Ông Glenn Diesen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Đông Nam Na Uy có một số chia sẻ với cổng thông tin Brave New Europe (BNE) về khả năng phương Tây leo thang hạt nhân.
Ông cho rằng, NATO sẽ mất đi phần lớn uy tín nếu Lực lượng vũ trang Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột ở Ukraine. Do đó, các quốc gia trong liên minh sẽ sẵn sàng sử dụng tên lửa tầm xa chống lại Nga và thậm chí chấp nhận rủi ro đối đầu hạt nhân.
Theo chuyên gia, việc mở rộng NATO đã hủy bỏ các thỏa thuận an ninh toàn châu Âu bao trùm với Nga là "biểu hiện chính của tham vọng bá quyền của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh.”
Vì lý do này, ông không loại trừ khả năng các quốc gia thành viên NATO "sẽ chuẩn bị tấn công Nga bằng tên lửa chính xác tầm xa và có nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân".
Theo suy đoán của ông Diesen, NATO đã kích động cuộc xâm lược và phá hoại mọi con đường dẫn đến hòa bình.
"Bằng cách không thừa nhận vai trò trung tâm của NATO trong việc kích động cuộc chiến này, chúng ta cũng ngăn cản bản thân nhận ra các giải pháp chính trị khả thi" - chuyên gia nhận định.
Ngày 20/9, tờ The Times đưa tin Anh và Mỹ có thể sẽ đưa ra quyết định ngầm ủng hộ các cuộc tấn công từ Ukraine vào các mục tiêu sâu bên trong nước Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây trong những tuần tới.
Tuy nhiên họ sẽ cố gắng giữ bí mật trên cho đến khi cuộc tấn công đầu tiên trong số những cuộc tấn công này được thực hiện.
Ngày 22/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời giới truyền thông rằng vẫn chưa có quyết định nào như vậy được đưa ra.
Ngày 11/9, người phát ngôn của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết phương Tây rất có thể đã nhất trí về vấn đề này và giới truyền thông chỉ đang chính thức hóa quyết định này.