Chuyện lạ: “Gia đình một ngón” và sự tài hoa hiếm có

GD&TĐ - Đôi bàn tay và đôi bàn chân sinh ra chỉ có một ngón, không những vậy lại di truyền đến thế hệ sau, thế nhưng “gia đình một ngón” ấy là tấm gương vượt khó không chỉ của người dân trong vùng mà còn lan truyền đến cả những nơi xa xôi. Đó là câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Tiến Thiểu (Duy Tiên, Hà Nam) với sự tài hoa hiếm có và những việc làm đẹp cho đời.

Chuyện lạ: “Gia đình một ngón” và sự tài hoa hiếm có

Tài hoa từ bàn tay “một ngón”

Ông Nguyễn Tiến Thiểu đã nổi tiếng khắp vùng với nét chữ đẹp như rồng bay phượng múa. Điều đặc biệt là nét chữ ấy lại được viết ra từ người mà đôi bàn tay chỉ có duy nhất một ngón.

Ông Nguyễn Tiến Thiểu tốt nghiệp khoa tiếng Trung của Đại học Hà Nội. Ông từng là giáo viên trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Đông), sau có thời gian ông thử thách ở lĩnh vực mới là làm việc tại ngân hàng công thương tỉnh Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam).

Sinh ra đã không được lành lặn như người bình thường thế nhưng, không có công việc nào là ông không làm được, thậm chí có những việc còn làm tốt hơn cả những người khác.

Hằng ngày, ông Thiểu vẫn sinh hoạt bình thường, ông cũng coi mình là người bị tật. Tuy việc gì cũng trở lên khó khăn nhưng theo ông, mọi sự thành công đều bắt nguồn từ nỗ lực và lòng kiên trì. Nếu người bình thường làm nhanh thì có thể mình làm chậm, nhưng chắc chắn phải làm cho đến nơi đến chốn.

Mất khá nhiều thời gian để mày mò và luyện viết chữ đẹp, đến giờ, ông Thiểu lại trở thành thầy giáo luyện chữ cho các em học sinh. Nhiều người nơi xa đến còn mời bác dạy chữ cho các cháu trong các trung tâm vì theo họ, bác còn là tấm gương về nghị lực cho thế hệ trẻ noi theo.

Tiếng lành đồn xa về người thầy giáo già của “gia đình một ngón” không chỉ viết chữ đẹp mà còn biết viết chữ Trung Quốc rất điêu luyện, họ đã tới tận nơi để nhờ ông viết các câu đối, khắc tên trên bia mộ,…Bàn tay khiếm khuyết ấy trở lên tài hoa hơn bao giờ hết.

Ngoài viết chữ, ông Thiểu còn có tài vẽ tranh rất giỏi, cắt tỉa cây cảnh và may vá thành thạo như thợ chuyên nghiệp. Tự mình tìm đọc và nghiên cứu vẽ tranh, từng nét vẽ khiến ai nấy đều trầm trồ thán phục. Với người thường, để vẽ được đẹp cũng không phải dễ, thế nhưng với người đàn ông một ngón tay thì việc tự học vẽ là một sự nỗ lực không ngừng. Nhiều bức tranh của ông Thiểu được khách hỏi mua, thế nhưng, dù giá nào ông cũng không bán.

Ông Thiểu đam mê đọc sách, đối với ông “sách là nguồn gốc của mọi sự hiểu biết”. Nhìn gia tài trong gia đình ông, có lẽ thứ giá trị nhất đối với ông là kho sách đã ngả màu thời gian được ông tích lũy lại từ ngày còn đi học. Từng cuốn sách đều được ông trân quý như những người bạn.

Nối tiếp những tài hoa

Sinh ra, chàng trai Nguyễn Tiến Thiểu đã trở thành nỗi sợ hãi của gia đình. Đôi bàn tay chỉ có một ngón, đôi bàn chân biến dạng như chân chim. Ai nấy nhìn Thiểu cũng sợ hãi và dè bỉu.

Thế nhưng, càng lớn lên, chàng trai này càng thể hiện sự chăm chỉ, nỗ lực vươn lên và rất ngoan ngoãn. Thời ấy, dù gia đình đông anh em, nhưng ông Thiểu đỗ đại học là niềm tự hào của dòng họ.

Em trai của ông Thiểu cũng có hoàn cảnh giống mình. Kém may mắn hơn khi căn bệnh lạ này lại di truyền lại cho đời sau. Con gái và con trai út của ông Thiểu cũng bị bệnh giống hệt bố. Dân làng dè bỉu, nhiều người ái ngại, nên ông đã đi khắp các bệnh viện để hỏi han và chạy chữa nhưng không ai biết nguyên nhân của căn bệnh này. Khi ông tham gia cộng tác và làm việc với những chuyên gia nước ngoài, họ cũng không có câu trả lời cho căn bệnh của ông Thiểu.

Trước đây, khi còn là giáo viên, học sinh nhìn ông hiếu kỳ, nhiều người làm việc với ông cũng không khỏi tò mò. Thế nhưng, ông Thiểu vẫn bỏ qua một bên khiếm khuyết trên cơ thể để chứng minh được mình không kém về tài năng hay phẩm chất. Cho đến giờ, từ đi xe đạp, xe máy, cầm, kì, thi, họa, “ngón nghề” nào ông cũng thạo hết và thậm chí còn làm rất tốt.

Ông Thiểu chăm lo giáo dục con cái và coi đó là trọng trách lớn. Kết hôn năm 20 tuổi, người vợ đầu sinh cho ông được 6 người con, nhưng trong đó, một người con gái bị căn bệnh lạ giống bố.

Khi người vợ đầu mất, thời gian sau nhiều người vì cảm phục ý chí và tài hoa của ông nên muốn kết duyên. Thế rồi, ông kết duyên với người vợ hiện tại kém ông 20 tuổi và sinh cho ông được người con trai nối dõi tông đường. Thêm một nỗi buồn nữa khi con trai của ông không tránh được bệnh lạ.

Hiện, các con ông được sự chăm sóc, giáo dục của người cha có ý chí phi thường, ai ấy đều đã trưởng thành. Chị Nguyễn Thị Hương, con gái mắc bệnh giống bố giờ còn tham gia giảng dạy cho Trung tâm giáo dục cộng đồng. Chị đã học hỏi người cha của mình, luôn vượt qua những mặc cảm và làm những việc có ích cho xã hội.

Nguyễn Tiến Đạt – con trai út và cũng là con trai duy nhất của ông Thiểu đang học lớp 12. Ước mơ của chàng trai “một ngón” là sẽ thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật, nối tiếp và phát huy những tài năng và sở thích của bố.

Nhìn gia đình ông chỉ thấy sự đầm ấm, những tình cảm chan chứa và những đứa con ngoan ngoãn, không ai còn bận tâm tới những khiếm khuyết dị biệt trên cơ thể của họ nữa. Thậm chí, người dân trong thôn Hoàng Lý còn coi gia đình ông như một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vượt khó đáng khâm phục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.