Nghề làm trống ở thôn Bắc Thai là một trong những nghề truyền thống được duy trì, phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây. Theo các cụ cao niên ở trong làng, từ khi sinh ra đã nghe tiếng đục đẽo của cha ông làm trống.
Hiện tại, toàn xã có gần 20 hộ gia đình đang duy trì và phát triển làng nghề truyền thống này. Điều đặc biệt ở đây là tất cả các hộ làm trống trong làng đều mang họ Bùi, trong đó nhiều hộ có 3-4 thế hệ cùng làm trống.
Đến với gia đình anh Bùi Văn Đồng khi anh đang tất bật hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc trống để giao cho khách. Anh chia sẻ, mọi năm, xưởng làm trống tuy nhỏ nhưng gần Tết vẫn phải thuê cho kịp đơn hàng, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đơn hàng ít đi một nửa nên kinh tế bị giảm một phần.
Tỉ mỉ ngắm lại chiếc trống đang hoàn thành, anh Đồng bật mí về một số công đoạn làm trống Bắc Thai. Anh cho biết, việc làm trống trải qua nhiều bước nhưng có ba bước quan trọng nhất: làm da, chang và bưng trống. Công thức làm trống được các thế hệ ở Bắc Thai truyền tay qua câu ca “Trống da bò, chang mít, nịt song”.
Da làm trống phải là da bò còn tươi, tang trống được làm bằng gỗ mít khô, xẻ cong. Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dăm. Người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau, tạo thành trống kín, khít, tròn. Dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh.
Bưng trống là việc khó nhất. Người thợ phải căng tròn da bò trên mặt trống rồi dùng đinh bằng vầu hoặc tre đóng cố định vào thân trống. Ngoài ra, điều quan trọng nhất của việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống có tai thính để thẩm định tiếng trống ăn vào nốt nhạc nào trong dàn trống. Sau các khâu chuẩn bị nguyên liệu thì khâu bịt trống là khâu quan trọng nhất, trống có đẹp, có kêu, đòi hỏi người thợ làm trống phải có tay nghề, kinh nghiệm.
Để làm ra những chiếc trống đẹp, âm kêu vang đòi hỏi sự tỉ mỉ công phu từ giai đoạn tìm kiếm vật liệu đến giai đoạn hoàn thành chiếc trống. Trung bình thời gian làm một chiếc trống to mất khoảng 10 ngày.
Anh Đồng cho biết, một ngày nhà anh làm được khoảng 10 chiếc trống vừa, còn trống to chỉ được một. “Chỉ có những ngày gần Tết hoặc ra Tết nhiều lễ hội tôi mới bán được nhiều, có hôm bán được hơn 10 chiếc trống. Những ngày thường tuy ngày nào cũng bán được nhưng chỉ với số lượng ít”, anh Đồng nói.
Với uy tín, thương hiệu của thôn làm trống lâu đời tạo dựng từ bao năm nay, ngoài khách trong tỉnh, thôn Bắc Thai còn có cả khách Nghệ An, Quảng Bình đặt hàng. Trung bình các loại trống con có giá dao động từ 500-600/cái, còn trống lớn có cái lên tới hàng chục triệu đồng tùy vào kích cỡ và yêu cầu của khách hàng.
Hiện nay, trống Bắc Thai đang dần khẳng định vị thế thương hiệu của mình trong làng trống Việt Nam. Từ tháng 6/2019, UBND xã Thạch Hội đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội do ông Bùi Văn Nghiệm làm chủ sở hữu.
“Với mong muốn thuận lợi cho việc sản xuất, phát triển nghề trống, tiến tới xây dựng một làng nghề truyền thống được các cơ quan chức năng công nhận, địa phương mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các cấp ban ngành để làng trống Bắc Thai vươn xa hơn” - Ông Bùi Văn Nghiệm, chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ xây dựng và nghề trống Thạch Hội, huyện Thạch Hà chia sẻ.