Chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT: Tạo thuận lợi trong liên thông đào tạo

GD&TĐ - Các chuyên gia nhận định, khi đưa GD nghề nghiệp về Bộ GD&ĐT quản lý sẽ tăng cường tính liên thông trong đào tạo và đem lại lợi ích cho người học.

Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) giới thiệu cho học sinh THPT trong chương trình trải nghiệm hướng nghiệp. Ảnh: TG
Sinh viên Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) giới thiệu cho học sinh THPT trong chương trình trải nghiệm hướng nghiệp. Ảnh: TG

Thống nhất trong quản lý

Thông báo số 522 ngày 14/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về định hướng giải pháp thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị có nêu: Thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học.

Đây là thông tin thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Dưới góc độ cá nhân, thầy Nguyễn Thái Việt - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường Cao đẳng Cơ điện Phú Thọ cho rằng, đưa giáo dục nghề nghiệp trở về đầu mối quản lý Bộ GD&ĐT là phù hợp với thực tế. Khi thống nhất quản lý các cấp độ đào tạo về một đầu mối Bộ GD&ĐT sẽ tạo thuận lợi hơn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

“Sắp tới, thay vì phải hợp tác với trung tâm GDNN-GDTX, các trường cao đẳng nghề được chủ động đào tạo theo chương trình GDPT cũng như những chuyên ngành học sinh đăng ký. Đây là chủ trương lớn và đúng đắn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt sẽ tạo sự chuyển biến lớn đối với các trường cao đẳng nghề. Dù thuộc bộ/ngành nào quản lý thì mục tiêu cuối cùng vẫn là tăng cường hiệu lực quản lý và quyền lợi cho người học”, thầy Việt nói.

Là đơn vị trực thuộc UBND TP Hà Nội với hơn 3.700 học viên đang theo học, cô Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho hay, mọi hoạt động chuyên môn ở trường dù chuyển về Bộ GD&ĐT cũng không có nhiều xáo trộn. Nguyện vọng của nhà trường là mong muốn cơ quan quản lý tạo điều kiện để giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà.

Từ góc nhìn thực tế, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội nhìn nhận, việc chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ GD&ĐT quản lý nhằm tạo sự thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa các cấp học cũng như trình độ đào tạo trong hệ thống để góp phần tăng cường học tập suốt đời.

Thời gian qua, các trường đào tạo nghề, nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề chất lượng cao có nhiều khởi sắc. Nhiều trường được đầu tư bài bản, tiệm cận với giáo dục nghề nghiệp với các nước phát triển. Có không ít sinh viên của Việt Nam dự thi kỹ năng nghề quốc tế ở cấp khu vực ASEAN hay thế giới đã đạt được kết quả cao là những minh chứng rõ ràng nhất.

“Khi trực thuộc Bộ GD&ĐT, chúng tôi mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với giáo dục nghề nghiệp để đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cho các doanh nghiệp, đặc biệt mảng công nghệ cao, chíp bán dẫn. Đồng thời, khi giải quyết được vấn đề liên thông và phân luồng, các trường cao đẳng nghề sẽ thuận lợi hơn trong tuyển sinh, có nguồn thí sinh tốt”, TS Đồng Văn Ngọc bày tỏ.

tao-thuan-loi-trong-lien-thong-dao-tao2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Cần có phương án kỹ lưỡng

Đồng tình cao với chủ trương trên, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, khi giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội gây khó khăn trong thực hiện quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực quốc gia. Để có được đội ngũ nhân lực chất lượng, không chỉ riêng kỹ năng, kiến thức giỏi mà còn phải đảm bảo cân đối hài hòa các trình độ giáo dục đào tạo trong cơ cấu nguồn nhân lực.

Ngoài ra, việc chưa thống nhất quản lý Nhà nước trong hệ thống giáo dục đào tạo đang gây ra nhiều khó khăn trong công tác phân luồng, liên thông đối với cả cơ sở giáo dục đào tạo lẫn người học. Bộ GD&ĐT cũng như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều có những quy định riêng về chương trình giáo dục, quản lý chất lượng khác nhau.

Cũng theo vị chuyên gia, quy định về khung thời gian đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay chưa hợp lý đã ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu hội nhập quốc tế của nước ta. Thế giới sẽ khó hiểu về trình độ và chương trình đào tạo của giáo dục nghề nghiệp hiện hành trong quá trình hội nhập giáo dục và lao động.

Ở cấp Trung ương, khi chuyển chức năng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì ở cấp địa phương tại sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh phải có thêm 63 phòng Giáo dục nghề nghiệp khiến bộ máy quản lý thêm cồng kềnh.

Vì thế, thống nhất quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo sẽ bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, nghề nghiệp đến giáo dục đại học về chung một đầu mối là Bộ GD&ĐT. Qua đó, nâng cao tính chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý để đào tạo có chất lượng và hiệu quả; đảm bảo công tác phân luồng, liên thông diễn ra thuận lợi.

Thầy Nguyễn Văn Hạng - Trưởng phòng Hợp tác doanh nghiệp & Quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ (Bắc Ninh) chia sẻ, khi chuyển giáo dục nghề nghiệp về một đầu mối sẽ thống nhất quản lý Nhà nước, tinh gọn bộ máy; quá trình tuyển sinh, đào tạo và việc làm cũng liền mạch. Lâu nay, sở GD&ĐT độc lập với sở Lao động, Thương binh & Xã hội nên nhiều hoạt động không phối hợp tốt được với nhau.

Hơn nữa, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nằm ngoài hệ thống tuyển sinh và đăng ký xét tuyển của Bộ GD&ĐT khiến nhiều thí sinh, phụ huynh khó tiếp cận thông tin. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho người học. Vấn đề phân luồng, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau THCS, THPT vào đào tạo nghề trình độ trung cấp, sơ cấp còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải cạnh tranh cao với những hệ đào tạo khác.

“Khi tiếp nhận giáo dục nghề nghiệp, Bộ GD&ĐT phải chuẩn bị các phương án phù hợp để quản lý thật hiệu quả thời kỳ hậu sáp nhập. Đây chính là cuộc cách mạng về đổi mới, tinh gọn bộ máy để giải quyết bài toán tinh giản biên chế, thúc đẩy cải cách hành chính một cách nhất quán và có hệ thống”, TS Hoàng Ngọc Vinh trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.