Những người đàn ông kỳ lạ không có... dấu vân tay

GD&TĐ - Một số người đàn ông trong gia đình Bangladesh đã không thể lấy được giấy phép lái xe vì thiếu dấu vân tay, trong khi những người khác lại ngại đi du lịch vì sợ gặp rắc rối ở sân bay cũng vì lý do tương tự.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong một thế giới mà dấu vân tay là dữ liệu sinh trắc học được thu thập và sử dụng nhiều nhất, việc không có dấu vân tay vừa là một điều may mắn vừa là một điều gì đó khó khăn, như những người đàn ông trong gia đình Sarker chẳng hạn.

Trong nhiều thế hệ, những người đàn ông trong gia đình Sarker được sinh ra với những đầu ngón tay hoàn toàn mịn màng, không có dấu vân tay.

Mặc dù điều đó có thể không phải là vấn đề quá lớn cách đây một hoặc hai thế hệ, nhưng ngày nay, khi các dấu vân tay của chúng ta được sử dụng để xác định thông tin cá nhân, đó thực sự đã trở thành một vấn đề.

Một số người đàn ông trong gia đình Bangladesh đã không thể lấy được giấy phép lái xe vì thiếu dấu vân tay, trong khi những người khác lại ngại đi du lịch vì sợ gặp rắc rối ở sân bay cũng vì lý do tương tự.

Amal Sarker gần đây nói với BBC: “Tôi đã trả lệ phí, vượt qua kỳ thi, nhưng họ không cấp bằng vì tôi không thể cung cấp dấu vân tay. Đây luôn là một trải nghiệm đáng xấu hổ đối với tôi.”

Amal nói thêm rằng, anh ấy luôn mang theo biên lai giấy phép lái xe khi lái xe máy của mình, nhưng điều đó không giúp ích được gì cho anh ấy khi bị cảnh sát chặn lại. Anh ta cho họ xem biên lai và những đầu ngón tay nhẵn nhụi, không có dấu vân tay của mình, nhưng các nhân viên cảnh sát không bao giờ miễn tiền phạt.

Việc mua thẻ SIM cũng là một vấn đề đối với những người đàn ông trong gia đình Sarker, vì chính phủ Bangladesh đã ban hành điều kiện mua thẻ SIM bằng cách khớp dấu vân tay với cơ sở dữ liệu quốc gia. Không có dấu vân tay, Apu và Amal Sarker không thể lấy thẻ SIM của riêng mình, và giờ cả hai đều sử dụng thẻ mua bằng tên mẹ của họ.

Những người đàn ông trong gia đình Sarker, đến từ quận Rajshahi, phía bắc Bangladesh, mắc một chứng bệnh di truyền cực kỳ hiếm gặp có tên là Adermatoglyphia. Nó chỉ được biết đến vào năm 2007, khi Peter Itin, một bác sĩ da liễu Thụy Sĩ, cứu chữa cho một phụ nữ trẻ Thụy Sĩ đang gặp vấn đề khi nhập cảnh vào Hoa Kỳ, vì cô ấy không có dấu vân tay.

Khuôn mặt của cô ấy không giống với hình ảnh trên hộ chiếu và các đầu ngón tay của cô ấy hoàn toàn mịn màng, không hề có dấu vân tay.

Việc kiểm tra dấu vân tay của bệnh nhân Adermatoglyphia đầu tiên này và dấu vân tay của một số thành viên trong gia đình cô cho thấy nguyên nhân của tình trạng này là do đột biến gen được gọi là SMARCAD1.

Tình trạng này dường như không gây ra ảnh hưởng nào nghiêm trọng tới sức khỏe ngoài việc cơ thể thiếu toàn bộ dấu vân tay.

Adermatoglyphia cực kỳ hiếm đến mức cho đến nay nó chỉ được quan sát thấy trong một số ít các gia đình trên khắp thế giới. Bác sĩ da liễu Eli Sprecher, người đã giúp Giáo sư Peter Itin chẩn đoán tình trạng bệnh, đã đề nghị xét nghiệm di truyền cho những người đàn ông trong gia đình Sarker.

Nhưng mặc dù điều đó có thể mang lại cho những người mắc bệnh một số thông tin rõ ràng, nhưng nó sẽ không giúp họ trong một thế giới mà dấu vân tay đã trở nên rất quan trọng.

“Tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải giải thích tình hình hết lần này đến lần khác. Tôi đã hỏi nhiều người để được tư vấn, nhưng không ai trong số họ có thể cho tôi câu trả lời chắc chắn”, Apu Sarker, 22 tuổi phàn nàn.

May mắn thay, công nghệ tiên tiến ngày nay có thể hỗ trợ họ. Theo Cục Chứng minh nhân dân Quốc gia, những người đàn ông đặc biệt này có thể nhận dạng thông qua việc quét võng mạc hoặc nhận dạng khuôn mặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ