Chuyên gia góp ý Đề án phát triển trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng

GD&TĐ - Các bộ, ngành, trường đại học và đại học góp ý kiến xây dựng Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.

Chuyên gia, nhà khoa học ý kiến xây dựng trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng.
Chuyên gia, nhà khoa học ý kiến xây dựng trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng.

Sáng 15/3 tại Hà Nội, bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo xây dựng Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0. Tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội và các đại học, trường đại học đến từ các vùng miền trên cả nước.

Trình bày báo cáo đề xuất định hướng xây dựng đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Trần Nam Tú đã đưa ra quan điểm, ý nghĩa và sự cần thiết phải sớm xây dựng và triển khai Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định sự cần thiết phải tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ & môi trường Trịnh Xuân Hiếu phát biểu ý kiến.

Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ & môi trường Trịnh Xuân Hiếu phát biểu ý kiến.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ.

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021) đã cụ thể hóa mục tiêu và nhiệm vụ, cụ thể: …Xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ số và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KHCN chất lượng cao, chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các nhóm nghiên cứu hiệu quả đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tích cực thu hút sự tham gia đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại diện các bộ, ngành, đại học và trường đại học tham gia cuộc họp.

Đại diện các bộ, ngành, đại học và trường đại học tham gia cuộc họp.

Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư”. Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4019/QĐ-BGDĐT ngày 01/12/2020 ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020. Trong đó, giao Bộ GD&ĐT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0.

Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và các hệ thống đổi mới sáng tạo ngành, vùng, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh, Nhà nước thực hiện định hướng, điều phối, kiến tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi cho hoạt động hiệu quả của toàn hệ thống”.

Từ thực tế hoạt động, các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, đại học và trường đại học đã cho ý kiến về việc xây dựng đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 với những cơ sở pháp lý và phù hợp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các đại biểu đưa ra những nội dung quan trọng của Đề án cũng như thực tế triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học. Tình hình phát triển giáo dục đại học trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó chỉ ra những tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp thực hiện sao cho hiệu quả.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc yêu cầu Ban soạn thảo ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu, kế thừa các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, tiếp thu lấy ý kiến các chương trình quốc tế đã thực hiện để tham khảo. Thứ trưởng cũng lưu ý việc khảo sát, đưa vào nội dung các ngành đào tạo 4.0 theo đúng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, phục vụ cho thực tế phát triển đất nước. Quá trình làm gắn với đội ngũ, giảng viên, cơ sở vật chất, điều kiện thực hiện. Phải khảo sát đi vào chi tiết thực tế đào tạo tại Việt Nam, trường nào, có đào tạo môn học, ngành học này không. Quan điểm, mục tiêu, giải pháp phải đảm bảo tính khoa học khi triển khai Đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ