10 tháng tặng người yêu 116 bài thơ
Có một sự thật, hiếm có nhà thơ nào yêu vợ mình như Bế Kiến Quốc. Trong thời gian có 10 tháng hai người yêu nhau trước khi làm lễ cưới (từ tháng 7/1975-5/1976), Bế Kiến Quốc đã viết tặng cho “nàng thơ” Đỗ Bạch Mai của mình tổng cộng 116 bài thơ.
Sau khi Bế Kiến Quốc qua đời, 116 bài thơ này đã được in trong tập thơ Đất hứa và có lẽ anh đã lập kỷ lục Guiness về thơ tìnhviết cho vợ.
Không chỉ có vậy, trong 27 năm chung sống với nhau, Bế Kiến Quốc còn viết tặng vợ nhiều bài thơ nữa mà bài thơ Nửa đêm gió chuyển dưới đây tặng Đỗ Bạch Mai năm 1992 được nhà thơ rất tâm đắc:
“Nửa đêm gió chuyển mang mang / Thời gian trở lại, không gian trở về... / Cổ kim xáo trộn bộn bề / Chợt bên Vệ Nữ - chợt kề Tây Thi / Mị Nương đến, Chiêu Quân đi/ Khuất sau liễu – Dương Quý Phi ôm đàn/ Kiều sắc sảo, Vân đoan trang /Võ Tắc Thiên tựa ngai vàng ngẩn ngơ... / Các em - người đẹp ngàn xưa/ Chập chờn ẩn hiện tỏ mờ gần xa / Na-ta-sa với La-ra / Giô-giê-phin, Ma-ry-lyn và Bác-đô... / Đã qua bao cuộc hẹn hò / Gặp bao lỡ dở, tình chưa trọn đầy / Giật mình choàng thức, chạm tay/ Ai? Bờ vai ấm sát ngay bên mình/ Chờ nhau mấy độ hóa sinh / Là em đã tới cùng anh cõi này”.
Tôi còn nhớ, khi đọc cho tôi nghe bài thơ nói trên, Bế Kiến Quốc cười hóm hỉnh sau làn khói thuốc: “Chú thấy anh viết bài thơ lục bát này theo giọng điệu hiện đại, có độc đáo không?
Trong giấc mơ, anh tập hợp tất cả các người đẹp nổi tiếng trên thế gian từ xa xưa tới hôm nay, từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu về điểm danh chỉ trong một đêm để thưởng ngoạn.
Nhưng hóa ra, ngần ấy mỹ nữ “vang bóng một thời” lại hiện thân trong người đẹp là vợ mình ở ngay bên cạnh, thế thì mới biết vợ ta là chúa muôn loài!”.
Tôi cũng cười: “Bác là hoàng-đế-thơ có khác, hơn hẳn các bậc vua chúa ngày xưa. Một đêm bác gọi tới cả chục mỹ nữ, cung tần xuyên lục địa về hầu thì thế gian này không ai bằng bác.
Nhưng từ Tây Thi đến Chiêu Quân rồi Ma-ry-lin… cũng không em nào bằng vợ bác là Bạch Mai “quận chúa” thì bác cũng xứng danh là đệ nhất thiên hạ “thích nịnh vợ” vì thời gian yêu nhau trước khi cưới, có ngày bác làm 6 bài thơ tặng vợ, có tháng làm tới 26 bài thì bác vô địch về khoa tán gái rồi”.
Trở thành nhà thơ vì... cơn ghen
Cũng chính vì tình yêu nồng cháy bằng thi ca của Bế Kiến Quốc nên nàng sinh viên đại học sư phạm Đỗ Bạch Mai đã “phải lòng thơ”, rồi theo chàng về làm việc tại báo Văn Nghệ đến cuối đời.
Trong những năm tháng hạnh phúc, Đỗ Bạch Mai đã sinh hạ cho Bế Kiến Quốc hai đứa con và cũng đã từng chứng kiến một số “nàng thơ” khác xuất hiện trong đời thơ tài hoa của chồng mình.
Năm ấy, nhà thơ Bế Kiến Quốc đi công tác tại các tỉnh phía Nam và gặp một “nàng thơ” trẻ trung, xinh đẹp ở vùng Đồng Tháp. Hai bên cảm mến nhau vì nàng cũng đang tập làm thơ lại được gặp một nhà thơ lớn ở trung ương về địa phương đi thực tế sáng tác.
Có lần, Bế Kiến Quốc đã mua cả một gánh hoa hồng ở chợ hoa Sa Đéc mang về tặng nàng thơ Đồng Tháp khiến nàng chứa chan cảm xúc. Nhưng hạnh phúc còn hơn thế nữa khi Bế Kiến Quốc ngày nào cũng mang những bài thơ tình mới nhất đến tặng nàng.
Có lẽ công đoạn sản xuất thơ tình này chỉ còn kém thơ tặng Đỗ Bạch Mai ngày trước chút ít, trong đó có bài thơ sau này nhạc sĩ Trần Tiến đã phổ nhạc thành bài hát “Ngẫu hứng lý qua cầu” nổi tiếng với những câu thơ:
“ Bằng lòng đi em về với quê anh/ Một cù lao xanh một giòng sông xanh/ Một vườn cây xanh hoa trái đưa hương/ Thuyền ai qua sông giọng cười mênh mông/ Bằng lòng đi em anh đón qua cầu/ Mùa mưa, cầu tre dẫu khó đưa dâu/ Bằng lòng đi em dưới mái tranh nghèo/ Về đây người quê chỉ có tấm lòng/ Có chiếc xuồng ba lá để yêu nhau/ Ôi đóa hoa tím trôi liu riu/ Giòng sông nước chảy liu riu/ Anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ xíu anh thương/ Ôi những đêm ngắm sông, nhớ em buồn muốn khóc/Mình anh ca điệu lý qua cầu…”.
Có thể vì phải giấu vợ mối tình “đột xuất” này, nên phần lớn thơ tình tặng nàng thơ Đồng Tháp, Bế Kiến Quốc gửi cho người bạn thân của mình là nhà thơ Trần Quốc Toàn ở TPHCM giữ hộ. Sau chuyến công tác đó, Bế Kiến Quốc trở ra Hà Nội và hai bên vẫn thư từ liên lạc với nhau.
Chợt một hôm, Đỗ Bạch Mai vô tình lục ngăn tủ của chồng mình tại báo Văn Nghệ (Mai cũng công tác ở báo này), chị phát hiện ra cả một đống thư từ của nàng thơ Đồng Tháp và thơ tình của Bế Kiến Quốc. Đỗ Bạch Mai lặng lẽ đến bàn làm việc của chồng mình và đặt lên đó cả tập thư nói trên.
Bế Kiến Quốc lẳng lặng lau kính, cười tủm tỉm “chịu trận” và đốt thuốc liên tục. Đêm hôm đó, Quốc xin lỗi vợ và “thành thực khai báo” mọi chuyện để Mai mở lòng tha thứ vì anh biết vợ mình là người giàu tình cảm và cũng giàu lòng vị tha. Đỗ Bạch Mai bỏ qua mọi chuyện và Bế Kiến Quốc cũng rời xa nàng thơ Đồng Tháp.
Sau cơn ghen thầm lặng dâng trào đó, Đỗ Bạch Mai quyết định làm thơ để chứng tỏ rằng chị cũng là một nhà thơ tài hoa chẳng kém gì so với nữ nhà thơ trong Đồng Tháp.
Và, Mai liên tục cho ra đời những bài thơ tình nồng ấm, thiết tha như muốn vỗ về, như muốn đánh thức tình yêu của Bế Kiến Quốc với mình mà bài thơ Năm bông hồng trắng dưới đây là một minh chứng:
“Nói chuyện nho nhỏ /Bên bông hồng đỏ/ Bên bông hồng xanh / Trò chuyện với anh / Năm bông hồng trắng / Này bông xa vắng / Này bông nhớ thương / Bông này giận hờn / Bông này chờ đợi... / Còn một bông cuối? / Còn một bông cuối / Anh không dám nói / Còn bông cuối cùng / Em không dám hỏi / Còn một bông cuối / Dịu dàng tỏa hương...”.
Cái bông hồng cuối cùng trong bài thơ này chính là bông hoa tình yêu vừa đi qua những rạn vỡ ban đầu trong đời sống vợ chồng của hai nhà thơ.
Đến năm 40 tuổi, Đỗ Bạch Mai mới làm thơ với sự chín chắn trong cảm xúc và sâu lắng trong tư duy ngôn từ và trong bài “Lý do của một bài thơ” chị đã viết:
“Những thăng giáng của đời, âm nhạc không nói hết/Những cay đắng của đời, thơ ca không thốt lên/Và bóng tối, những bức tranh không thế hiện/ Người nghệ sĩ chỉ hướng về cái đẹp” và “Người đàn bà diệu kỳ bằng trái tim minh triết/ Đã tạo ra tình yêu, lẽ phải, niềm vui/ Chị đã yêu từ một nghìn đêm trước? Hay chỉ yêu từ đêm nghìn lẻ hai”.
Với Đỗ Bạch Mai, đúng là tình yêu từ đêm nghìn lẻ hai với Bế Kiến Quốc đã đưa chị đến với thơ để hàn gắn những vết thương lòng. Cái người phụ nữ ấy trước đó đã từng thổn thức:
“Tìm thơ như thể mò kim/Thơ tìm chẳng được, em tìm thấy anh” và trong giây phút dỗi giận, hờn ghen chị đã trách thầm người mình yêu: “Anh buồn, em có vui đâu/Ngọn cao chớm rét, rễ sâu lạnh rồi/ Mà sao những lúc anh vui/ Phấn thì gửi gió, hương thời gửi mây”.
Đọc thơ Đỗ Bạch Mai, tôi chợt thấy khi người phụ nữ đi tìm cái mơ mộng trong thi ca thì trái tim khôn ngoan lại mách bảo, dẫn họ đến với tình yêu đích thực để rồi “Người đàn bà dắt dẫn người đàn ông” đi xa dần sự lầm lạc trên thế gian.
Sau này, cả Bế Kiến Quốc và Đỗ Bạch Mai đều cho tôi biết, chính cơn ghen ấy là “cú hích” quyết định đưa Đỗ Bạch Mai đến với thi ca và tập thơ Một lời yêu của chị được NXB Văn học in năm 1992 và Tập thơ Năm bông hồng trắng NXB Hội Nhà văn in năm 1996 đã đưa Đỗ Bạch Mai trở thành hội viên Hội Nhà văn vào năm 1997.
Cũng xin được bật mí, nàng thơ Đồng Tháp khá tài hoa từng gặp Bế Kiến Quốc năm xưa, năm 1998 cũng trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với nhiều giải thưởng thơ danh giá. Điều đặc biệt, mối quan hệ giữa hai nữ nhà thơ này cũng rất đồng cảm và thân thiện.
Sau khi Bế Kiến Quốc qua đời năm 2002, họ đã từng gặp nhau và nữ nhà thơ Đồng Tháp cho biết, sẽ chuyển những bài thơ Quốc viết tặng chị cho Đỗ Bạch Mai lưu giữ như một giá trị của tinh thần sáng tạo mà Bế Kiến Quốc đã để lại cho cuộc đời.