Bộ Văn hóa lên tiếng trước tình trạng "chen chúc" tại chùa Tam Chúc

Hàng vạn người chen chúc tại chùa Tam Chúc dịp cuối tuần qua, khiến Bộ VH,TT&DL bày tỏ sự lo ngại về khả năng lây nhiễm dịch Covid-19 cũng như hiện tượng này tái diễn ở các di tích khác.

Trước hình ảnh "biển người" chen chúc tại chùa Tam Chúc trong hai ngày cuối tuần qua, ông Lê Đức Trung - Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VH,TT&DL cho rằng, các địa phương cần sớm có phương án, bởi rất có thể hiện tượng quá tải có thể xảy ra ở nhiều nơi khác không riêng Tam Chúc, Chùa Hương hay Yên Tử.

"Những hình ảnh "biển người" chen chúc tại Khu Du lịch Tam Chúc trong hai ngày cuối tuần qua khiến chúng ta không khỏi lo lắng, bởi ở thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tuy đã cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan, bùng phát.

Hiện tượng này là báo động về sự chủ quan trong ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân khi những yêu cầu thực hiện hướng dẫn 5K của Bộ Y tế không được thực hiện một cách hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh đối với cá nhân và cả cộng đồng", ông Lê Đức Trung trao đổi với báo chí.

Bộ Văn hóa lên tiếng trước tình trạng chen chúc tại chùa Tam Chúc - 1

Ngày 14/3, ước tính có khoảng 5 vạn người đến chùa Tam Chúc để vãn cảnh, nên đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Đại diện Bộ VH,TT&DL phân tích, du lịch tâm linh là nhu cầu tất yếu của người dân, đặc biệt sau tháng Giêng các lễ hội đều không tổ chức, di tích đóng cửa thì khi mở cửa trở lại số lượng người dân đến các điểm di tích, lễ hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Vì vậy, các địa phương cần chủ động dự báo tình hình và xây dựng kế hoạch, các cấp độ kiểm soát, chỉ có như vậy mới không bị động.

Ông Lê Đức Trung chia sẻ thêm: "Các địa phương, các nơi có di tích, danh thắng trọng điểm khác cần rút kinh nghiệm và triển khai xây dựng ngay biện pháp, kế hoạch.

Tình trạng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong những dịp cuối tuần kế tiếp tại Tam Chúc, Bái Đính, Chùa Hương, Yên Tử hoặc nhiều nơi khác nữa. Nếu không sớm dự báo tình hình, dự kiến các cấp độ xử lý thì sẽ rất khó có thể kiểm soát".

Được biết, từ trước Tết Nguyên đán, Bộ VH,TT&DL đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để yêu cầu phối hợp triển khai các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch Covid- 19.

 Tuy nhiên việc triển khai công tác phòng chống dịch song song với đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân là một thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp cũng như BQL từng di tích, danh thắng.

Bộ Văn hóa lên tiếng trước tình trạng chen chúc tại chùa Tam Chúc - 2

Đại diện BQL chùa cho biết đã phải dừng bán vé, bố trí xe buýt miễn phí để kiểm soát tình hình (Ảnh: Đức Văn).

Trước đó, chia sẻ với Dân trí, đại diện Khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam) cho hay, trong hai ngày cuối tuần 13-14/3 đã có khoảng 5 vạn du khách đổ về đi lễ, vãn cảnh tại chùa. Đây là con số kỷ lục kể từ dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Lượng khách đông đã khiến cho một số thời điểm chùa Tam Chúc xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, cao điểm nhất là khoảng thời gian từ 9 - 10 giờ sáng ngày 14/3.

Được biết, có hơn 400 xe điện hoạt động liên tục song không thể đáp ứng nhu cầu. Ban quản lý chùa Tam Chúc phải tăng cường thêm 30 xe khách loại 45 chỗ, đồng thời ba lần dừng bán vé xe điện, vé thuyền để giảm tải khách. Đến khoảng chiều ngày 14/3, hiện tượng ùn ứ đã không còn.

"Chúng tôi cũng rất bất ngờ trước lượng khách tăng đột biến như vậy, từ đầu năm đến nay, trung bình cuối tuần chùa Tam Chúc chỉ đón khoảng 1-2 vạn khách. Ngày cuối tuần hôm qua, lượng khách tăng gấp 3-4 lần. Chúng tôi cũng đã rất nỗ lực để kiểm soát tình hình và tránh hiện tượng quá tải", đại diện này thông tin.

Theo Dân Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.