Chuyện lạ từ những bộ tộc nguyên thủy hiện đại

GD&TĐ - Toàn thế giới có khoảng 100 cộng đồng vẫn giữ nếp sống săn bắt, hái lượm từ thời Đồ đá. Họ sống trong những khu rừng xa xôi nhưng không hẳn là không biết gì về các tiện ích công nghệ hiện đại.

Hầu hết các bộ lạc không liên hệ với thế giới bên ngoài vì sợ hãi
Hầu hết các bộ lạc không liên hệ với thế giới bên ngoài vì sợ hãi

Cướp và bị cướp

Sự ghét bỏ của các bộ tộc nguyên thủy hiện đại với người văn minh bắt nguồn từ việc người hiện đại lạm phát khai thác tài nguyên. Những năm 1980 - 1990, nhóm đào vàng ở Nam Venezuela thậm chí xóa sổ cả một bộ tộc bản địa lớn. Tại Peru, lâm tặc đốn rừng bừa bãi, bất chấp đó có là môi trường sống của người khác hay không.

Cuối thế kỷ XIX, vào thời kỳ bùng nổ cao su, các đại diện, công ty cao su cưỡng bức dân bản địa làm việc như nô lệ. Hầu hết các bộ lạc theo nếp sống từ thời nguyên thủy đều hiền lành, thiếu vũ khí tân tiến. Họ bằng lòng với việc ăn chuối và nhện nướng cả đời thay vì những thứ gì đó như bánh pizza. Không khó để hiểu tại sao họ căm ghét thế giới bên ngoài.

Mất đất đai, tài nguyên thực vật, nhiều bộ tộc bắt đầu tìm cách bắt liên lạc với bên ngoài để đổi chác. Đôi khi, thay vì hòa bình, họ trở nên bạo lực, cướp bóc. Ngược lại, họ cũng bị tấn công bởi những kẻ xâm nhập, thường là tay buôn ma túy hoặc hoạt động khai thác bất hợp pháp.

Sống cô lập trong rừng sâu cũng có nghĩa các bộ tộc bản địa không thường xuyên tiếp xúc với các loại virus cảm, không có khả năng miễn dịch. Chỉ với cảm lạnh, họ cũng có thể mất mạng, chưa tính đến các loại virus nguy hiểm khác như sởi, thủy đậu, cúm. Năm 1910, một kỹ sư người Brazil ôm một thành viên bộ lạc Nambikwara như một biểu hiện hòa bình. Khốn nỗi, sự chân thành ấy lại mang theo một loạt các tác nhân gây bệnh, cuối cùng giết chết khoảng 4.500 người Nambikwara vì cúm, cảm lạnh, ho gà.

“Để đồ lại cho tôi”

Một vài bộ lạc nguyên thủy sống hoàn toàn cô lập, ví dụ người Sentinel, đảo Bắc Sentinel, Ấn Độ. Họ lấy sắt từ tàu đắm ngoài khơi để chế tạo vũ khí. Một số bộ tộc Amazon còn sở hữu cả súng. Họ cũng nhận thức được văn minh của thế giới đã tiến bộ đến mức nào, bởi máy bay vẫn bay ngang trên bầu trời khu vực sống của họ.

Ôm giữ sự thù địch với thế giới bên ngoài, vài bộ lạc sẵn sàng giết bất cứ ai dám mon men đến gần. Năm 1867, người Sentinel tấn công các thủy thủ tàu đắm. Năm 1896, họ giết tù nhân trốn chạy xui xẻo dạt vào đảo Bắc Sentinel. Năm 1974, họ đập nát quà cáp mà một đoàn làm phim để lại trên rìa đảo, tưởng có thể hối lộ để ghi hình cuộc sống bộ lạc nguyên thủy này. Năm 2004, họ bắn chiếc trực thăng phúc lợi bay ngang để kiểm tra xem có ai còn sống sau vụ sóng thần. Năm 2006, họ giết một số ngư dân đến quá gần bờ đảo.

Tuy nhiên, dù đập hết quà tặng của các nhà làm phim, họ giữ lại dụng cụ nấu nướng bằng nhôm. Chính phủ Ấn Độ hy vọng có được lòng tin của người Sentinel nên chủ tâm biếu vật phẩm. Đáng tiếc là ngoài nồi niêu, dừa, người Sentinel không hứng thú với bất cứ thứ gì khác. Ấn Độ đành từ bỏ việc làm thân.

Một vài bộ lạc bắt cóc phụ nữ để gia tăng dân số

Một vài bộ lạc bắt cóc phụ nữ để gia tăng dân số

Bắt cóc

Bắt cóc phụ nữ và trẻ em từ các bộ lạc khác là điều khá phổ biến khi một bộ lạc bị giảm dân số bởi bị thảm sát hoặc mắc dịch bệnh gây chết người hàng loạt. Đôi khi, các thành viên bộ lạc Mashco Piro (Peru) không bắt cóc phụ nữ của bộ lạc khác mà chỉ dụ dỗ họ vào rừng một thời gian rồi trả về. Không ai có thể đổ lỗi cho tình yêu nên điều này thật sự khá... xảo quyệt.

Nên để yên cho các bộ lạc nguyên thủy hiện đại sống theo cách của họ hay can thiệp vào là điều mà nhiều chính phủ vẫn đau đầu tìm đáp án. Thực tế lịch sử chỉ ra, hầu hết sự tiếp xúc đều không dẫn đến kết quả tốt đẹp. Để bước vào cuộc sống hiện đại, hòa nhập với người hiện đại, các bộ lạc không giao tiếp với người ngoài này cũng phải tiếp xúc với các virus gây bệnh từ cuộc sống hiện đại. Giả sử sống sót, họ vẫn phải đối mặt với khó khăn kiếm sống trong thế giới văn minh. Với sự chậm chạp, họ chắc chắn còn nghèo hơn cả khi ở trong rừng. Trên tất cả, văn hóa của họ sẽ chết.

Cái khổ cho người nguyên thủy hiện đại là dù rút sâu vào rừng, họ vẫn chưa được yên. Du lịch phát triển, khiến ngay cả các hòn đảo không người xa xôi còn trở thành tài nguyên. Người bản địa không tránh khỏi việc trở thành một trong các “tài nguyên” cho du lịch khai thác.

Các bộ lạc ăn thịt đồng loại không cho rằng ăn thịt người là tội ác

Các bộ lạc ăn thịt đồng loại không cho rằng ăn thịt người là tội ác

Ăn thịt đồng loại

Cuối cùng, chuyện ăn thịt đồng loại vẫn tồn tại. Khác với phần lớn thế giới văn minh, một vài bộ lạc thực hành ăn thịt đồng loại không cho rằng đó là tội ác. Ở Papua New Guinea, bộ lạc Korowai không có hiểu biết về virus và vi khuẩn. Khi một thành viên đổ bệnh, họ cho rằng người đó bị phù thủy khakhua chiếm mất cơ thể. Vì thế, họ sẽ giết người bệnh (với ý thức giết phù thủy khakhua) và biến người đó thành thức ăn.

Với bộ tộc Fore, cũng ở Papua New Guinea, chuyện ăn thịt người cũng giống như ăn thịt heo, gà. Họ mổ người chết ngay trong vườn, ăn sạch sẽ, trừ túi mật. Hủ tục này đã được chấm dứt từ những năm 1970 nhưng vẫn tiếp diễn ở các nhóm Fore sống trong rừng sâu, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài.

Và bộ tộc Yanomami (Brazil và Venezuela) tin linh hồn người chết chỉ ở lại với người sống nếu được đưa phần tro cốt vào cơ thể người sống. Tất nhiên, cách tốt nhất là ăn. Họ sẽ để xác người chết trong rừng, cách xa khu dân cư, cho giòi bọ xâu xé hết thịt. Sau chừng 30 - 45 ngày, họ thu xương cốt, hỏa táng, lấy tro nấu súp chuối chia cả làng, nếu vẫn dư tro cốt sẽ cất đi làm gia vị nấu ăn dần.

Theo Grunge.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ