Chuyên gia mong 'hồi sinh' hợp đồng BT

GD&TĐ - Nhiều ý kiến gia cho rằng, nếu quy định được đổi mới toàn diện và khắc phục bất cập, thì hợp đồng BT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.

Nếu mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.
Nếu mô hình BT được nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, khắc phục những bất cập của giai đoạn trước vẫn có thể phát huy hiệu quả.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, nếu quy định được đổi mới toàn diện, khắc phục tối đa bất cập của giai đoạn trước, thì hợp đồng BT sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Đổi mới hợp đồng BT khi đưa trở lại Luật PPP

Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 quy định có 7 loại hợp đồng PPP. Đáng chú ý, luật này đã loại bỏ phương thức đầu tư theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã áp dụng trước đó ra khỏi danh mục các loại hợp đồng theo dự án PPP và dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng này.

Lý do bởi việc triển khai dự án BT trong thực tế đã đặt ra nhiều quan ngại khi tổng mức đầu tư dự án tăng không được kiểm soát chặt chẽ, giá đất đối ứng thấp…. dẫn đến nhiều dự án BT đã để lại các hệ lụy, tạo dư luận không tốt.

Tại tọa đàm trao đổi ý kiến chuyên gia về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) và Luật Đấu thầu (gọi tắt là 1 luật sửa 4 luật về đầu tư) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức.

Ông Nguyễn Nội, nguyên Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc bổ sung lại hình thức BT là rất cần thiết, trước kia thế giới vẫn dùng BT rất tốt, nhưng ở nước ta trong quá trình thực hiện xảy ra nhiều vướng mắc ở khâu cơ quan quản lý đàm phán với nhà đầu tư và công thức thanh toán sai.

Theo dự thảo luật, hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT gồm hai hình thức là bằng tiền và bằng quỹ đất.

Ông Nguyễn Nội cho rằng, nên cân nhắc một phương thức nữa là dùng quỹ đất đấu giá lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư. Đó là sau khi Nhà nước xây dựng xong hạ tầng thì tổ chức đấu giá.

“Ví dụ Dự án Đường vành đai 3 TPHCM nếu áp dụng cách này thì tiền Nhà nước bỏ ra sẽ giảm đi rất nhiều và có thể sử dụng giá trị tăng thêm của đất đấu giá này. Nhà đầu tư cũng có thể tham gia đấu giá với ưu tiên giảm 5 - 10%”, ông Nội đề xuất.

Ủng hộ việc đưa trở lại loại hình BT vào Luật PPP, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, BT không có gì sai mà chỉ vướng mắc ở chỗ đổi đất lấy hạ tầng.

Ông Tuấn đặt vấn đề, giá trị quỹ đất dùng để đổi lấy công trình được xác định trên cơ sở nào, ở thời điểm nào khi mà tổng vốn đầu tư và quỹ đất đều là dự kiến? Thực tế khi lập dự án xin quyết định đầu tư, quỹ đất lúc đó là dự kiến vì chưa có thông số cụ thể.

Ông Tuấn cũng lưu ý, quy định của chúng ta là nhà đầu tư được giao đất thực hiện dự án sau khi đã khởi công và hoàn thành tối thiểu 50% giá trị công trình BT, hoàn thành trách nhiệm đối ứng để bồi thường hỗ trợ tái định cư quỹ đất.

“Quy định này có lợi cho Nhà nước. Nhưng nếu đã xác định ở thời điểm thực hiện 50% giá trị công trình để tính toán thì cũng tuyên ngay vào thời điểm này để xác định giá đất. Chỗ này phải rất cụ thể, nếu không sau này rất rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Tuấn nói.

Làm rõ khung pháp lý, bảo vệ nhà đầu tư

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bỏ điểm d khoản 1 Điều 45a của dự thảo luật (Dự án đối ứng có sử dụng đất chỉ được kinh doanh, khai thác sau khi công trình thực hiện theo hợp đồng BT đã hoàn thành và chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tổ chức khai thác).

Theo ông Thạch, dự án đối ứng là một dự án độc lập với dự án BT, khi nhà đầu tư thực hiện xong theo tiến độ thì được quyền kinh doanh, không cho phép khai thác dự án đối ứng sẽ gây ra lãng phí về nguồn lực của các nhà đầu tư và xã hội và ràng buộc việc khai thác dự án đối ứng với việc hoàn thành và chuyển giao công trình BT là chưa phù hợp.

Ông Thạch đề nghị, làm rõ dự án BT thanh toán bằng quỹ đất thuộc trường hợp hợp đồng vô hiệu và xử lý dân sự, nếu phát sinh chi phí bồi thường cho nhà đầu tư và nhà đầu tư phải trả lại quỹ đất; ở trên đất đối ứng này đã hình thành dự án hoặc dự án đang thực hiện trên đất đối ứng thì có thu hồi lại dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư không.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản nêu vấn đề, đối với dự án BT thanh toán bằng quỹ đất, tài sản công, dự thảo quy định nếu hợp đồng BT có nội dung chưa phù hợp với pháp luật và thuộc trường hợp xử lý hình sự thì thu hồi dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư (nếu có).

Theo ông Đỉnh, trách nhiệm hình sự là của cá nhân, nhưng lại đặt ra chế tài với pháp nhân là chưa thỏa đáng. Thay vào đó, cần làm rõ xử lý hình sự với ai, phạm tội gì, quan hệ nhân - quả giữa hành vi phạm tội với việc được giao đất, giao dự án. Nếu có quan hệ nhân - quả thì mới được thu hồi dự án, quỹ đất, tài sản công đã giao cho nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TPHCM nhận xét, quy định nếu hợp đồng có nội dung chưa phù hợp và xử lý hành chính theo hướng chấm dứt đồng hoặc thực hiện chuyển tiếp là chưa gắn chặt hướng xử lý với tính chất của vi phạm, có thể phát sinh tình huống là không gắn nguyên nhân, người thực hiện hành vi với hậu quả.

Theo ông Tuấn, nếu hợp đồng có những vi phạm dẫn đến vô hiệu mà vô hiệu dẫn đến chấm dứt hợp đồng thì chấm dứt, còn dẫn đến vô hiệu mà không dẫn đến chấm dứt toàn bộ hợp đồng thì chỉ chấm dứt cái phần do vô hiệu, còn những phần khác vẫn thực hiện bình thường.

“Trong đó có nội dung vi phạm sẽ điều chỉnh cho đúng quy định pháp luật tại thời điểm điều chỉnh và cho thực hiện tiếp. Trường hợp hợp đồng có kết luận của Thanh tra, Tòa án, Trọng tài kinh tế mà khác với hợp đồng thì thực hiện theo kết luận của Thanh tra, Tòa án… nêu trên”, đại diện Sở KH&ĐT TPHCM đề nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ