Trên thế giới, nhiều địa điểm bị xét vào danh sách tuyệt đối cấm người lạ có ý định tiếp cận, thậm chí, một bộ phận công chúng còn không biết đến sự tồn tại của những địa điểm này.
Các địa điểm bị cấm đặt chân đến xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, từ bí mật an ninh, kế hoạch tối mật cho đến an toàn tính mạng, vấn đề tâm linh. Đặc điểm chung của những cấm địa này là có rất ít người có cơ hội đến và nhiều thông tin trái chiều liên quan đến chúng.
Đồi Menwith (Anh)
Trong một số bức ảnh hiếm hoi ghi lại hình ảnh tại đồi Menwith (Anh), khu vực được gọi dưới cái tên Royal Air Force Menwith (RAFM) trông giống khung cảnh trong bộ phim khoa học viễn tưởng với số lượng lớn các tòa nhà có hình dạng giống quả bóng golf nằm cạnh nhau trên đồi.
Đặc điểm chung của các tòa nhà này là phần mái vòm trắng và kết cấu kín, không thể quan sát được vào bên trong.
Hình dạng kỳ lạ chưa phải là điều bí ẩn nhất về nơi này. RAFM được đưa vào hoạt động kể từ năm 1954, vận hành bởi Ủy ban Chiến tranh Anh. Khu vực này đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh với chức năng là nơi theo dõi các hoạt động phía Liên Xô.
Nhiều năm, khu vực các tòa nhà trong đồi Menwith (Anh) được đồn đại là trạm theo dõi điện tử lớn nhất thế giới và là nơi thu thập các nguồn tin tình báo của cả Anh và Mỹ.
Nhưng công việc của 1.205 nhân viên ở dưới những mái vòm trắng này vẫn nằm trong vòng bí ẩn.
Theo nhiều lời đồn đại, RAFM là trạm theo dõi điện tử lớn nhất thế giới và là nơi thu thập các tin tức tình báo của cả hai nước Anh và Mỹ. RAFM cũng được cho là có mối liên hệ mật thiết với ECHELON, hệ thống gián điệp toàn cầu hay còn được biết dưới cái tên Five Eyes với sự tham gia của 5 quốc gia Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand.
ECHELON được thành lập vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước để theo dõi các hoạt động liên hệ giữa phe Liên xô và các quốc gia khối phía Đông trong thời gian chiến tranh Lạnh.
Một tiến sĩ từng tuyên bố vào năm 2012 rằng những người làm việc tại khu vực này "tham gia vào các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái", mặc dù điều này chưa bao giờ được xác nhận.
Hầm cất giữ hạt giống phòng tận thế (Na Uy)
Hầm cất giữ hạt giống phòng tận thế Svalbard với phần lối vào được thiết kế lộ thiên, phần thân xây sâu vào trong lòng núi băng tự nhiên.
Các hầm cất giữ mọi loại nhu yếu phẩm đề phòng ngày tận thế xảy đến và cứu giúp loài người khỏi diệt vong không chỉ xuất hiện trên màn ảnh rộng Hollywood. Ngoài đời thực, kế hoạch chuẩn bị nếu thảm họa thiên nhiên bỗng một ngày ập đến Trái Đất cũng được triển khai.
Nằm giữa khu vực Bắc Cực và Na Uy trong một ngọn núi sa thạch trên đảo Spitsbergen, hầm cất giữ hạt toàn cầu Svalbard là ngân hàng hạt giống được bảo vệ cẩn mật nhất thế giới. Phần lối vào hầm xây lộ thiên, có thể quan sát được từ trên mặt đất còn bên trong xây sâu vào trong lòng núi băng, cách mực nước biển hơn 100m.
Mọi hạt giống tồn tại trên Trái Đất đều được bảo quản bên trong hầm Svalbard ở Na Uy với sức chứa đủ cho 250 triệu hạt giống.
Nằm tại một địa điểm phía cực Bắc xa xôi, hầm Svalbard là nơi lưu trữ 250 triệu loại hạt giống có trên Trái Đất. Chỉ một số ít các nhà khoa học được phép tiếp cận khu vực này
Khai trương vào năm 2008, hầm Svalbard được mô tả là "chính sách bảo hiểm cuối cùng cho nguồn cung cấp thực phẩm của thế giới, mang đến những lựa chọn cho các thế hệ tương lai để vượt qua những thách thức của biến đổi khí hậu và tăng trưởng dân số".
Vị trí của hầm Svalbard được lựa chọn cẩn thận để đảm bảo sự sống sót của hạt giống ngay cả khi các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp nhất xảy ra. Hầm được bao phủ trong lớp băng vĩnh cửu tự nhiên, điều đó có nghĩa là hạt giống sẽ được đông lạnh vĩnh viễn.
Đảo Bắc Sentinel (Ấn Độ)
Khu vực đảo Bắc Sentinel (Ấn Độ) nhìn từ trên cao xuống.
Chính quyền Ấn Độ ra lệnh cấm tuyệt đối người dân trong nước cũng như người nước ngoài di chuyển đến khu vực đảo Bắc Sentinel nằm trong vịnh Bengal nước này nhưng với danh tiếng của hòn đảo này, có lẽ không một ai muốn đặt chân đến đó.
Hòn đảo là quê hương và chỗ trú ngụ của người Sentinel - một bộ tộc nổi tiếng với hành vi bạo lực và sống cô lập, từ chối mọi liên lạc với thế giới bên ngoài.
Việc du lịch đến hòn đảo bị cấm từ năm 1956. Lệnh cấm này mới chỉ được nới lỏng vào năm ngoái, cho phép các nhà nghiên cứu có quyền tiếp cận khu vực đảo nhưng đồng nghĩa với việc đương đầu với rất nhiều hiểm nguy.
Một hình ảnh hiếm hoi về bộ tộc cư ngụ tại đảo Bắc Sentinel. Thổ dân ở đây được biết đến với tính cách hung dữ, bạo lực, từ chối giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nhiều trường hợp người lạ chạm trán với bộ tộc này đều có chung kết cục bị giết hại.
Năm 2006, hai ngư dân đã bị người Sentinel giết chết khi họ cố gắng tiếp cận bờ biển. Cuối năm ngoái, nhà truyền giáo người Mỹ, John Allen Chau cũng bị thổ dân trên đảo này sát hại khi anh ta cố gắng truyền bá Kito giáo đến bộ lạc này.
Theo lời bạn bè của nạn nhân, bất chấp các cảnh báo nguy hiểm và lệnh cấm, Chau vẫn quyết định đặt chân đến hòn đảo vì “ám ảnh” với những thổ dân sống trên đảo.
Những hình ảnh rùng rợn ghi lại được cảnh xác người đàn ông xấu số bị bộ tộc Sentinel kéo lê trên bãi biển sau đó được phổ biến rộng rãi trên mạng Internet. Chính quyền Ấn Độ không truy tố người Sentinel vì tội giết người cũng như không có kế hoạch lấy lại thi thể nạn nhân.
Hang động Lascaux (Pháp)
Với những người hứng thú lịch sử nhân loại, hang động Lauscax là cái tên nổi tiếng bởi những tranh vẽ trên vách đá in đậm dấu tích cuộc sống con người thời tiền sử. Tuy nhiên, việc tham quan hang động đã bị cấm do các nhà khoa học lo sợ các bức vẽ bị hư hỏng do tác động của con người
Đã tồn tại trên Trái Đất từ 20.000 năm trước khi được phát hiện vào năm 1948, hang động Lascaux (Pháp) được đánh giá là một trong những kỳ quan của thế giới. Những bức tranh được vẽ trên các vách đá trong hang ghi lại cảnh sinh hoạt của cuộc sống con người thời tiền sử và thế giới tự nhiên xung quanh được coi là những tài liệu khảo cổ lâu đời nhất về sự xuất hiện của loài người trên Trái Đất.
Trong nhiều thập kỷ, du khách được phép chiêm ngưỡng các bức vẽ trong hang động cho đến khi các nhà khoa học phát hiện ra lượng chất carbon dioxide do hàng ngàn khách du lịch tạo ra trong quá trình vào tham quan có nguy cơ phá hủy các bức vẽ cổ.
Hiện tại, chỉ một số nhà khoa học có phận sự mới có thể đi vào hang động ghi lại những dấu tích đầu tiên của loài người.
Đảo Poveglia (Italia)
Khách du lịch và người dân địa phương đều bị cấm đặt chân đến đảo Poveglia ở miền bắc Italia.
Mảnh đất nhỏ ở giữa khu vực Venice và Lido từng được sử dụng làm khu cách ly cho những người mắc bệnh dịch hạch vào giai đoạn đại dịch Cái Chết Đen càn quét khắp châu Âu và châu Á năm 1348.
Thế kỷ 20, hòn đảo được sử dụng làm nơi tị nạn cho các bệnh nhân tâm thần. Một bệnh viện được mở cửa trên đảo vào năm 1922 nhưng các báo cáo về lạm dụng và tra tấn dã man bệnh nhân đã sớm lan rộng về đất liền.
Trái với vẻ ngoài xinh đẹp nhìn từ xa, hòn đảo Poveglia lại có quá khứ đen tối gắn với nhiều câu chuyện đau buồn và rùng rợn.
Theo nhiều lời đồn đại, mọi người vẫn thường xuyên nghe thấy những âm thanh ghê rợn giống với tiếng la hét của các bệnh nhân từng điều trị tâm thần tại bệnh viện trên đảo.
Theo thống kê, chính quyền Italia ước tính có khoảng 100.000 thi thể vẫn còn ở trên đảo. Tin đồn có tới một nửa số đất trên đảo được tạo thành từ tro người cũng làm mọi người khiếp sợ. Các trường hợp gặp phải các hiện tượng ma quái khó giải thích cũng được ghi nhận với số lượng nhiều.
Khung cảnh trên đảo cũng nhuốm màu u ám, nặng nề. Các tòa nhà của bệnh viên bị bỏ hoang theo thời gian dần xuống cấp trầm trọng.
Các giường bệnh rỉ sét, các dụng cụ y tế bị vứt lại ngổn ngang, các cầu thang gãy nứt và hành lang đổ nát là tất cả những gì còn lại ở nơi trước kia là bệnh viện tâm thần nổi tiếng với phương pháp điều trị bệnh nhân tàn bạo.
Một bệnh viện tâm thần nổi tiếng với các màn tra tấn nạn nhân từng hoạt động trên đảo. Hiện tại, nơi này đã bị bỏ hoang từ lâu. Những thứ đồ vật cũ kỹ, rỉ sét còn sót lại cùng với cây cỏ tự do xâm chiếm các bức tường đổ nát càng vẽ lên không gian liêu trai tại hòn đảo này.
Cùng với quá khứ đen tối, hòn đảo giờ đây được biết đến là một trong những nơi bị ma ám nhất trên thế giới.
Hiện tại, những du khách duy nhất đủ can đảm, trốn vào đảo để thăm quan là một số ít các nhóm săn ma hay những người thích phiêu lưu mạo hiểm, hứng thú với các địa điểm bị bỏ hoang.