Chuyên gia góp ý xây dựng quy định về hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật Giáo dục sửa đổi

GD&TĐ - Sáng nay 16/7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia với nội dung “Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân (HTGDQD) trong Luật giáo dục sửa đổi”.

Ông Phan Thanh Bình phát biểu kết luận tọa đàm “Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật giáo dục sửa đổi”
Ông Phan Thanh Bình phát biểu kết luận tọa đàm “Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân trong Luật giáo dục sửa đổi”

Dự và chủ trì buổi tọa đàm có ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban cùng các phó Chủ nhiệm Ủy ban: Ngô Thị Minh, Nguyễn Văn Tuyết; các chuyên gia thành viên tổ thẩm tra dự án Luật Giáo dục sửa đổi.

Về phía Bộ GD&ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng tổ soạn thảo dự án Luật Giáo dục sửa đổi; Đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục…

Phát biểu khai mạc, ông Phan Thanh Bình đặt vấn đề: HTGDQD nước ta có từ lâu đời, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay đặt ra hai vấn đề là hệ thống giáo dục mở, liên thông trình độ đào tạo để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có những phân tích, làm rõ thêm những điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về HTGDQD, những vấn đề hiện nay của các cấp học, bậc học trong HTGDQD …

Đồng thời đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tham vấn, góp ý cách nhìn nhận, tiếp cận hai vấn đề này như thế nào, nhìn ra xem các nước trên thế giới giải quyết vấn đề này như thế nào và thực trạng ở Việt Nam để xây dựng quy định về HTGDQD trong Luật giáo dục sửa đổi.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp

Tại đây, sau khi nghe bà Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) trình bày những điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi về HTGDQD, các đại biểu, nhà khoa học giáo dục đã đi sâu thảo luận, tham vấn về các vấn đề của giáo dục quốc dân, những đặc trưng, các thành tố, sự liên thông, liên kết giữa các thành tố.

Theo ông Hoàng Ngọc Vinh – Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, một vấn nổi cộm hiện này là trình độ bậc 4 – Trung cấp và Giáo dục phổ thông liên thông, tương hỗ nhau như thế nào.

Ở các nước, ngay trong trường phổ thông đã thiết kế các “Unit” để người học hoàn thành các bài này có thể lao động được. Ở nước ta phải làm được điều này mới mong phân luồng, dạy nghề tốt được.

Ông Dương Đức Lân - Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (nay là Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động, TBXH) cho biết: Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Khung cơ cấu HTGDQD và Khung trình độ quốc gia Việt Nam đảm bảo tính thống nhất.

Vấn đề đặt ra là thiết kế HTGDQD làm sao cho nhẹ nhàng để người đi học đỡ vất vả. Học trung cấp từ 1, 2 năm là được cấp chứng chỉ, người nào học tiếp có thể học thêm văn hóa để nâng cao trình độ.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến – Nguyên Trợ lý Bộ trưởng: Hệ thống giáo dục Việt Nam đã được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi cho sự phân luồng và liên thông. Tuy nhiên trên thực tế phân luồng và liên thông trong giáo dục nước ta vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất. Nguyên nhân không phải ở cơ cấu hệ thống mà ở cơ chế vận hành của hệ thống.

Có thể nói tuy cơ cấu phần luồng đã có nhưng cơ chế phân luồng thì không, khi mà ở giáo dục THCS tuyệt nhiên không có chính sách và giải pháp cụ thể trong việc định hướng và giúp học sinh tự định hướng theo năng lực bản thân; Còn giáo dục nghề nghiệp lại thiếu sức hút cần thiết để học sinh tự tin bước chân vào. Còn cơ chế liên thông hiện chỉ chú ý đến sự thông thoáng mà không có sự gắn bó nào với hai cơ chế quan trọng khác là đảm bảo chất lượng và cơ chế gắn đào tạo với sử dụng lao động.

Kết luận tọa đàm, ông Phan Thanh Bình đề nghị tổ soạn thảo Dự án Luật Giáo dục sửa đổi, tiếp thu những ý kiến của các đại biểu để Dự thảo Luật ngày càng hoàn thiện hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.