Ngày 19/10, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức Diễn đàn xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm xây dựng ý tưởng khởi nghiệp và một số kỹ năng, năng lực cần có khi tham gia khởi nghiệp. Theo ông Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova, một trong những “đặc tính” quan trọng để khởi nghiệp là tự tin và quyết liệt; mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, chịu trách nhiệm.
Ông Lê Anh Tuấn – Trưởng phòng Phát triển kỹ năng và Công tác xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh thiếu niên Hà Nội – chia sẻ, lựa chọn làm thuê hay khởi nghiệp đều được tôn trọng, quan trọng là hãy tạo giá trị cho mình.
Theo đó, việc đầu tiên là, sinh viên cần mạnh dạn, tự tin và phát triển kỹ năng giao tiếp. Các em cần xác định mục tiêu rõ ràng và động lực học tập. Thời điểm này, các em dành thời gian cho học tập và thực hành một số kỹ năng cần thiết để sẵn sàng bước vào hành trình khởi nghiệp.
Khẳng định sẽ đồng hành cùng sinh viên, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Học viện Công nghệ BKACAD & Nền tảng VINET khuyến nghị, làm gì cũng phải có mục đích. Tới đây, một số ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ “hot”; vì thế sinh viên cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ để có thể theo học và phát triển ý tưởng khởi nghiệp từ lĩnh vực này.
Ông Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại sự kiện. |
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Văn Đạt – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp là nội dung, nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học. Những năm qua, Bộ GD&ĐT đã tham mưu ban hành và trực tiếp ban hành nhiều văn bản liên quan đến nội dung này.
Theo ông Trần Văn Đạt, sinh viên tham gia các hoạt động khởi nghiệp sẽ được tính điểm và hưởng các chế độ, chính sách như đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Viện dẫn Nghị định 109 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học, công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; ông Trần Văn Đạt cho biết, giảng viên, nghiên cứu sinh được tạo điều kiện tham gia hoặc làm chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp và của cơ sở giáo dục đại học.
Tại Văn bản này, Hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục chính thức được quy định một cách đầy đủ, hoàn chỉnh, làm cơ sở quan trọng để cơ sở giáo dục đại học triển khai và hoàn thiện.
Ông Trần Văn Đạt cho hay, hiện Bộ GD&ĐT đang chuẩn bị hoàn thiện ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây là thước đo quan trọng giúp cộng đồng đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục đại học và tầm ảnh hưởng của cơ sở giáo dục đại học tới cộng đồng, xã hội.
Về cơ bản, các chính sách thúc đẩy công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học. Các chính sách này tương đối hoàn thiện và đủ mạnh để các cơ sở giáo dục đại học có thể hình thành, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của riêng mình.
Phần còn lại, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động triển khai bằng các giải pháp riêng, trong đó việc phối hợp, đồng hành cùng các doanh nghiệp lớn và cựu sinh viên là thành tố quan trọng để tạo nên Hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở đào tạo.
Nhân dịp này, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ký kết thoả thuận hợp tác với các doanh nghiệp. |
Nhân dịp này, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã ký kết thoả thuận hợp tác với 30 doanh nghiệp. PGS.TS Hà Đức Trụ - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, sau ký kết sẽ triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên; từng bước tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường. Hiện, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp trong tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp và hỗ trợ sinh viên đi thực tập.