Có dịp đi Ngã Năm, em hãy ghé thăm gia đình Má, nghe mọi người kể chuyện về Má để hiểu hơn về người Mẹ hai lần được phong tặng danh hiệu cao quí là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Thế rồi, tôi tranh thủ sắp xếp công việc để về Ngã Năm tìm đến nhà Má Tám anh hùng…
Trò chuyện với tôi, ông Huỳnh Tấn Lịnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Quới, thị xã Ngã Năm giới thiệu: Má Tám tên thật là Huỳnh Thị Tân. Má sinh năm 1910, mất năm 2005. Hỏi quê quán thì Má chỉ biết mang máng là vùng Phước Long – Rạch Giá gì đó chứ không nhớ chính xác lắm. Năm 1939, má cùng với chồng là ông Nguyễn Văn Thuấn đến lập nghiệp ở làng Mỹ Quới, huyện Thạnh Trị (nay là Thị xã Ngã Năm), tỉnh Sóc Trăng. Sau khi thành lập thị xã Ngã Năm, xã Mỹ Quới được tách thành xã Mỹ Quới và xã Mỹ Bình. Hiện nay, nhà Má Tám thuộc ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Bình, Thị xã Ngã Năm.
Theo lời kể của các cụ cao niên, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình má Tám là cơ sở nuôi giấu hàng trăm cán bộ cách mạng và chiến sĩ quân đội. Bản thân Má, cách mạng cần gì, Má sẵn sàng. Khi cách mạng cần tài chính, cần lương thực, Má không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đi vào vùng ven mua lúa và vận động nhân dân ủng hộ quỹ kháng chiến. Kết quả, Má mang về cho cách mạng được hơn 40 tấn lúa gạo.
Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1946), để bảo vệ vùng tự do và bao vây phong tỏa kinh tế, kìm chân địch, quân và dân Ngã Năm chủ trương đắp sông, ngăn đường. Lúc đó, Má Tám đã chỉ huy đội quân tóc dài của địa phương tập trung vót chông, phục vụ phong trào chiến tranh du kích vùng cận địch, góp phần làm tổn hại lực lượng của giặc ở Ngã Năm, giữ vững thế trận của ta.
Má Tám- Huỳnh Thị Tân (gđ cung cấp) |
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Má Tám tích cực tham gia hoạt động cách mạng với nhiều nhiệm vụ như tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược cho bộ đội, du kích chiến đấu với kẻ thù, gián tiếp góp phần vào chiến công tiêu diệt hàng trăm tên địch ở các đốn bót tại địa phương. Má còn làm trinh sát theo dõi tình hình địch, cung cấp cho bộ đội, du kích nhiều tin tức quan trọng và kịp thời, góp sức tiêu diệt địch. Không biết bao nhiêu lần, má dẫn đầu quần chúng đấu tranh chống địch gom dân, bắt lính và đã bốn lần Má bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng Má vẫn giữ vững khí tiết, bảo vệ được bí mật, an toàn cho cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Nghĩa (con gái út của Má Tám năm nay 70 tuổi) kể: Hồi đó tôi nghe Má kể rất nhiều chuyện về những năm tháng chiến đấu với kẻ thù. Có một lần vào khoảng tháng 10/1960, Má cùng một số chị em bị bắt giam tại nhà hát của quận. Chúng khảo tra, dụ dỗ, phân loại, rồi thả bớt chỉ giữ lại những người chúng cho là cầm đầu, trong đó có Má.
Một hôm, tên quận trưởng đích thân xuống hỏi cung Má với giọng xấc xược: “Nè bà già, ai xúi, ai biểu, ai cầm đầu bọn đàn bà con gái đến đây làm loạn?” thì Má bình tĩnh trả lời hắn với giọng tỉnh queo: “Chỗ tù, chỗ tội ai dại gì xúi biểu cho khổ, chẳng qua là vì lính của mấy ông vô xóm bắn giết nhiều người dân vô tội, nên chúng tôi mạnh dạn đến thưa với mấy ông chứ làm loạn gì đâu. Chúng tôi chỉ muốn yên ổn làm ăn, muốn đừng bị chém giết bắt bớ tù đày”.
Nghe Má trả lời, tên quận trưởng cười khẩy: “Dễ thôi, có hai cách, một là rủ nhau vô ấp chiến lược mà ở để “quốc gia” bảo vệ, hai là kêu hết Việt cộng ra đầu thú, chớ còn theo cộng sản, còn che chở họ thì phải chết chung thôi. Xét cho cùng chính cộng sản giết dân đấy bà già ạ!”.
Nghe hắn nói, tuy rất tức giận nhưng Má Tám vẫn điềm tĩnh trả lời hắn: “Thưa ông quận trưởng, vô ở đây thì không được rồi, vì chúng tôi không thể cạp đất mà sống. Còn Cộng sản giết dân thì tôi chưa hề thấy, chỉ thấy cộng sản chia đất cho dân, đánh Pháp đuổi Mỹ để đem lại độc lập tự do cho dân. Còn đốt đốt nhà, giết dân, cướp bóc, hãm hiếp đàn bà con gái, làm tình làm tội dân nghèo thì bà con chúng tôi thấy nhiều rồi, mà toàn là lính quốc gia không hà”. Không để cho Má nói hết lời, tên quận trưởng hét lớn: “Bà im đi, bà dám nói xấu quốc gia, chính bà là Việt cộng, dám xui dân làm loạn!”. Nói rồi hắn bỏ đi…
Sau đó là những trận đòn roi tra khảo rồi lại dụ dỗ suốt 2 tháng trời. Không lung lay được Má, bọn chúng buộc lòng phải thả Má ra. Hôm đó là ngày 29 Tết. Về đến nhà, Má mới biết người con trai thứ sáu của Má là anh Nguyễn Văn Quyền vì nóng lòng trả thù cho mẹ đã gia nhập quân du kích và chỉ hơn một năm sau anh đã hy sinh trong một trận đánh cảm tử vào đồn địch ngay tại quê hương.
Ngày anh Quyền mất, cũng là ngày người con trai thứ tư của Má là anh Nguyễn Văn Quận được rút lên tiểu đoàn Phú Lợi, tiểu đoàn chủ lực của tỉnh Sóc Trăng. Hai năm sau anh là trung đội trưởng. Sau khi anh Quận thoát ly (năm 1961), đến năm 1962, cả 3 người con trai khác của má là anh Nguyễn Văn Nhơn, anh Nguyễn Văn Quẩn và anh Nguyễn Trí Phải và người cháu nội là Nguyễn Văn Vũ (con trai của anh Quẩn) cũng lên đường nhập ngũ.
Người con trai thứ 6 là anh Nguyễn Văn Quyền hi sinh năm 1962, nỗi đau trong lòng Má chưa thể nguôi ngoai nhưng Má vẫn vui khi 4 người con trai còn lại và một người cháu nội của Má tiếp nối truyền thống của quê hương, gia đình, mang trong lòng “thù nhà nợ nước” lên đường cầm súng chiến đấu bảo vệ, giải phóng quê hương.
Các con đi hết, ở nhà Má lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, đấu tranh trực diện với kẻ thù, bất chấp nguy hiểm, khó khăn…và luôn mong ngóng tin tức các con và cháu nội ở chiến trường…Với nhiều đóng góp cho cách mạng, năm 1971 Má Tám được kết nạp vào Đảng.
Thế nhưng, chiến tranh thật khắc nghiệt. Liên tục từ năm 1970 đến 1974, các con và cháu của Má lần lượt ngã xuống. Năm 1970, anh Nguyễn Trí Phải và cháu nội Nguyễn Văn Vũ hi sinh. Năm 1971, anh Nguyễn Văn Nhơn ngã xuống trong cuộc chiến đấu quyết liệt với quân thù. Năm 1973 rồi 1974, anh Nguyễn Văn Quẩn và Nguyễn Văn Quận ngã xuống trên chiến hào.
Ngày đất nước ca khúc khải hoàn, nhà nhà vui mừng đón đoàn quân chiến thắng trở về, Má Tám ngồi lặng lẽ trước bàn thờ của 5 người con trai và 1 cháu nội…
Khi tôi hỏi về tâm trạng của Má khi biết tin các con và cháu hi sinh, bà Nguyễn Thị Nghĩa nói trong giọng nghẹn ngào: “Má vẫn thường nói, đất nước còn nô lệ thì các anh, các cháu phải lên đường cầm súng chiến đấu giải phóng đất nước, quê hương. Cho con cháu lên đường ra nơi chiến trường ác liệt, lòng người mẹ nào mà chẳng lo âu nhưng Má vẫn vui, vẫn bằng lòng khi các con và cháu ra trận. Ngày nghe tin các anh và cháu nội hi sinh, ban ngày thái độ của Má rất bình thường nhưng tối đến, Má khóc rất nhiều. Đôi lúc tôi tưởng chừng như Má sẽ không vượt qua được nỗi đau đó. Đêm đêm nghe Má khóc các anh và cháu mà đứt ruột chú ạ. Những năm tháng đấu tranh với kẻ thù, Má tôi rất gan, không bao giờ run sợ, Má từng cầm cờ đi đầu trong các cuộc biểu tình, bị bắt, bị tra tấn dã man không hề rơi một giọt nước mắt”.
Năm 1977, Đại hội Anh hùng lực lượng vũ trang được tổ chức ở thủ đô Hà Nội. Trong buổi lễ này, Má Tám - Huỳnh Thị Tân đã nói: “Cách mạng tháng Tám đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Đất nước bị chia cắt, chiến tranh chống Mỹ kéo dài, tôi nghĩ là người dân, dù gái hay trai, già hay trẻ, đều phải cầm súng đánh giặc. Con tôi chết đứa này, tôi cho đi đứa khác, còn tôi, nhiệm vụ làm mẹ chiến sĩ, tôi phải để chúng yên tâm chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Đó là con đường duy nhất để sống còn!”. Lời phát biểu xuất phát từ đáy lòng một người Mẹ đã khiến cho nhiều người xúc động. Tấm lòng Má thật bao la. Sự hi sinh của Má thật to lớn.
Năm 1978, Má Tám – Huỳnh Thị Tân được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được trao tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Năm 1994, Má được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Năm 2013, Má được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Còn người con dâu của Má, bà Trần Thị Cảnh, vợ Liệt sĩ Nguyễn Văn Quẩn, mẹ Liệt sĩ Nguyễn Văn Vũ, được phong tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng năm 2015. Như vậy, mẹ chồng và con dâu đều là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Tấm gương của Má Tám – Huỳnh Thị Tân là một minh chứng cho phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Má Tám mãi mãi là tấm gương sáng ngời và là niềm tự hào của phụ nữ Sóc Trăng nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung, đã hi sinh cả cuộc đời mình cho đất nước, nhân dân.
Để có ngày “Đất nước trọn niềm vui”, gần 2 triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống. Và cũng ngần ấy những bà mẹ khóc con, những người vợ khóc chồng, người thân khóc người thân... Vinh quang và nỗi đau của những người mẹ Việt Nam anh hùng tiễn con ra trận và khóc thầm lặng lẽ khi các anh vĩnh viễn không trở về như Má Tám - Huỳnh Thị Tân...