Trong đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững có tác động sâu rộng. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai chương trình này cũng còn tồn tại một số vấn đề chưa phù hợp với thực tế.
Trao cần câu nhưng không câu được cá
Từ năm 2016 đến năm 2018, tỉnh Bắc Kạn đã được đầu tư hơn 500 tỷ đồng để thực hiện đồng bộ những dự án nhằm giảm nghèo bền vững như, chương trình 135 và chương trình 30a. ..đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm. Đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn hơn 29%, đến năm 2018 đã giảm xuống còn hơn 21,8%. Bình quân mỗi năm giảm hơn 2,5% tỷ lệ hộ nghèo. Hiện toàn tỉnh còn gần 17.500 hộ nghèo, chiếm 21,88%.
Một trong những chính sách hỗ trợ giảm nghèo có tác động trực tiếp, là Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Trong 3 năm từ năm 2016 đến 2018, các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư gần 45 tỷ 400 triệu đồng; Các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu hơn 61 tỷ đồng; hộ dân tộc thiểu số ở các xã ngoài chương trình 30a và chương trình135 là gần 3 tỷ 500 triệu đồng.
Nguồn vốn này chủ yếu dùng để hỗ trợ người nghèo phát triển các mô hình sản xuất. Thế nhưng, trên thực tế quá trình triển khai chính sách này cũng có nhiều vấn đề nảy sinh cần phải nhìn nhận nghiêm túc.
Năm 2016, ông Đinh Quang Nú, ở thôn Choóc Vẻn, xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông được nhà nước hỗ trợ để mua mộtcon bò cái sinh sản. Nuôi được hơn một năm, bò mẹ còn chưa kịp đẻ ra bê, bí tiền ông bán đi. Vừa mới thoát hộ nghèo được một năm, ông lại tái nghèo. “Chúng tôi chăn nuôi sinh sản bò ở đây hơi khó vì không có chỗ thả, lại phải trồng cỏ”, ông Tú phân trần.
Cũng được nhận trâu sinh sản từ dự án. Ở quê, không có việc làm ổn định,chỉ sau một năm, anh Đàm Văn cũng bán trâu đi do hai vợ chồng đi làm công nhân ở ngoài tỉnh.
Được biết, từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, năm 2016, có 26 hộ nghèo ở xã Vũ Muộn được hỗ trợ mỗi gia đình 1 con trâu hoặc bò sinh sản. Đến nay, có 6 hộ đã bán đi, 5 hộ khác chuyển từ nuôi trâu, bò sinh sản sang nuôi vỗ béo. Hộ được hỗ trợ trâu thì bán đi để mua bò về nuôi. Ngược lại, hộ khác được hỗ trợ bò thì lại bán để chuyển sang nuôi trâu.
Sau hơn 3 năm triển khai dự án, xã Vũ Muộn đánh giá, trong số 26 hộ dân được nhận bò từ dự án, tỷ lệ thoát nghèo chưa cao: chỉ 5 hộ thoát được nghèo, 4 hộ từ nghèo lên cận nghèo. Với những hộ đã bán đi, tác động từ nguồn hỗ trợ là không còn. Với mục đích ban đầu hỗ trợ người dân nuôi trâu, bò sinh sản để phát triển đàn từ đó giảm nghèo bền vững. Nhưng với thực tế nhiều người được hỗ trợ, sau đó nhanh chóng bán đi thì số tiền ít ỏi họ không thể giúp họ trong việc cải thiện cuộc sống lâu dài.
Hỗ trợ chưa phù hợp
Cũng là câu chuyện hỗ trợ thoát nghèo, năm 2017, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng hoa layơn trên diện tích hơn 2,2 ha. Mô hình được kỳ vọng sẽ thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo sinh kế nhằm giúp hàng chục hộ tăng thu nhập từ đó thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay, mô hình này đã phá sản. Trên thực tế, có thể thấy mô hình này không thể tồn tại và nhân rộng là do chưa phù hợp với thực tế tại địa phương. Việc trồng hoa layơn đòi hỏi kỹ thuật khá cao, dù đã được tập huấn nhưng các hộ dân vốn chỉ quen trồng lúa, làm nương khó mà đáp ứng. Bên cạnh đó, Pác Nặm là huyện vùng cao, nhu cầu mua hoa của người dân không nhiều, nếu chuyển đi bán ở những đô thị lớn thì đường sá xa xôi khó để cạnh tranh vì chi phí vận chuyển cao.
Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ người nghèo trong sản xuất còn nảy sinh nhiều vấn đề. Đó là nhiều mô hình chưa phù hợp với điều kiện của địa phương; việc duy trì và nhân rộng mô hình còn gặp khó khăn; người được hưởng thụ hỗ trợ còn tâm lý trông chờ, ỷ lại.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chánh văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn cho biết, do hạn chế về thông tin, người dân chưa nắm bắt được việc hỗ trợ sản xuất, trồng trọt theo hình thức tổ nhóm để được giúp đỡ, giám sát nhau dẫn đến chưa thực hiện theo đúng các quy trình văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, trên cùng một địa phương triển khai nhiều chương trình, dự án sẽ gặp khó khăn, bởi kết cấu, hạ tầng và hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn cũng dẫn đến sự chồng chéo.
Đầu tư cho công tác giảm nghèo là chính sách lớn, hiệu quả mà chính sách này mang lại là rất rõ ràng. Tuy nhiên, những bất cập nảy sinh trong thực tiễn cũng cần được xem xét một cách nghiêm túc để các dự án hỗ trợ người nghèo đạt hiệu quả cao hơn.