Bị kết án oan vì… hiện tượng song trùng

GD&TĐ - Trên thế giới từng ghi nhận nhiều trường hợp hai người giống hệt nhau, dù không phải anh em sinh đôi hay có bất cứ quan hệ huyết thống nào. Các nhà khoa học gọi đây là hiện tượng Doppelgänger (song trùng).

Ảnh căn cước của Jone bên trái và Amos bên phải.
Ảnh căn cước của Jone bên trái và Amos bên phải.

Họ có thể cùng tồn tại trong cùng một thời điểm lịch sử hoặc khác nhau về thời gian sống. Cho đến nay, chưa ai giải thích điều bí ẩn này, nhưng đã có người phải ngồi tù vì tội lỗi của kẻ giống mình. 

Từ vụ cướp giật 

Mọi chuyện bắt đầu từ một vụ phạm tội điển hình trên đường phố. Vào năm 1999, lúc tối trời, một thiếu nữ đi đến bãi đậu xe Walmart ở Công viên Roeland, Kansas, Mỹ thì có kẻ lạ mặt tiến đến giật chiếc túi xách của cô. Mặc dù nạn nhân đã cố gắng kéo lại, nhưng hắn vẫn chạy thoát cùng với túi xách, trong đó có chiếc điện thoại di động và một số tư trang.

Trong lúc giằng co với kẻ cướp, cô ngã xuống đường, khiến đầu gối bị trầy trụa. Do cô bị thương trong vụ tấn công nên thủ phạm của vụ cướp giật được cho là sẽ bị phạt nặng.

Khi cảnh sát lấy lời khai, các nhân chứng mô tả hung thủ là một người đàn ông gốc Tây Ban Nha, hoặc người Mỹ gốc Phi có nước da sáng với “mái tóc dài hất ra sau”. Cuộc tìm kiếm tên tội phạm được tiến hành ngay sau đó. 

Một nhân chứng ghi được biển số của chiếc xe mà tên cướp đã sử dụng. Từ thông tin này, nhà chức trách tìm đến nhà của một người đàn ông tên là Rick Amos, nhưng người này không ở nhà vào thời điểm đó.

Nhân chứng sau đó xem qua các bức ảnh lưu trữ tại sở cảnh sát và nhận ra nghi phạm của vụ án, chỉ có điều đó không phải là Rick Amos, mà là một người đàn ông tên là Richard Jones.

Nhân chứng đoán chắc không hề nhầm lẫn, chính Jones là người được nhìn thấy trong vụ cướp giật này. Do đó, Jones bị bắt và bị đưa ra xét xử, mặc dù anh ta luôn khẳng định không có mặt ở bất cứ nơi nào gần Walmart vào thời điểm xảy ra vụ cướp.

Khi phiên tòa diễn ra, một số nhân chứng đều khẳng định Jones chính là thủ phạm. Những lời phủ nhận và kêu oan của Jones đều bị bỏ ngoài tai, kể cả bằng chứng ngoại phạm được nhiều người xác nhận, rằng anh đã tham dự một bữa tiệc sinh nhật vào thời điểm xảy ra vụ cướp.

Cuối cùng, dựa vào lời khai có tuyên thệ của các nhân chứng, tòa án tuyên Jones có tội và anh bị kết án 19 năm tù. Jones khăng khăng mình vô tội nhưng kháng cáo của anh bị bác.

Đến một án oan 

Một trong những miêu tả nổi tiếng nhất về doppelganger qua bức tranh màu có tên “Họ gặp bản thân họ như thế nào?” do họa sĩ Dante Gabriel Rossetti vẽ năm 186.
Một trong những miêu tả nổi tiếng nhất về doppelganger qua bức tranh màu có tên “Họ gặp bản thân họ như thế nào?” do họa sĩ Dante Gabriel Rossetti vẽ năm 186.

Jones sống mòn mỏi tại Cơ sở cải huấn Lansing trong 15 năm, sau đó vào năm 2015, điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra tại nhà tù này. Một số tù nhân bắt đầu nhầm Jones với người khác, họ gọi anh là “Ricky” và nói chuyện với anh như thể biết anh từ trước.

Jones bối rối khi phát hiện Ricky mà họ đang nói đến là một người đàn ông tên là Rick Amos, do đó, anh yêu cầu luật sư của mình tìm cho ra một bức ảnh của Ricky. Các luật sư đã nhận được bức ảnh và họ bị sốc.

Về diện mạo, Rick Amos trông rất giống Jones, cả kiểu tóc cũng y hệt. Điều này kỳ lạ đến mức, một trong những luật sư của Jones cho rằng, họ có thể là một cặp song sinh. Bản thân Jones cũng bị sốc khi nhìn kỹ bức ảnh chụp Ricky Amos và cho biết nó thật sự có ý nghĩa đối với anh.

Luật sư của Jones đã tiếp cận một tổ chức giúp đỡ các tù nhân bị oan sai, có tên là “Dự án vì người vô tội Midwest”, là đối tác của Dự án vì người vô tội của Đại học Kansas và tìm hiểu xem liệu tin tức về hiện tượng doppelgänger rõ ràng này có ảnh hưởng đến bản án mà Jones đã nhận hay không.

Người ta nhận ra rằng, thực sự Rick Amos là người đàn ông sống tại địa chỉ liên quan đến biển số xe mà nhân chứng đã ghi lại. Bằng chứng đã xác định chính Ricky Amos đã phạm tội chứ không phải Jones. Các nhân chứng tại phiên tòa xét xử Jones trước đó giờ được hỏi lại đều nhất trí rằng, họ không thể phân biệt hai người đàn ông trong các bức ảnh.

Một người thừa nhận, “Tôi không còn chắc chắn đã xác định đúng người tại phiên sơ thẩm. Nếu nhìn thấy cả hai người vào thời điểm đó, tôi cũng sẽ phân vân khi lựa chọn một trong hai để đưa hắn vào tù”.

Đây không chỉ là một sự nhầm lẫn đơn giản, hai người đàn ông thực sự trông giống hệt nhau, mặc dù không có quan hệ huyết thống. Ngay cả các chuyên gia được đào tạo để xử lý những nhầm lẫn như thế này cũng cảm thấy kinh ngạc, bởi sự giống nhau đến kỳ lạ giữa hai người.

Dựa trên bằng chứng mới này, vào năm 2017, sau gần hai thập niên bị tù đày, tòa án trả tự do Jones cho Jones. Anh được cấp giấy chứng nhận vô tội, hồ sơ bị bắt và bị kết án được xóa. Ngoài ra, anh còn được bồi thường 1,1 triệu USD vì những thiệt hại phải chịu đựng trong hơn 15 năm.

Thật không may, công lý thực sự không thể được thực thi, vì Amos, người đã từng ngồi tù vì một tội danh không liên quan, không thể bị buộc tội cướp vào năm 1999 vì đã hết thời hiệu truy cứu.

Tuy nhiên, câu chuyện không kết thúc ở đây. Trong một bước ngoặt kỳ lạ, dù được tự do và được xác nhận vô tội, vào năm 2019, Jones lại bị bắt, bị truy tố vì tội tàng trữ cocaine và methamphetamine, cả súng bất hợp pháp. Không có thông tin nào cho thấy, liệu Ricky Amos cũng đã làm điều này hay không.

Thuật ngữ “doppelgänger” được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1796 trong cuốn tiểu thuyết Siebenkäscủa Jean-Paul, một nhà văn lãng mạn người Đức. Từ doppelgänger thực chất là hai từ tiếng Đức ghép lại với nhau. Doppel có nghĩa là “đôi” và ganger là “người đi bộ”. 
Doppelgänger thường là:
- Người còn sống giống y hệt người đã mất, thậm chí có trường hợp cách nhau hàng thiên niên kỷ.
- Hai người còn sống rất giống nhau nhưng hoàn toàn xa lạ. 
Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải thích chính xác cho hiện tượng này. 
Theo Mysteriousuniverse

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ