Chống sốc cho học sinh đầu cấp

GD&TĐ - Chuyển từ tiểu học lên THCS, học sinh lớp 6 phải làm quen với các môn học mới.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tham gia khóa học “Ghi chép thông minh bằng sơ đồ tư duy”.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tham gia khóa học “Ghi chép thông minh bằng sơ đồ tư duy”.

Phương pháp học, số lượng bài kiểm tra, hình thức kiểm tra, đánh giá cũng khác so với cấp tiểu học. Vì vậy, các trường đã có nhiều cách thức để “chống sốc” cho học sinh.

Rèn cách ghi vở

Cô Trần Thị Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết: “Thường trong tuần đầu tiên của năm học mới, học sinh lớp 6 được giáo viên bộ môn hướng dẫn làm quen môn học. Giáo viên sẽ giới thiệu nội dung kiến thức, phương pháp học bộ môn và cả cách ghi chép bài”. Trong đó, cách ghi bài được các thầy cô hướng dẫn kỹ nhất.

Theo nhận xét của cô Minh, chuyển từ tiểu học lên THCS, phần đông học sinh gặp khó khăn khi tự ghi bài vào vở. “Cá biệt, có nhiều em lúng túng, không ghi được bài, để vở trắng, dù được giáo viên hướng dẫn ngay trong tiết học đầu tiên. Trong khi đó, với cách học của chương trình, cấp học mới thì học sinh phải tự chọn lọc để ghi bài. Vì vậy, giáo viên phải làm mẫu, hướng dẫn cho những em chưa có kỹ năng này”.

Lê Khánh Nhi, học sinh lớp 6, Trường THCS Lê Độ (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) cho biết: “Em được thầy cô hướng dẫn, với môn Khoa học tự nhiên, Toán thì cần ghi phần định nghĩa, ghi nhớ, định lý, công thức…

Một số bài tập thầy cô làm mẫu cũng chép vào vở để nắm được dạng bài. Các môn như Lịch sử và Địa lý, Ngữ văn chỉ cần chọn lọc các ý chính. Thời gian đầu, thầy cô sẽ gạch chân hoặc nhắc nhở nội dung gì cần ghi vào vở”.

Trường THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) dành riêng một buổi để hướng dẫn học sinh khối 6 về các môn học, số lượng bài kiểm tra, hình thức kiểm tra; số tập vở đi liền từng môn học. Ví như với môn Khoa học tự nhiên, các em chỉ chuẩn bị một quyển vở sử dụng cho cả 3 phân môn. Đặc biệt, cách ghi bài học vào vở được thầy cô hướng dẫn cụ thể cho mỗi môn học.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp – Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai cho biết: “Dù đã hướng dẫn ở những tiết đầu môn học, song hầu hết học sinh lớp 6 rất khó có thể vừa nghe giảng vừa ghi vở. Vì vậy, ban giám hiệu đã hướng dẫn giáo viên, trong thời gian đầu của năm học, nhắc nhở học sinh những nội dung nào cần chép vào vở. Có thể sẽ phải đợi các em vài phút để chép bài”.

Một cách khác nữa, giáo viên viết bảng nhiều, chi tiết trong quá trình giảng nhưng những nội dung học sinh cần ghi chép thì có thể làm thành slide để các em dễ chép bài. Tuy nhiên, dù với hình thức nào thì giáo viên vẫn phải dành thời gian nhất định trong những tuần học đầu để hình thành kỹ năng chép bài cho học sinh.

Dạy trò kỹ năng tự học

Cô Lê Thị Hiếu, giáo viên Toán, Trường THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nhận xét, với đa phần học sinh lớp 6 phải mất ít nhất một tháng mới có thể bắt nhịp được với môi trường học tập mới. Để học sinh không bị “chới với”, theo như cô Hiếu, thầy cô cần đi chậm lại các bước lên lớp, đợi học sinh chép bài. Do đó, tháng đầu tiên của năm học mới, thầy cô dạy môn học nào dường như cũng thiếu thời gian.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

“Học sinh phải làm quen với nhiều môn học khác nhau, có nội dung trừu tượng, sâu sắc và phong phú hơn ở bậc học dưới. Mỗi môn học do một giáo viên đảm nhận, cách dạy của mỗi thầy cô cũng không giống nhau. Do đó đòi hỏi các em phải có sự thay đổi về cách học, không phải học sinh nào cũng bắt nhịp ngay với sự thay đổi này” – cô Hiếu cho biết.

Nếu học sinh không biết cách ghi chép theo kiểu tự học thì khó nắm bắt bài. Đây là kỹ năng quan trọng theo các em suốt cấp học nên giáo viên phải dành thời gian để hướng dẫn cho học sinh.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Khắc Điệp cho rằng, với Chương trình GDPT 2018, không còn hoạt động dò bài, kiểm tra bài cũ như trước. “Giáo viên sẽ lồng ghép kiểm tra các kiến thức đã học trong tổ chức các hoạt động dạy học. Do vậy, nhiều học sinh chủ quan, không ôn lại bài cũ nên chất lượng học tập có sự giảm sút. Giáo viên cần có nhiều hình thức giúp học sinh củng cố kiến thức đã học như trả lời các phiếu hỏi cá nhân…”.

Lớp 6 được xem là giai đoạn quan trọng của cấp THCS. Thế nhưng, trên thực tế, phụ huynh lại chuẩn bị tốt tâm lý và kỹ năng cho con vào lớp 1 là chủ yếu. Trong lễ tri ân và trưởng thành của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Sơn Trà, TP Đà Nẵng), cô Trần Thị Kim Bình, Hiệu trưởng đã chia sẻ với phụ huynh nhiều kinh nghiệm “chống sốc” cho học trò.

Theo đó, các em vừa thay đổi môi trường học tập, bạn, thầy cô, môn học đều mới. Vì vậy, phụ huynh có con học lớp 6 phải quan tâm nhiều hơn để kịp thời giúp các em vượt qua giai đoạn đầu hết sức khó khăn ở THCS từ tâm lý đến cách học. Đừng giải quyết theo cách đơn giản là lớp 6 học yếu thì cho học thêm.

Cô Nguyễn Thị Anh, giáo viên môn Khoa học tự nhiên cho biết: “Nhiều học sinh các lớp đầu cấp THCS thường gặp khó khăn trong ghi chép bài học, phương pháp học tập khoa học do lượng kiến thức mới và môn học khá nhiều trong một buổi học. Với khóa học “Ghi chép thông minh bằng sơ đồ tư duy” cho học sinh các khối từ 6 - 9 được nhà trường tổ chức trong hè đã giúp học sinh cách ghi chép bài học thông minh, khắc sâu kiến thức, thích ứng nhanh với chương trình và phương pháp học tập phù hợp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.