Gần 1,8 triệu hộ thoát nghèo từ vốn chính sách
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đến nay tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình, đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc.
Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH trong 5 năm qua đã góp phần giúp gần 1,8 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 902 nghìn lao động; giúp trên 19 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 301 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, tín dụng của NHCSXH là điểm sáng trong chương trình xóa đói giảm nghèo.
Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện, điểm sáng lớn nhất chính là mô hình tổ chức quản trị đặc thù của NHCSXH hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình KT-XH. NHCSXH đã huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao đối với một ngân hàng thực hiện tín dụng cho nhân dân vay vốn để giảm nghèo.
Nguồn vốn vay đã tăng 69.050 tỷ đồng, tăng 43%. Đây là nguồn lực tăng đáng kể, nâng toàn bộ nguồn vốn tín dụng cho NHCSXH lên 189.505 tỷ đồng. Đây là con số lớn, là thành tựu mà chúng ta tập trung cho xóa đói giảm nghèo nhằm đạt hiệu quả cao. Trong suốt quá trình thực hiện, có 10 triệu lượt hộ được vay vốn, bao phủ toàn bộ thôn bản, xã phường.
Mô hình chăn nuôi dê ở Sốp Cộp (Sơn La) giúp người dân xóa nghèo bền vững |
NHCSXH đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp người nghèo xóa nghèo bền vững. Ngoài ra, giúp cho 19.000 lao động có việc làm. Và quan trọng nhất có 1,8 triệu hộ thoát được nghèo. Hiệu quả của nguồn vốn tín dụng của NHCSXH thể hiện ở chỗ nợ quá hạn và nợ khoanh rất thấp, chỉ đạt 0,75%. Và trong tổng số dư nợ, nợ quá hạn chiếm 0,41%.
Để người nghèo thoát nghèo bền vững
Theo Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ, xuất phát từ thực tế ở địa phương cho thấy, nguồn vốn và nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực của chúng ta đang hạn chế, do đó cần huy động nhiều nguồn lực bằng nhiều phương thức khác nhau trong xã hội để giúp cho người nghèo.
“Tôi nghĩ là nên có cách chính sách để tăng liều lượng cho vay cho phù hợp. Ví dụ sinh viên thì tăng mức cho vay lên 2,5 - 3 triệu đồng để có thể đủ để đi học; các dự án kinh tế có thể tăng lên 100-150 triệu đồng, tuỳ theo điều kiện cụ thể của đề án”, ông Lê Viết Chữ đề xuất.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Lê Viết Chữ, chu kỳ vay vốn không thể cầu toàn là 5 năm nay 7 năm mà phải xét trên điều kiện cụ thể và quan trọng là kịp thời. Muốn kịp thời thì phải đơn giản các thủ tục và có những người đồng hành cùng người dân.
Ví dụ, các đoàn viên, hội viên chính trị xã hội, các thành viên NHCSXH phải giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện, an toàn. Như vậy, việc huy động nguồn lực, sử dụng nguồn lực có hiệu quả và quan trọng nhất là dân nhanh được thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Về vấn đề này ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ quan điểm, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, cần tiếp tục mở rộng hạn mức bảo lãnh để phát hành trái phiếu cho NHCSXH tăng nguồn vốn.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, Chính phủ phê duyệt được Chiến lược để củng cố ngân hàng chính sách. Cần tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, thông qua ngân hàng chính sách để xử lý nguồn vốn có hiệu quả. Tiếp tục phát huy vai trò của các thành viên MTTQ, tham gia vào việc thực hiện cho vay vốn để xóa đói giảm nghèo, bên cạnh đó là giám sát và phản biện chính sách.