(GD&TĐ) - Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đặt chân tới làm nhiệm vụ ở “xứ sở Triệu Voi”, nhưng tình cảm gắn bó, thủy chung với các bạn Lào thì như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí họ. Vào dịp hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm nhân “Năm hữu nghị Việt-Lào”, chúng tôi đã được nghe Thiếu tướng Lê Đình Sô (nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4) và Đại tá Võ Ngọc Đạo (nguyên cán bộ Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu) kể lại những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng cùng sát cánh chống kẻ thù chung…
“Bố mẹ ơi, con rể đến rồi!”
Tháng 10-1949, một đơn vị có tên gọi “Đội vũ trang tuyên truyền 812” của Trung đoàn 280 với quân số khoảng 40 người bắt đầu xuất phát từ xã Sơn Hà (Hương Sơn, Hà Tĩnh) sang chiến trường Trung Lào. Sau một thời gian hành quân vượt qua dãy Trường Sơn, Đội đến vùng Tha Phay thuộc huyện Nhom-ma-rat tỉnh Khăm Muộn (Lào). Kể từ đây, những người lính tình nguyện bắt đầu những năm tháng tắm mình trong cuộc sống dân dã và phần nào cảm nhận được bản sắc văn hóa, được nhân dân các bộ tộc Lào cưu mang, đùm bọc. Họ đã có dịp đặt chân lên nhiều nơi trên đất nước “Triệu Voi”, quen dần với các món ăn, quen ở nhà sàn và khi nghe tiếng khèn gọi bạn hay điệu múa lăm vông, họ cũng thấy trong người rạo rực, để rồi cũng biết “en xáo” (trêu đùa) các cô gái Lào bằng những câu “xu pha xít” (ngạn ngữ) và hát theo những bài hát giao duyên…
Thiếu tướng Lê Đình Sô. |
Tại tỉnh Khăm Muộn, Đội 812 gặp đơn vị vũ trang của Pathet Lào do đồng chí Xổm-xắc làm Trung đội trưởng. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng Xổm-xắc biết chút ít tiếng Việt, còn Trung đội trưởng Võ Ngọc Đạo cũng “dắt lưng” chút ít tiếng Lào. Sau một thời gian cùng hoạt động, hai người trở nên gần gũi, thân thiết và họ đã dạy cho nhau ngôn ngữ nước mình. “Xổm-xắc dạy tôi cách học tiếng Lào bằng cách “cải biên” các câu hát thành những bài vè có vần điệu, kiểu như: “Chúng ta là tình nguyện quân/Cùng bạn chiến đấu cùng chung chiến trường...”. Xổm-xắc là người sống rất chân thành, cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với lính tình nguyện chúng tôi và chính anh đã dạy cho tôi những làn điệu dân ca Lào mà tới nay, sau hơn 60 năm, tôi vẫn còn nhớ”, Đại tá Võ Ngọc Đạo kể lại. Rồi ông ngân lên những câu vè mà ông và Xổm-xắc từng hát mỗi khi vào bản: “Phò me ơi lục khơi ma lẹo, phay âu lậu hạy lục khơi kin” (nghĩa là: “Bố mẹ ơi con rể đến rồi, đi lấy rượu cho con rể uống thôi!”). Mỗi lần vào bản, hai chúng tôi lại nghêu ngao hát mấy câu vè ấy, người dân nghe thấy, ai cũng cười ồ lên”.
Tháng 6-1951, do đơn vị chuyển về hậu phương củng cố lực lượng nên ông Đạo về làm Đội phó Đội xây dựng cơ sở vùng Bô-la-pha, huyện Sê-pôn, tỉnh Sa-va-na-khẹt, là nơi có Ủy ban kháng chiến Trung Lào của bạn. Cuối năm ấy, ông được điều về làm Đại đội trưởng Đại đội 75 nhận nhiệm vụ tác chiến, xây dựng cơ sở và bảo vệ Ủy ban kháng chiến khu Trung Lào. Lúc này Ủy ban kháng chiến Trung Lào của bạn thường xuyên có các đồng chí đại diện Trung ương thay nhau làm Chủ tịch. Đại đội trưởng Võ Ngọc Đạo đã có dịp gần gũi và thường xuyên được gặp các đồng chí: Thao Ma, Un Hươn, Khăm Phướn, Khăm-tày Xi-phăn-đon, những người mà sau này đã trở thành các cán bộ lãnh đạo cao cấp của bạn. Có dịp gần họ, ông nhận thấy các vị lãnh đạo Ủy ban kháng chiến là những người có tác phong quần chúng, luôn gần gũi, sâu sát và giản dị trong sinh hoạt. Ông kể: “Những lần lãnh đạo Ủy ban kháng chiến tới thăm người dân và cán bộ cơ sở, đến bản nào chúng tôi cũng phải bố trí trước để bí mật hẹn gặp nhau ở bờ suối hoặc một khu rừng nào đó. Có lúc phải ngủ lại thì cán bộ cơ sở tăng cường thêm người canh gác và mang cơm với rau rừng để các đồng chí lãnh đạo Ủy ban kháng chiến và đội bảo vệ đi theo cùng ăn. Thức ăn thường chỉ là bát canh và muối ớt, có hôm không có cả canh, vậy mà họ đều vui vẻ, không hề kêu ca hoặc gợi ý ăn uống này nọ”.
Ông Lê Đình Sô (hàng sau, thứ ba từ phải sang) trong lần sang thăm tỉnh Khăm Muộn, Lào (năm 1983) - ảnh do nhân vật cung cấp |
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, ông Đạo chia tay những người bạn Lào, trở về nước nhận nhiệm vụ mới. Cho tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi trở lại Sầm Nưa giúp bạn, ông mới có dịp gặp lại Xổm-xắc. “Xổm-xắc đã mời tôi về lán mà vợ con anh đang sơ tán, rót rượu mời tôi uống. Anh rủ rỉ: “Đây là rượu ngâm mật gấu đấy, Đạo uống vào cho khỏe để “chân cứng đá mềm” mà leo núi nhé”. Lúc ấy, Xổm-xắc đang là Hiệu trưởng Trường Quân sự Com-ma-đam đóng ở Sầm Nưa. Sau đó, vào tháng 10-1984, khi được bạn mời sang Lào tham quan, tôi lại có dịp gặp Xổm-xắc. Biết tôi đang ở Lào, Xổm-xắc mừng lắm, anh đã đến Nhà khách Bộ Quốc phòng để thăm tôi, nào ngờ đó là lần gặp anh cuối cùng vì ít lâu sau tôi hay tin anh mất do lâm bệnh hiểm nghèo”.
Về nước, ông Đạo cũng có nhiều dịp gặp lại những người bạn Lào. Trong một lần tới xem bóng đá ở sân Hàng Đẫy, ông đã tình cờ được gặp đồng chí Khăm Phướn khi Khăm Phướn cũng có mặt tại đây. Chính Khăm Phướn là người đã nhận ra ông Đạo giữa đám đông khán giả. Năm ấy, đồng chí Khăm Phướn được cử sang làm Đại sứ Lào tại Việt Nam. “Năm 1977, tôi còn được gặp lại đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon khi ông sang thăm Việt Nam trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng. Hôm đó, tôi vinh dự có mặt trong đoàn đón các bạn Lào. Gặp tôi, đồng chí Khăm-tày Xi-phăn-đon nhận ra ngay, rồi ông hỏi tôi bằng tiếng Việt: “Chị và các cháu có khỏe không?”. Tôi rất bất ngờ khi nhận được lời thăm hỏi ân cần của một đồng chí lãnh đạo cao cấp, người mà cách đó hàng chục năm đơn vị chúng tôi từng làm nhiệm vụ bảo vệ ở Mặt trận Trung Lào”, ông Đạo xúc động kể.
Miếng ngon sẻ đôi trong những ngày “chia lửa”
Bước vào mùa khô năm 1972, ta mở “Chiến dịch 972” đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Quân khu 4 nhằm phối hợp tác chiến trên chiến trường ba nước Đông Dương và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, kéo lực lượng chúng phân tán để củng cố, mở rộng vùng giải phóng.
Thiếu tướng Lê Đình Sô - khi đó đang là Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 4 và được cấp trên cử làm Chính uỷ Chiến dịch 972 - đã nhớ lại những ngày cùng đồng đội có mặt trên địa bàn tỉnh Khăm Muộn: “Năm 1972, do nước bạn bị mất mùa nên các đơn vị bộ đội của cả ta và bạn đều bị thiếu đói. Mỗi người trung bình hằng ngày chỉ có tiêu chuẩn từ 3-5 lạng gạo ăn với măng hoặc rau rừng các loại. Người dân thị xã Thà Khẹc và huyện Noọng Bốc rất cảm thông với những khó khăn ấy nên đã đề nghị các đơn vị phân tán nhỏ lực lượng để mỗi nhà đón 5-7 chiến sĩ về ở cùng. Họ bảo: “Lung Hồ (Bác Hồ) cử các con lên đây giúp nhân dân Lào đánh giặc, giải phóng bản làng, bà con phải có trách nhiệm cưu mang, giúp đỡ. Mời bộ đội Việt Nam vào bản ở với dân, có gì chúng ta ăn nấy”. Cán bộ, chiến sĩ ta rất cảm động trước sự nhiệt tình của bà con, nhưng anh em biết người dân địa phương cũng phải vào rừng đào củ, lấy măng để sống qua ngày nên đã cử người tới gặp và thưa lại với bà con xin được ở ngoài rừng để nhanh chóng cơ động đánh giặc. Vậy mà tại một số đơn vị ở gần các bản, thỉnh thoảng người dân địa phương lại đem ra cho chiến sĩ các đơn vị vài ba cân gạo nếp, vài con gà, xâu cá hoặc nải chuối, mớ rau… Dù đã tìm cách từ chối, những bà con vẫn “bắt” anh em phải nhận, họ bảo: “Mình tặng những thứ này để bồi dưỡng cho số anh em bị thương” .
Đại tá Võ Ngọc Đạo |
Ở chiến trường Trung Lào ngày ấy, Thiếu tướng Lê Đình Sô còn nhớ những ngày cuối tháng 12-1972, khi quân tình nguyện Việt Nam cùng quân dân hai tỉnh Khăm Muộn và Bô-li-khăm-xay sôi nổi hưởng ứng đợt thi đua cao điểm “Giết giặc lập công, chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12”. Sáng 19-12-1972, Bộ tư lệnh chiến dịch 972 cùng lãnh đạo hai tỉnh bạn họp bàn triển khai phương án tiến công địch. Hôm ấy cũng là ngày mà Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Mỹ dùng B52 đánh phá Hà Nội, vì thế, sau phần báo cáo của Tư lệnh Chiến dịch Nguyễn Văn Thuận, đồng chí Văn Thoong, Bí thư tỉnh uỷ kiêm Chính trị viên tỉnh đội Khăm Muộn đứng lên phát biểu: “Chúng ta đang ở giai đoạn cuối của đợt thi đua cao điểm, vì vậy hãy phát huy sức mạnh của tình đoàn kết Việt - Lào, giáng lên đầu địch những đòn sấm sét để cùng “chia lửa” và trả thù cho bà con Hà Nội”. Rạng sáng 21-12, các đơn vị: 42, Đại đội tăng, Đại đội pháo 85mm, pháo 120mm của ta và bạn đã dồn dập rót bão lửa vào thị xã Thà Khẹc. Ngay loạt đạn đầu, kho đạn địch cháy dữ dội, cả thị xã hỗn loạn, hàng loạt pháo sáng của địch bắn lên trời kêu cứu. Trong khi địch đang bối rối bảo vệ thị xã thì các đơn vị của ta và bạn tiếp tục giội bão lửa lên đầu bọn địch ở căn cứ Sê-băng-phai. Địch hoàn toàn rối loạn nên phản ứng rất yếu ớt, nhiều tên bị tiêu diệt tại chỗ, liên quân Lào - Việt đã diệt và bắt sống 284 tên địch, san bằng căn cứ, thu toàn bộ vũ khí. Trận đánh kết thúc cũng là lúc Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin quân dân Hà Nội đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược bằng B52 của đế quốc Mỹ. Biết tin ấy, ngay lập tức, tất cả các đơn vị của ta và bạn đều tổ chức ăn mừng tại trận địa…
Khi được hỏi từ sau ngày đất nước thống nhất, ông đã sang thăm nước bạn mấy lần? Thiếu tướng Lê Đình Sô bảo rằng nhiều lắm, không nhớ hết được. Các chuyến đi, dù là công tác hay sau này nghỉ hưu sang thăm nước bạn với tư cách cá nhân, ông đều coi như những chuyến “trở về nhà”.
“Làm sao tôi có thể quên được những nắm xôi, những xâu cá mà bà con đem tặng bộ đội tình nguyện Việt Nam trong những năm kháng chiến gian khổ ấy” - Tướng Sô vẫn thường hồi tưởng về những năm tháng có mặt trên chiến trường nước bạn như vậy. Với ông, Bí thư tỉnh uỷ Khăm Muộn - đồng chí Văn Thoong - là người gắn bó và có nhiều kỷ niệm với ông nhất. “Trong những ngày kháng chiến gian khổ, tôi nhớ mãi một kỷ niệm vui với đồng chí Văn Thoong. Lần ấy, trong một chuyến công tác, sau khi săn được một con gà rừng, Văn Thoong đã chia đôi con gà ra rồi cho người mang sang Sở chỉ huy chiến dịch cách đó một cây số. Văn Thoong bảo đem tặng tôi và đồng chí Thuận nửa con gà để các anh bồi dưỡng sức khoẻ” - Thiếu tướng Lê Đình Sô nhớ lại.
Còn với các bạn Lào, mỗi khi đón các cựu chiến binh Việt Nam trở lại thăm chiến trường xưa là một dịp họ được cùng nhau hàn huyên, ôn lại những năm tháng cùng chung chiến hào với “bộ đội Lung Hồ”…
Bùi Vũ Minh