liền”.

Sau năm 1964, bà Đạo được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Công an xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc). Đến 1966, bà được điều về Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa và năm 1994, bà về hưu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ