Chuyên gia nhận xét đề thi Lịch sử: Sẽ xuất hiện nhiều điểm khá, giỏi

Ảnh: Phú Xuân
Ảnh: Phú Xuân

MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Cô Phạm Thị Huyền - Giáo viên Trường THPT Tô Hiến Thành (Thanh Hóa): Đề thi Lịch sử có tính phân loại cao

Đề thi Lịch sử có tính phân loại cao. Câu hỏi theo các chuyên đề lịch sử khá sát. Các câu chủ yếu mang tính vận dụng tư duy, không quá thiên về kiến thức học thuộc. Nếu nắm vững kiến thức, HS sẽ làm bài tốt, với học lực trung bình các em có thể làm đạt được điểm 5. Tuy nhiên, để đạt điểm cao, HS phải có học lực khá.

Đề bám sát kiến thức sách giáo khoa nhưng câu hỏi theo kiểu thông hiểu là chính. Đề không đánh đố học sinh.

Đề thi môn Lịch sử năm nay các câu hỏi trong đề thi rộng, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, chiến tranh giải phóng dân tộc… có những câu hỏi thực tiễn, hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực HS. Tuy nhiên, đề có khoảng 5 câu khó rơi, thí sinh cần suy luận mới có thể đạt kết quả tốt.

Phần Lịch sử Việt Nam chủ yếu những nội dung chính của chương trình. Học sinh không khó khăn trong lựa chọn đáp án. Chỉ vài câu vận dụng cao hơi khó bởi kiến thức trải rộng ở các bài, đòi hỏi các em phải đọc sách giáo khoa nhiều và phải biết suy luận từ lý thuyết. Phải hiểu rõ câu mới làm được.

Với đề thi này, phổ điểm 7, 8 cũng tương đối nhiều nhưng để đạt điểm tuyệt đối thì ngoài hiểu bài, các em phải biết vận dụng kiến thức để rút ra đáp án ở một số câu vận dụng như nhận xét, so sánh.

Cô Bùi Thị Hậu - Giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An): Thí sinh sẽ dễ sai ở những câu hỏi so sánh

Đối với mã đề 315, trong khoảng từ câu 1 đến câu 28 là những câu nhận biết để học sinh trung bình, mục đích thi để xét tốt nghiệp có thể làm được.

Bắt đầu từ câu 29 các câu hỏi có tính vận dụng và mức độ khó hơn. Tuy nhiên, theo cô Hậu, đề thi này trong khoảng 7 – 8 điểm, thì những học sinh khối C, có ôn tập và nắm kiến thức đầy đủ có thể làm được.

Thí sinh Nghệ An làm bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội.
Thí sinh Nghệ An làm bài thi Tổ hợp Khoa học xã hội. 

Có 4 câu cuối có tính gây nhiễu với mức độ khó bằng hoặc hơn đề năm ngoái. Đây là những câu hỏi có hàm lượng kiến thức cao, học sinh phải phân tích, vận dụng, sử dụng kiến thức bên ngoài mới có thể làm được.

Cô Hậu cũng cho biết, ngay sau khi thi xong, học sinh của cô đã gọi điện thông báo và đã có một số em khẳng định được trên 9 điểm. Tuy nhiên, các em này lại không làm sai ở những câu hỏi có tính gây nhiễu, mà bị “vấp” ở câu hỏi dạng so sánh.

Những câu hỏi dạng này có khá nhiều trong đề, khoảng hơn 10 câu, so sánh giữa 2 -3 kiến thức hoặc vùng kiến thức với nhau. Cách hỏi cũng mới lạ hơn so với bình thường các em được ôn tập. Năm ngoái các câu hỏi có đáp án gây nhiễu nhiều hơn. Dạng đề so sánh này nếu không sinh không tỉnh táo sẽ dễ bị nhầm lẫn, và làm sai.

Ví dụ, như câu so sánh Cách mạng tháng 8 với cách mạng tháng 10, bình thường giáo viên hay cho học sinh so sánh cách mạng tháng 2 với cách mạng tháng 10.

Hay như câu so sánh căn cứ của cách mạng tháng 8 với hậu phương của kháng chiến chống Pháp, bình thường học sinh hay được học so sánh giữa hậu phương kháng chiến chống Pháp với chống Mỹ.

So sánh giai đoạn cách mạng 1939 – 1945, đường lối lãnh đạo của Đảnh Cộng sản Đông Dương khắc phục được hạn chế gì trong Luận cương chính trị tháng 10/1930. Thông thường, chúng ta so sánh các giai đoạn cách mạng với nhau, hoặc so sánh luận cương với cương lĩnh, hội nghị Đảng… Việc so sánh như trong đề là giữa 2 vùng kiến thức rộng, các đáp án gợi ý khác với hàng ngày học sinh được học.

Vì vậy, học sinh bình tĩnh, nhanh nhẹn thì mới lấy được đáp án đúng. Những câu hỏi này không có đáp án gây nhiễu, nhưng phải có cái đầu “tỉnh”, nếu không sẽ dễ đánh bừa, hên xui.

Cô Bùi Bích Hậu nhận định đề thi Lịch sử hay, và tin rằng, đề thi này sẽ có học sinh đạt được điểm 10.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền, GV Trường THPT Việt Đức (Hà Nội): Đề thi đánh giá chính xác năng lực của học sinh

Đề thi Lịch sử đúng với cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, có 90% kiến thức lớp 12, 10% kiến thức lớp 11.

Đề thi kiến thức đủ, trọng tâm, cơ bản. HS học lực trung bình khá đến khá có thể đạt được 6 - 7,5 điểm. Nhìn chung, hình thức các câu hỏi rõ ràng, tường minh, không lắt léo, không đánh đố. Có 4 đến 6 câu khó đến rất khó để phân hóa đánh giá chính xác năng lực HS.

Các câu hỏi trong đề thi rộng, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, chiến tranh giải phóng dân tộc… có những câu hỏi thực tiễn, hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh.

Những câu hỏi hay ở câu 35, 39, 40 đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức tổng hợp, hiểu sâu sắc kiến thức mới có thể làm được. Tuy nhiên, có một số câu hỏi lặp lại cùng một vấn đề. Ví dụ như cùng hỏi về cách mạng tháng Tám, 1945 (câu 29, 34, 35 dễ gây nhàm chán).

Cô giáo Lê Thị Thu, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội): Đề thi hay và có tính phân hóa cao

Đề thi THPT Quốc gia năm 2019 so với đề thi năm 2018 tương đối giống nhau ở chỗ: các câu hỏi trong đề thi vẫn thuộc chủ yếu vào phần kiến thức lớp 12, chiếm tới 80%.

Hệ thống câu hỏi trong đề thi bao quát toàn bộ kiến thức lớp 12, yêu cầu học sinh phải nắm chắc toàn diện kiến thức.

Đặc biệt, giai đoạn lịch sử từ 1930 đến 1975 tập trung nhiều câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, không chỉ đơn giản là ghi nhớ máy móc các sự kiện lịch sử mà cần có tư duy phân tích, đánh giá, liên hệ các sự kiện.

Nhờ các câu hỏi như vậy nên đề thi có sự phân hóa học sinh rõ nét. Đồng thời, loại bỏ hẳn các dạng câu hỏi yêu cầu ghi nhớ máy móc sự kiện, thời gian lịch sử.

Các câu hỏi thuộc chương trình kiến thức lớp 11 vẫn chủ yếu ở mức độ Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng Nội dung chủ yếu của các câu hỏi xuất hiện ở Chuyên đề Việt Nam (1858 - 1918) và Nước Nga sau Cách mạng tháng 10/1917.

Tuy nhiên, đề thi năm 2019, đúng như cấu trúc của đề thi minh họa, các câu vận dụng và vận dụng cao sẽ giúp phân hóa các thí sinh và làm cơ sở để tuyển học sinh vào các trường ĐH, Cao đẳng.

Các câu hỏi khó tập trung vào các chủ đề Cách mạng tháng 8/1945; Hậu phương trong kháng chiến.., thuộc giai đoạn Lịch sử Việt Nam từ 1945 đến 1975. Đề thi không xuất hiện những câu hỏi quá lạ lẫm, loại bỏ hẳn dạng bài yêu cầu ghi nhớ máy móc mốc thời gian, sự kiện lịch sử .

Nội dung câu hỏi rõ ràng, tường minh, không đánh đố, song rất linh hoạt và có tính phân loại rõ. Chính vì thế, đề thi sẽ đánh giá chính xác năng lực của học sinh ở nhiều cấp độ. Tôi cho rằng đề thi môn Lịch sử năm 2019 hay và có tính phân hóa cao.

Cô Nguyễn Thị Minh - Giáo viên Lịch sử Trường THPT (TP. Điện Biên Phủ): Thí sinh vùng cao vẫn có thể đạt điểm 6-8 đierm

Đề thi môn Lịch sử năm nay có khoảng 50% số câu hỏi về nhận biết nên học sinh có thể vận dụng được. 

Cô giáo Nguyễn Thị Minh (áo xanh).
Cô giáo Nguyễn Thị Minh (áo xanh).

Tuy nhiên nếu muốn đạt điểm cao tới 8 hoặc 9 điểm thì đòi hỏi thí sinh phải có trình độ hiểu biết sâu, rộng bởi trong đề xuất hiện nhiều câu so sánh. Để giải quyết được những câu hỏi này, thí sinh phải nắm chắc được kiến thức. Vì thế cho nên học sinh ở Trường THPT TP. Điện Biên Phủ Điểm sẽ khó có được điểm cao.

Sẽ có nhiều em đạt điểm trung bình. Riêng có một lớp, tôi tin là sẽ có những em đạt được mức điểm từ 6-8 điểm”.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du - Tổ trưởng tổ Lịch sử, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM): Đề Lịch sử hay, phân loại thí sinh cao 

Đây là đề thi “đẹp” và ổn nhất từ trước đến nay, bắt đầu từ khi thi trắc nghiệm. Theo thầy Du, đề vừa đảm bảo tính phổ thông, vừa có tính phân loại thí sinh cao. Như vậy đảm bảo cho việc xét tốt nghiệp và dùng để xét tuyển ĐH, CĐ.

Nội dung chủ yếu là toàn bộ chương trình lịch sử lớp 12, chương trình lớp 11 chỉ chiếm 4 câu và nằm ở học kỳ 2. Phần lịch sử thế giới chiếm 30% và lịch sử Việt Nam chiếm 70% nội dung đề thi. 

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du trong Ngày hội Xuân 2019 của Trường THPT Lê Quý Đôn.
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du trong Ngày hội Xuân 2019 của Trường THPT Lê Quý Đôn.

Đề bám sát với đề minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó.

Cái hay của đề thi năm nay là tính hệ thống của đề rất tốt, nội dung câu hỏi trải dài từ bài đầu đến bài cuối của chương trình lớp 12. Trong đó, độ thông hiểu của đề thi chỉ cần học sinh có học bài, nghe giảng trên lớp là đạt được.

Tính hay của đề thi còn thể hiện ở những câu vận dụng trong đề. Có thể nói, người soạn thảo đã đa dạng được các hình thức vận dụng như so sánh hai sự kiện, hay nhận xét điểm giống và khác nhau…những câu hỏi vận dụng này đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng phân tích và đánh giá tốt mới có thể làm được.

Với cách ra đề này, các em không thể học tủ được mà học hiểu và hệ thống được chương trình.

Nhận định về phổ điểm, thầy Du cho biết, điểm chuẩn có thể nhích hơn năm ngoái.

Cô Lê Thị Mỹ Dung, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) (mã đề 315): Độ phân hóa rõ nét

Về mặt tổng thể, đề thi khoa học, cơ bản, đều là những kiến thức trọng tâm cả lớp 11 và 12. Tuy nhiên, với đề thi này, từ câu 30 đến câu 40 có độ phân hóa cao. 

Cô giáo Lê Thị Mỹ Dung

Đây là những câu hỏi khó dành cho những học sinh học thật chắc kiến thức và có kiến thức rộng thì mới có thể làm tốt những câu hỏi này.

Đề thi còn ít câu câu hỏi liên hệ thực tế. Từ câu 1 đến câu 30, về cơ bản đều ở 2 mức độ: Nhận biết và thông hiểu nên học sinh sẽ làm tốt nhất ở những câu này. Chính vì vậy, phổ điểm nhiều nhất sẽ rơi vào khoảng 5 - 6 điểm.

Đề thi năm nay không bắt học sinh ghi nhớ nhiều sự kiện về ngày, tháng nhưng yêu cầu học sinh phải học chắc kiến thức và phải biết khái quát cũng như sâu chuối, liên hệ các sự kiện.

Độ phân hóa rõ nét nhất là từ câu 30 đến câu 40. Theo cô Dung dự đoán, sẽ không có nhiều HS đạt điểm tuyệt đối.

Cô Phạm Thị Phương Thảo - Giáo viên Lịch sử Trường THPT Ban Mai (Hà Nội): Đề Lịch sử vừa sức

Riêng với đề thi môn Lịch sử THPT quốc gia năm nay khá dễ thở cho các thí sinh, cho nên có thể sẽ có nhiều điểm khá – giỏi xuất hiện trong kì thi năm nay.

Đề thi bám sát với chương trình chuẩn của các khối học THPT, tuy nhiên số lượng câu hỏi liên quan đến chương trình học lớp 12 là chủ yếu, phần lịch sử 11 chỉ chiếm thiểu số. Do đó, sẽ giúp học sinh dễ dàng chiếm lĩnh được bài thi của mình.

So với đề thi Lịch sử THPT quốc gia năm ngoái thì đề thi năm nay, Bộ GD&ĐT ra đề khá sát với bộ đề thi tham khảo cho nên không gây hoang mang, khó dễ cho các thí sinh khi làm bài.

Học sinh nào đã đầu tư thời gian và công sức ôn tập bám sát chương trình chuẩn SGK chắc chắn sẽ đạt điểm từ trung bình trở lên.

Học sinh khi nhận đề cần phải đọc kĩ đề và tư duy lô gíc với những kiến thức đã học để chọn được đáp án chính xác nhất bởi hầu hết các đáp án đều có điểm tương đồng về nội dung.

Nếu thí sinh lo lắng về việc bỏ phí thời gian mà đọc lướt đề sẽ dễ chọn đáp án gần đúng nhất.

MỜI XEM GỢI Ý LỜI GIẢI ĐỀ THI THPT QUỐC GIA 2019 TẠI ĐÂY

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ