Lớp tập huấn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là chuyên viên Phòng GD&ĐT; hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học; cán bộ y tế phụ trách khối trường học của trạm y tế các xã, phường.
Tại buổi tập huấn, PGS.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng học đường và ngành nghề (Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam) đã chia sẻ các thông tin liên quan đến tình trạng dinh dưỡng của học sinh mầm non, tiểu học; nguy cơ bệnh tật hiện nay; thực trạng về tổ chức bữa ăn học đường; các chương trình, đề án về dinh dưỡng học đường ở Việt Nam; mục tiêu của chương trình bữa ăn học đường…
Theo báo cáo, vấn đề đảm bảo dinh dưỡng học đường ở TP. Hà Tĩnh chưa được triển khai một cách khoa học, đồng bộ. Do đó, thực trạng trạng sức khỏe, thể lực, thể chất của học sinh trong các trường mầm non, phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu.
Tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh học đường, trẻ thừa cân, béo phì còn khá phổ biến, tỷ lệ trẻ em thấp, còi, suy dinh dưỡng còn khá cao trong các nhà trường (ở mầm non xấp xỉ 4%, ở tiểu học khoảng trên 3%). Vì thế, TP. Hà Tĩnh sẽ tập trung tiến hành tập huấn, khảo sát thực trạng dinh dưỡng học đường, tư vấn và triển khai kế hoạch xây dựng bữa ăn học đường tại địa phương.
Đây là dịp để các cấp quản lý giáo dục, chính quyền địa phương, trường học trên địa bàn nâng cao nhận thức, từ đó tập trung hơn nữa trong công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch và tăng cường triển khai các hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe nói chung.
Cũng như việc giáo dục dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn học đường nói riêng cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông toàn thành phố.
Qua buổi tập huấn và chương trình làm việc của Viện dinh dưỡng quốc gia Việt Nam tại Hà Tĩnh, các nhà quản lý, cán bộ, nhân viên y tế học đường sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng để tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc tổ chức bữa ăn học đường, bữa ăn gia đình nhằm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện về thể lực và trí lực của trẻ.