Môi trường kiến tạo - sinh viên khởi nghiệp

GD&TĐ - Thời gian qua, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên.

Kiến tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Kiến tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.

Vun đắp đam mê khởi nghiệp

Trong thời gian qua, phong trào khởi nghiệp của sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai luôn được nhà trường quan tâm. Theo PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Phân hiệu: "Đảng ủy, Ban Giám đốc xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu trong sự phát triển chung của nhà trường".

Chính vì vậy, Phân hiệu luôn tích cực triển khai các chủ trương, dự án liên quan đến hoạt động hỗ trợ, tư vấn ươm tạo công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp, nếu sinh viên có đề tài có thể mạnh dạn chia sẻ cùng giảng viên để nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các thầy cô, khoa và nhà trường cùng phát triển ý tưởng đó ra sản phẩm.

“Nhiều hoạt động đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, giảng viên đã được tổ chức, tạo ra hiệu quả tích cực, lan toả được tinh thần văn hóa khởi nghiệp rộng rãi trong nhà trường, tạo sự kết nối với cộng đồng”, PGS. TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết.

Đặc biệt, phân hiệu luôn khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp nhằm khuyến khích các em trau dồi kinh nghiệm, bản lĩnh và hình thành ý thức khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, các em sẽ tích luỹ thêm cho mình những kinh nghiệm, sự hiểu biết khi đã được cọ xát thực tế và tăng cơ hội việc làm cho bản thân sau khi ra trường.

Gắn học tập với thực hành

Th.S Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ươm tạo công nghệ - Khởi nghiệp, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: Luôn chú trọng công tác hỗ trợ và đồng hành cùng sinh viên trong mọi thời điểm, Trung tâm đã hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động thực tế, qua đó lồng ghép vào giới thiệu về các ngành nghề, hoạt động kiến tập, thực tập, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Mỗi khoa đều bố trí giảng viên có kinh nghiệm, mời các chuyên gia, cựu sinh viên thành đạt, doanh nghiệp cùng phối hợp hướng dẫn, cố vấn cho sinh viên về kế hoạch học tập. Qua đó, kết nối mạng lưới khởi nghiệp, hợp tác, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm, kêu gọi đầu tư, nguồn vốn để hình thành và phát triển các vườn ươm doanh nghiệp công nghệ, phát triển nguồn nhân lực dài hạn với các đối tác trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Phân hiệu cũng thông qua các chương trình ngoại khóa, câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động giúp sinh viên nắm bắt được nhiều thông tin, thay đổi bản thân, học hỏi thêm nhiều kỹ năng phục vụ cho việc học tập cũng như cuộc sống sinh viên.

Thông qua sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhà trường, các sinh viên tại Phân hiệu đã tham gia nhiều cuộc thi, thực hiện đa dạng các mô hình khởi nghiệp như: Tham gia cuộc thi Thách thức sáng kiến kinh doanh năm 2022; Ngày hội “Thắp lửa và kết nối khởi nghiệp sinh viên TNU-LCC” lần thứ I; Cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” của sinh viên khoa Kinh tế - Du lịch;...

Các dự án khởi nghiệp nổi bật phải kể đến như: Kinh doanh nấm hữu cơ; Dịch vụ trải nghiệm giáo dục và du lịch sinh viên (Student travel); Măng ớt mắc mật; Nuôi ếch hữu cơ trên mặt ao; Sản xuất tinh dầu và sản phẩm hương dược liệu; Mô hình trồng “Địa lan Trần Mộng” tại Sa Pa,…

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà trao giải Nhất cho ý tưởng "Nuôi ếch hữu cơ trên mặt ao" của sinh viên Vi Thị Thu Dư, khoa Nông lâm.

PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà trao giải Nhất cho ý tưởng "Nuôi ếch hữu cơ trên mặt ao" của sinh viên Vi Thị Thu Dư, khoa Nông lâm.

Chia sẻ về dự án của mình, sinh viên An Văn Đài cho biết, dự án Sản Xuất Tinh Dầu và Sản Phẩm Hương Dược Liệu được em lên ý tưởng từ năm 2021 tập trung vào khai thác chuỗi giá trị của nguồn tài nguyên bản địa, tạo ra các sản phẩm mới, đặc biệt là các sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương nhằm phục vụ cho thị trường và du lịch.

Cũng giống như An Văn Đài, sinh viên Vàng A Phủ đã thực hiện mô hình trồng “Địa lan Trần Mộng”, một loài địa lan hiếm được trồng nhiều nhất ở Sa Pa. A Phủ chia sẻ: Địa lan là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, chính vì vậy trong quá trình học tập, em đã nhận được sự giúp đỡ của thầy cô để phát triển mô hình với quy mô lớn. Trong thời gian tới, em mong muốn có thể liên kết với các doanh nghiệp, nhà phân phối thực hiện dự án, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Bên cạnh phát huy tinh thần khởi cho sinh viên, Phân hiệu còn có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, các bài báo đăng trên tạp chí trong và ngoài nước, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy được xuất bản, cụ thể: 04 đề tài, chương trình cấp Bộ, 06 đề tài cấp Đại học Thái Nguyên, 07 đề tài cấp tỉnh, trên 50 đề tài cấp cơ sở. Phân hiệu đã công bố 86 bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước, 21 bài báo đăng trên các tạp chí, hội thảo quốc tế. Tổng số kinh phí đầu tư cho các đề tài NCKH khoảng 8,7 tỷ đồng.

Phân hiệu ĐHTN tại Lào Cai cũng đã biên soạn 28 giáo trình nội bộ, 16 sách, giáo trình phục vụ giảng dạy; đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật như: Đạt giải nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2018”, Giải nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 năm 2020, được công bố trong sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2020, Giải nhì cuộc thi sáng tạo khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm 2021...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ