Chuyện “kế hoạch hóa” ở bản vùng biên

GD&TĐ - Mặc dù ở khu vực biên giới, đời sống xã hội còn nhiều khó khăn, thông tin hạn chế, nhưng điều đặc biệt ở đây là bà con thực hiện rất nghiêm túc chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; trong đó có những bản làng nhiều năm liền không có gia đình sinh con thứ 3; tập trung làm ăn và nuôi dạy con cái đi học đến nơi đến chốn.

Chuyện “kế hoạch hóa” ở bản vùng biên

“Đẻ thì dễ mà, nuôi mới khó”

Bản Na Lướm xã biên giới Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An) có 42 hộ, 158 nhân khẩu; mặc dù là bản mới được thành lập 5 năm, nhưng các phong trào đoàn thể rất sôi nổi, bà con chấp hành tốt pháp luật. Đặc biệt là từ khi thành lập bản đến nay, trong bản không có gia đình nào sinh con thứ 3. Gia đình anh Lô Thái Nguyên (SN 1985), người dân tộc Thái, là một trong những hộ gia đình điển hình ở bản Na Lướm hiện nay: Có 2 con cách nhau 5 tuổi, đều đã đến tuổi đi học. Kinh tế gia đình vững vàng với nghề chính là làm rẫy và chăn nuôi. Anh Nguyên chia sẻ, trước đây ai cũng muốn đông con, nhưng ngày nay tư tưởng ấy hầu như không còn trong lớp trẻ.

Còn tại bản Mai, anh Lang Văn Hoài (SN 1982) - Phó bản cho biết hơn 15 năm qua chưa có ai bị phạt vì sinh con thứ 3 trở lên. Bản thân gia đình anh cũng có 2 cô con gái nhưng vợ chồng quyết định không đẻ nữa. “Bé lớn nhà mình là Lang Thị Huệ năm nay 11 tuổi rồi, còn bé sau Lang Yến Chi mới hơn 1 tuổi thôi. Tính ra hai chị em cách nhau đến 10 tuổi. Trước đó, mình có một cháu sinh ra không bao lâu thì mất do mắc bệnh bẩm sinh. Thế nên vợ chồng mình mới sinh thêm Yến Chi. Chỉ sinh 2 con thôi, để còn có thời gian chăm sóc con, không thì tội nó. Hơn nữa bản cũng quy định vậy rồi”.

Được biết, việc thực hiện đúng chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình đã được đưa vào trong hương ước của các bản làng tại xã Thông Thụ. Chị Lương Thị Định (SN 1979), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Mường Piệt chia sẻ: “Không phải tuyên truyền 1 lần, 2 lần là mọi người nghe đâu. Nhiều khi các chị hội viên không muốn đẻ nữa, nhưng nhà chồng lại muốn có con trai để nối dõi tông đường. Mình phải tuyên truyền liên tục, đến tận nhà vận động, giao chị em hội viên xung quanh giúp đỡ, giải thích cụ thể cặn kẽ hơn. Mình cứ suy từ bố mẹ, ông bà mình ra là biết mà, sinh nhiều con là khổ. Bố mẹ khổ rồi, không thể để con cái khổ nữa, phải để cho các con đi học, học xong ở xã thì ra huyện học, xuống tỉnh học nữa. Mà nghèo đói, đông con thì làm sao cho con học được. Được học nhiều thì biết nhiều, làm ăn kinh tế cũng dễ hơn”.

Phát triển chất lượng dân số

Chia sẻ công tác dân số tại địa phương, bà Lương Thị Phượng - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thông Thụ, huyện Quế Phong - cho biết: “Để đạt được kết quả này là nhờ vào sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng chính quyền, trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ và cán bộ chuyên sách dân số đóng vai trò nòng cốt. Việc thành lập CLB không sinh con thứ 3, tổ chức từng hộ gia đình, từng bản ký cam kết đã tạo ra phong trào thi đua giữa các bản. Từ đó, tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của bà con trong việc sinh đẻ, nuôi dạy con cái. Không chỉ không sinh con thứ 3 mà mấy năm gần đây, mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của chị em hội viên cũng đã được cải thiện, tiến bộ nhiều hơn”.

Xã Ngọc Lâm cũng là một xã vùng biên, thuộc huyện Thanh Chương, Nghệ An. Đây là nơi sinh sống của bà con người Thái từ huyện Tương Dương về tái định cư, “sau khi nhường đất đai, bản cũ cho nhà máy tạo ra nguồn điện mà bao năm qua người dân thiếu thốn” như lời Chủ tịch xã Lô Hoài Dung. Đem theo tên làng, tên bản từ xa xôi về, cùng với nhiều tập quán sinh hoạt, quan niệm cũ, nhận thức của bà con vẫn còn hạn chế. Nhưng đây lại là xã đầu tiên trong huyện xây dựng mô hình xã không sinh con thứ 3 trở lên giai đoạn 2016 - 2020.

Chị Lô Thị Hiền, Trưởng bản Chà Luân, xã Ngọc Lâm phấn khởi nói: “Từ ngày tái định cư, bản Chà Luân 9 năm liền không có gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Về Ngọc Lâm khác với khi còn ở bản cũ trên huyện Tương Dương. Ngày trước cứ xuống suối bắt cá, lên rừng hái măng, cây thuốc, lấy mật ong đem bán là có tiền. Nhưng giờ thì phải làm lụng, cải tạo đất trồng chè, phải biết làm chuồng nuôi gia súc. Tự mình làm ra, có thu nhập ổn định, nhận thức của bà con cũng có nhiều tiến bộ hơn. Ngày xưa đẻ nhiều, “trời sinh thì trời nuôi”, vì sống dựa vào sông suối núi rừng mà. Bây giờ thì khác, bà con nói nếu đẻ con ít, thì tập trung chăm sóc con tốt hơn. Bố mẹ cũng có thời gian làm việc nhiều hơn, thì mới có nhiều tiền nuôi con ăn học”.

Ngoài Chà Luân, bản Xiềng Lằm, Bản Lạp cũng đã 6 năm liên tục không có người sinh con thứ 3 trở lên. Đặc biệt, hai năm liên tục 2016 và 2017 toàn xã Ngọc Lâm không có người sinh con thứ 3. Đời sống kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực khi hai năm trở lại đây tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từ 67,8% xuống còn 55%.

Theo ông Trình Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, từ điểm sáng của xã Ngọc Lâm, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể như gặp mặt các gia đình chưa dừng ở 2 con, các cặp vợ chồng có 2 con trở lên chưa sử dụng các biện pháp tránh thai, phát động chiến dịch truyền thông dân số... Mục tiêu chính là từng bước giảm mức sinh, đưa về mức sinh thay thế và chuyển trọng tâm dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.