Tìm hiểu sự việc, chị Hương mới biết người cháu họ T.T.H. đã mượn tên của chị để đăng ký kết hôn với ông T.H.K.. Nay sự việc vỡ lở, chị Hương dở khóc dở cười vì mang tiếng có 2 chồng cùng lúc.
Đứa cháu họ “trời đánh”
Năm 1996, T.T.H. (SN 1982) là cháu họ của chị Hương, do chưa đủ tuổi làm công nhân nên mượn giấy tờ của chị để làm hồ sơ xin việc làm tại một công ty ở huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thương cháu, chị Hương đã đồng ý cho chị H. mượn giấy tờ của mình. Từ đó, chị H. lấy giấy chứng minh nhân dân của chị Hương làm hồ sơ xin việc và tiến hành các giao dịch nhân thân khác.
Đến tháng 4/2006, chị H. lấy tên chị Hương đăng ký kết hôn với ông T.H.K. tại UBND phường Hòa Bình (TP Biên Hòa). Đến tháng 11/2011, chị H. sử dụng giấy chứng minh nhân dân mang tên chị Hương để đổi giấy chứng minh nhân dân mới và nhập khẩu vào hộ ông K.. Với tên trong giấy tờ là Trịnh Thị Hương, chị H. và ông K. đã mua nhiều khu đất ở 2 phường Tân Phong và Trảng Dài (TP Biên Hòa).
Đầu năm 2016, do cuộc sống vợ chồng lục đục, chị H. và ông K. đưa nhau ra tòa ly hôn. Lúc này, mọi chuyện mới vỡ lở và phát sinh nhiều vấn đề tranh chấp pháp lý trong phân chia tài sản, nhân thân.
Chị Hương cho hay theo đúng luật định thì chị phải ly hôn với ông K., tài sản chung giữa 2 người trong quá trình hôn nhân phải chia theo pháp luật.
Tuy nhiên, chị không yêu cầu điều đó mà chỉ mong tòa trả lại lý lịch nhân thân “sạch” cho chị bằng phán quyết hủy giấy đăng ký kết hôn và xác nhận rõ là thực tế chị không hề đăng ký kết hôn với ông K.
Không muốn “đục nước béo cò”
Theo luật sư Ngô Văn Định (Đoàn Luật sư TPHCM), khi phát hiện mình bị chị H. mạo danh để đi đăng ký kết hôn với ông K., chị Hương đương nhiên có quyền khởi kiện chị H. về việc dùng giấy tờ mang tên người khác để kết hôn và thực hiện nhiều giao dịch dân sự khác, như: làm hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, chuyển nhượng đất đai... là trái pháp luật. Đồng thời, chị Hương có quyền yêu cầu tòa án hủy giấy đăng ký kết hôn và các giao dịch mà chị H. thực hiện với tên Trịnh Thị Hương.
Cũng theo luật sư Định, để giải quyết vụ việc ổn thỏa, đúng pháp luật thì tòa phải tuyên hủy hôn nhân giữa chị Hương với ông K. vào năm 2006.
Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước hủy giấy chứng minh nhân dân, quyền sử dụng đất, xóa tên Trịnh Thị Hương trong hộ khẩu bị chị H. mạo tên đăng ký, giao dịch.
Riêng việc phân chia tài sản trong quá trình chung sống với ông K., chị H. vẫn có quyền yêu cầu tòa giải quyết khi chứng minh được đó là tài sản do 2 người tạo lập trong quá trình chung sống vợ chồng.
Trao đổi với PV, chị Hương cho hay, chị không muốn “đục nước béo cò”, đòi ông K. chia tài sản cho chị khi ông và chị H. đưa nhau ra tòa ly hôn.
Mục đích của chị Hương chỉ là yêu cầu pháp luật trả lại lý lịch nhân thân trong sáng (một vợ, một chồng) cho chị để người chồng chính thức của chị không nghi kỵ, gia đình không bị xào xáo.
Trước tình cảnh tréo ngoe xảy ra, chị Hương khổ tâm vì chuyện “làm ơn mắc oán”. Riêng chị H. thì đang chạy vạy khắp nơi tìm luật sư giúp đỡ nhằm bảo vệ khối tài sản tạo lập chung trong quá trình chung sống như vợ chồng với ông K. sau khi hạnh phúc đổ vỡ. Đồng thời, tiến hành cải chính lại tất cả các thủ tục về hộ tịch theo đúng tên thật của chị, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng sau này.
Luật sư Ngô Văn Định nhấn mạnh, việc chị H. mượn tên chị Trịnh Thị Hương đăng ký kết hôn với ông K. là sai pháp luật về hôn nhân gia đình.
Do đó, quá trình chung sống như vợ chồng giữa chị H. với ông K. không được pháp luật thừa nhận, vì chị H. đăng ký kết hôn không đúng với tên thật của mình.
Cho nên, khi thụ lý vụ việc, tòa án phải tuyên hủy giấy đăng ký kết hôn giữa chị Trịnh Thị Hương và ông K.. Chị Hương phải là nhân chứng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, hôn nhân giữa chị H. và ông K.