Chuyên gia lý giải nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 của Hà Nội tăng cao

GD&TĐ - Trong gần 2 tuần gần đây, Hà Nội liên tiếp ghi nhận các ca mắc cộng đồng không rõ nguồn lây. TP cũng liên tục ghi nhận các ổ dịch mới, phức tạp, lây lan nhanh, từ ngày 28/10 đến 4/11, từ 33 đến 104 ca/ngày.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ khi thực hiện Nghị quyết 128, số ca nhiễm trên địa bàn Hà Nội gia tăng, đặc biệt số ca ngoài cộng đồng. Từ ngày 11/10 đến hôm nay Thủ đô ghi nhận 738 ca mắc, trung bình mỗi ngày có 31 ca; trong đó có 228 ca ngoài cộng đồng (chiếm khoảng 30%).

Từ ngày 28/10 đến 4/11, số ca mắc tăng cao từ 33 đến 104 ca/ngày và liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp.

Từ ngày 24/10 đến nay, Hà Nội ghi nhận tới 10 chùm ca bệnh (ổ dịch) phức tạp. Trong đó có những ổ dịch vượt 100 ca như ổ dịch tại huyện Quốc Oai với 141 ca (từ 24/10); tại thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã ghi nhận 122 ca (từ 27/10);

Ngoài ra, một số ổ dịch tiếp tục ghi nhận sự gia tăng ca mắc như chùm ca bệnh tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm; chùm ca bệnh tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; chùm ca bệnh tại đường Lê Đức Thọ, quận Nam Từ Liêm...

Riêng ngày 4/11, trong 104 ca dương tính SARS-CoV-2 ghi nhận có tới 64 ca ở cộng đồng, phân bố tại nhiều quận, huyện; Hà Nội ghi nhận thêm 3 chùm ca bệnh mới, đó là chùm ca bệnh tại đường Bưởi, phường Cống Vị, quận Ba Đình với 16 ca mắc; chùm ca bệnh tại Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình có 6 ca và chùm ca bệnh tại phường Phú La, quận Hà Đông có 9 ca.

Bên cạnh đó, thành phố đã ghi nhận 75 ca dương tính là người trở về từ các tỉnh có dịch cao (như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...) với 32 ca lây nhiễm thứ phát. Ngoài ra, Hà Nội còn ghi nhận một số ca mắc đến từ các tỉnh khác (như Hà Giang, Nam Định, Hà Nam...).

Theo Kế hoạch Thực hiện Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của TP Hà Nội, việc công bố mức độ dịch Covid-19 sẽ được thông tin vào thứ 6 hàng tuần.

Việc công bố mức độ dịch dựa trên 3 tiêu chí, gồm tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vắc xin Covid-19 và việc đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến trên địa bàn.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thành phố đã có phương án điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ để đáp ứng khoảng 22.100 người. Tổng số giường điều trị Covid-19 đang được kích hoạt là 2.640 giường tại 8 bệnh viện, 2 cơ sở điều trị. Hệ thống oxy tập trung tại 25 bệnh viện với 3.200 đầu ra đã được hoàn thành.

30/30 quận, huyện, thị xã đã chuẩn bị phương án triển khai trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động, địa điểm thu dung tại chỗ; chuẩn bị oxy y tế, thuốc, thiết bị cấp cứu cơ bản…

“Rút bài học kinh nghiệm sâu sắc từ công tác phòng, chống dịch thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh các tỉnh phía Nam, Thành phố xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cốt trong phòng chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở. Các trạm y tế, đội y tế lưu động tại các khu cách ly, phong toả vẫn đang duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; sẵn sàng phương án điều trị, thu dung ngay tại trạm y tế”, bà Trần Thị Nhị Hà nhận định.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch Covid-19 hôm 2/11, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định Thành phố kiên trì xác định phòng, chống dịch ở mức độ cao hơn khi thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bám sát chỉ đạo của Trung ương, vừa làm, vừa cầu thị, rút kinh nghiệm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng kiến nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách đánh giá cấp độ dịch tại cấp huyện, tỉnh (hiện mới chỉ đánh giá ở cấp xã và nhỏ hơn) để trên cơ sở đó có biện pháp thích ứng, phù hợp và linh hoạt; công tác xét nghiệm và cách ly y tế đối với người từ vùng dịch về…

Theo ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, đã có sự chủ quan của một bộ phận người dân không thực hiện tốt 5K (đặc biệt người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin), đa số hoạt động kinh tế - xã hội trở về trạng thái bình thường mới...

Trong tiến trình thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo Nghị quyết 128, theo chuyên gia y tế dự phòng, việc Hà Nội ghi nhận các chùm ca bệnh trong cộng đồng những ngày qua là vấn đề đã nằm trong dự báo. Tới đây, nguy cơ phát sinh các ổ dịch lây nhiễm phức tạp, các ca bệnh không rõ nguồn lây vẫn luôn có thể xảy ra.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, cùng với nguyên tắc "5K", người dân vẫn nên hạn chế tối đa đến những nơi đông người. Khi phải đi đến trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bến tàu, nơi công sở..., người dân cần thực hiện quét mã QR theo đúng khuyến cáo, thực hiện khai báo y tế để thuận tiện cho việc truy vết khi phát hiện F0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.