Số vũ khí trên đã bay trong vài giờ trước khi đến lãnh thổ Israel, nhưng Tel Aviv đã bắn hạ gần hết và khẳng định sẽ trừng phạt Tehran, có thể leo thang thành chiến tranh tàn khốc.
Trong khi đó, giới chuyên gia đang đánh giá chi tiết về cuộc tấn công của Iran và những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Ngay từ thời điểm Israel tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus, Tehran đã bắt đầu đề cao kịch bản trả đũa và liên tục tuyên bố sẽ đáp trả bằng quân sự.
Nhưng liệu họ có thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình không?
Nhà nghiên cứu người Israel - ông Maamoun Abu Amr nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Step News:
"Iran có những điều kiện nhất định để đáp trả Israel, trong đó quan trọng nhất là phản ứng ngay lập tức. Hơn nữa, bất kỳ hành động nào cũng không được dẫn đến xung đột toàn diện trong khu vực".
"Iran trì hoãn phản ứng, có lẽ chờ đợi thời điểm chính trị thích hợp, nhưng đồng thời cũng cố gắng đưa ra hành động quân sự có giới hạn".
Mặt khác, nhà nghiên cứu chính trị và chuyên gia về vấn đề Iran - ông Islam al-Mansi nhận xét:
“Rõ ràng là Iran không muốn tham gia vào một cuộc chiến với Israel hoặc Mỹ, do vậy phản ứng của Tehran bị trì hoãn trong vài ngày, đồng thời vẫn bị giới hạn ở phạm vi hẹp, không dẫn đến phản ứng nghiêm trọng có thể gây tổn hại họ”.
Một số người tin rằng Iran có thể dựa vào các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực để đáp trả Israel như trước đây, nhưng lần này Tehran đã quyết định nhắm mục tiêu trực tiếp Nhà nước Do Thái.
Nhà nghiên cứu chính trị Abu Amr nói: "Phản ứng của Iran là một thông điệp xác nhận rằng họ đã đáp trả khi bị tấn công, đồng thời để các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực tự do lựa chọn hành động với khu vực phía Nam Israel và vùng Negev - cách xa địa điểm tập trung đông dân cư".
Nhà chính trị và chuyên gia quan hệ quốc tế Yesri Obaid tin rằng phản ứng của Iran sẽ vẫn ở mức hạn chế và được kiểm soát để không tiến tới đối đầu với Mỹ.
Xung đột Israel - Iran liệu có trở thành chiến tranh toàn diện? |
Giữa những cảnh báo rằng tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và leo thang thành một cuộc xung đột quân sự lớn trong khu vực, Israel một lần nữa đe dọa trả đũa Iran, điều này khiến các chuyên gia lo ngại có thể dẫn đến các kịch bản khác nhau.
Chuyên gia Abu Amr nói thêm: “Có nhiều kịch bản về một cuộc tấn công vào Iran, một số có thể kéo dài trong vài ngày và một số có thể kết thúc, như cách phái đoàn ngoại giao Iran tại Liên Hợp Quốc đã nói".
"Tôi nghĩ mục tiêu chính của Iran là gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội Israel thông qua chiến tranh tâm lý, cuối cùng nhiều khả năng kết thúc bằng một thỏa thuận chính trị".
Chuyên gia này cũng cho biết thêm: "Tôi nghĩ Iran đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả một cuộc phản công từ Israel và họ đã đặt các hệ thống tên lửa của mình ở những địa điểm dưới lòng đất được bảo vệ tốt, có khả năng chống vũ khí hạt nhân. Tehran đã nỗ lực phát triển những địa điểm này như một phần trong chiến lược quốc phòng của mình trong nhiều năm".
Theo ông Abu Amr, sau cuộc tấn công của Iran, có hai kịch bản, đầu tiên là “Israel sẽ dừng chiến tranh ở Gaza và chuyển sự chú ý sang mặt trận Iran”, như đã xảy ra khi Hamas bắt cóc người lính Shalit vài năm trước, sau đó là Hezbollah bắt cóc hai binh sĩ và Israel đưa chiến tranh từ Gaza sang Lebanon với chiến dịch Tevz.
Kịch bản thứ hai, theo vị chuyên gia thì nguy hiểm hơn rất nhiều, đó là Mỹ có thể quyết định tấn công Iran.
Chuyên gia Abu Amr nói: "Đây là kịch bản mà một nhà chính trị Mỹ đã nói đến vào năm 1997 khi đề cập rằng có hai quốc gia nguy hiểm cần bị tấn công là Iraq và Iran.
Tình hình Iran phức tạp hơn do mạng lưới các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm mà Tehran đã xây dựng trong suốt những năm qua".
Mặt khác, nhà phân tích Yesri Obeid xác nhận rằng Iran có thể chấp nhận hòa giải chính trị để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang dự kiến nào với Israel và tránh bị lôi kéo vào chiến tranh.
Vị Chuyên gia nói rõ: "Mỹ vẫn là nhân tố quyết định và là người đưa ra lời cuối cùng về vấn đề này, sau cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel".
Chuyên gia Islam al-Mansi đồng tình với ý kiến trên, khẳng định “Iran sau vụ tấn công có thể chấp nhận hòa giải chính trị, ngay cả khi liên quan đến việc chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza, đây sẽ được coi là một thành tựu to lớn nhất và họ sẽ được hưởng lợi từ điều đó trong nhiều năm tới".
Tuy vậy lời lẽ của Mỹ vẫn khiến nhiều người lo ngại khả năng chiến tranh xảy ra, đặc biệt nếu những người Cộng hòa lên nắm chính quyền.
Căn cứ tên lửa ngầm dưới lòng đất của Iran. |