Tìm giải pháp đào tạo nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời kỳ 4.0

GD&TĐ - Ngày 4/7, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời kỳ 4.0”.

Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời kỳ 4.0”
Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời kỳ 4.0”

Dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bà Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) thời kỳ 4.0” là nơi gặp gỡ, trao đổi của giới học thuật, nghiên cứu, các nhà quản lý, nhà doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng CNC đáp ứng sự phát triển của nền nông nghiệp thời kỳ 4.0.

Hội thảo cũng quy tụ những người làm chính sách, gắn kết giữa đào tạo và sử dụng nhân lực, gắn kết giữa nhu cầu đào tạo với đặt hàng của Nhà nước, doanh nghiệp, đồng thời xây dựng hệ thống Network tư vấn cho các trường đại học để đào tạo đáp ứng đòi hỏi của thị trường lao động trong thời kỳ 4.0.

Chính vì vậy, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham dự của nhiều lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường ĐH ngành nông, lâm, ngư nghiệp, kinh tế trong cả nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Cần xác định được nguồn nhân lực đáp ứng cho nền nông nghiệp CNC là gì? Lựa chọn đúng vấn đề sẽ khắc phục được hạn chế đào tạo lĩnh vực này hiện nay. Theo Bộ trưởng có 3 nhóm cần quan tâm: Đó là các kỹ sư trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, phân phối... Đào tạo kỹ sư nông nghiệp phải tạo ra chuỗi, khắc phục thực trạng hiện nay là cung không gắn với cầu. Bộ trưởng nhấn mạnh đến nhóm kỹ sư trong các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ kết nối.

Tiếp đó là nhóm các nhà quản lý , theo Bộ trưởng, hiện nay các trường đại học, học viện chưa xem trọng nhóm này. Đây là những nhà quản lý am hiểu, quản trị được CNC trong nông nghiệp, quyết định thành công cho doanh nghiệp, từ đó hiệu quả đầu tư sẽ được nâng cao. Nhóm cuối cùng mà Bộ trưởng đề cập đó là các chuyên gia, nhà khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Bộ trưởng lưu ý: Từ việc xác định 3 nhóm đối tượng, các trường, học viện sẽ xác định chương trình đào tạo bởi công nghệ phải gắn với đào tạo, gắn với người sử dụng. Bộ GD&ĐT khuyến khích các trường chọn những chương trình đào tạo công nghệ nông nghiệp tiên tiến của nước ngoài để nhập khẩu. Đặc biệt, các trường, học viện cần dành thời gian nghiên cứu, phát triển chương trình, chú ý khảo sát thực tiễn để xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, nghiên cứu.

Các đại biểu dự hội thảo
Các đại biểu dự hội thảo

Hiện nay, Bộ GD&ĐT chủ trương mở ngành không phụ thuộc vào nhân sự mở ngành mà quan trọng là ngành đó có đáp ứng được yêu cầu của thị trường hay không. Theo Bộ trưởng, dù là ngành gì, yêu cầu về ngoại ngữ, tiếng Anh, công nghệ thông tin cũng phải được chú trọng; xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến, gắn với ngoại ngữ cùng với ứng dụng mạnh mẽ CNTT để hướng tới đào tạo từ xa.

Với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị: trong phát triển Chương trình đào tạo đối với nhóm bồi dưỡng cán bộ, giảng viên nên xuất phát từ các kỹ sư xuất thân từ Học viện. Trong đó phải thay đổi phương thức tổ chức đào tạo dựa trên nghiên cứu, nghiên cứu phải đi trước một bước để tìm hiểu, lựa chọn công nghệ, chương trình, đối tác, doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.