Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát hiện sớm trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý

GD&TĐ - Không thể phủ nhận áp lực là điều cần thiết trên hành trình phát triển của mỗi cá nhân. Trong nuôi dạy trẻ, biết tạo áp lực khoa học không những giúp trẻ phát huy được hết tiềm năng, mà thực sự “lợi đơn lợi kép”.

Ảnh minh họa: INT.
Ảnh minh họa: INT.

Dấu hiệu những bất ổn

Tâm lý của trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc làm cha mẹ. Đặc biệt, trong bối cảnh trẻ bị hạn chế điều kiện phát triển do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đâu đó, những câu chuyện đau lòng về hành xử dại dột của trẻ khiến người lớn nhói lòng.

Chuyên gia giáo dục toàn cầu, CEO Innedu STEAM Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ  một vài kinh nghiệm cơ bản phát hiện sớm trẻ đang gặp vấn đề về tâm lý.

Đầu tiên, cha mẹ, thầy cô có thể để ý đến chữ viết, cách diễn đạt của trẻ. Khi chớm có vấn đề ảnh hưởng tâm lý, chữ viết của trẻ không còn rõ ràng mà bị dính vào nhau, như run rẩy, diễn đạt bị rối và không tròn câu. Gương mặt luôn mệt mỏi, tái nhợt, thiếu sức sống.

Hiện tượng cực đoan về giấc ngủ có thể dễ nhận thấy: Trẻ có thể mất ngủ hoặc ngủ li bì không dậy nổi. Trẻ hay nói xa xôi về chuyện không muốn mệt mỏi nữa, muốn buông bỏ… Khi nói chuyện, thể hiện sự không tập trung, không nhìn người đối diện mà nhìn xa xăm, nói kiểu bâng quơ…

Còn PGS.TS.BS Tôn Nữ Vân Anh - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế - khuyên cha mẹ hãy đặc biệt lưu ý khi trẻ có những biểu hiện sau: Cảm thấy buồn hoặc người khác quan sát thấy trẻ buồn bã hoặc khó chịu. Trẻ sẽ mất quan tâm hoặc thích thú trong hầu hết các hoạt động, giảm cân không lý do; Giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn;

Mất ngủ hoặc chứng đau nửa đầu; Sự kích động hoặc chậm phát triển tâm thần; Mệt mỏi hoặc mất năng lượng; Giảm khả năng suy nghĩ, tập trung và lựa chọn; Những suy nghĩ liên tục về cái chết hoặc ý tưởng hay kế hoạch tự tử; Cảm giác vô dụng và không được yêu thương...

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Cách biến áp lực thành động lực

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội): Những đứa trẻ không thể trưởng thành mà thiếu đi những áp lực cần thiết và vừa đủ. Để đạt được mục tiêu “gây áp lực một cách khoa học”, cha mẹ cần biết cách biến những cái con phải làm thành những cái cần làm. Cùng đó, biến những cái con cần làm thành những cái muốn làm. Biến những cái con muốn làm thành những cái thích làm.

Về phương pháp cụ thể, chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên gợi ý: Hãy vận dụng chiêu thức của các trò chơi trực tuyến (game) trong giáo dục trẻ. Cái khiến trẻ chơi hăng say, không biết mệt chính là tạo ra tính thách thức chứ không phải tạo ra stress.

Ngay từ khi con còn nhỏ, bố mẹ hãy tạo tâm lý bản thân con hơn chính con của ngày hôm qua. Ví dụ: Hôm qua, con có thể tự thức dậy lúc 6 giờ, hôm nay con dậy lúc 5 giờ 55 phút, bố mẹ hãy khen sự nỗ lực của con chứ không khen kết quả. Vì nếu chúng ta khen kết quả, sẽ dẫn đến bệnh thành tích và trẻ có thể giả dối để lấy kết quả báo cáo thôi. Đây chính là một trong những cách tạo động lực cho trẻ rất hiệu quả.

Bố mẹ hãy luôn tạo động lực để con tốt hơn con của ngày hôm qua. Đó là thứ áp lực “đúng cữ, đủ liều”, nâng bước con tự tin và tiến bộ.

Không dùng “cây gậy và củ cà rốt” – đừng la mắng khi trẻ thất bại. Hãy xem đó là việc con chưa thành công và ngồi lại cùng con để phân tích nguyên nhân vì sao. Hãy nhường cho con tìm ra cách khắc phục thất bại. Cha mẹ hãy ghi nhớ, khi con còn nhỏ, nhiệm vụ quan trọng nhất của bố mẹ là lo cho con ăn uống, ngủ nghỉ, chơi thể thao đầy đủ.

“Bản thân tôi nghĩ, con học giỏi cỡ nào thì tương lai của con mới quan trọng chứ không phải hành trình hiện tại. Con cần được rèn luyện toàn diện để có thể vững vàng đương đầu với nhiều thử thách lớn hơn ngoài xã hội. Quan trọng, con chăm chỉ, không lười biếng là bố mẹ có thể an tâm”, chuyên gia Diễm Quyên nhấn mạnh.

Với ví dụ, cây cảnh được bán trong trạng thái rất nhỏ nhưng hoa và quả đã sum suê, bắt mắt. Tuy nhiên, khi người mua mang về trồng, cây không ra hoa trái được nữa, chuyên gia Diễm Quyên nhắn nhủ: Mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ phù hợp với một sứ mệnh. Tuổi mầm non, đừng mong con học giỏi, hãy mong con biết tương tác nhiều với thiên nhiên, với mọi người xung quanh.

Ở tuổi tiểu học, trẻ cần có kỹ năng tương tác nhiều hơn, bắt đầu cần đáp ứng yêu cầu làm việc có trách nhiệm và động lực. Hãy dạy con cách tư duy, cách tìm hiểu vấn đề, dạy con biết yêu thương và sống có trách nhiệm.

Suốt hơn 2 năm dịch Covid-19 vừa qua, trẻ đã bị hạn chế rất nhiều về quyền được tương tác, dẫn đến kỹ năng xã hội của các con bị giảm đáng kể. Như vậy mới thấy, nếu chỉ chú tâm yêu cầu trẻ học là một sai lầm lớn.

Trong gia đình, bố mẹ tương tác với nhau cũng nên tránh tạo ra áp lực. Đôi khi, không la mắng con nhưng bố mẹ hay cự cãi, chỉ trích nhau, chê bai người khác cũng tạo nên tâm lý tiêu cực cho các con. Có những áp lực ngoài xã hội, bố mẹ mang về nhà cũng vô tình tạo áp lực cho trẻ mà họ không hề hay biết.

Ví dụ: Bố mẹ hãy hỏi con thích học ngành gì? Để con tự lựa chọn. Bạn có thể nói: Mẹ chưa hiểu lắm về ngành này, con có thể nghiên cứu thêm và nói cho mẹ biết lý do.

Sau khi con đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục, bạn có thể gợi ý để con tìm hiểu và so sánh. Điều này tập dượt cho trẻ chủ động với những lựa chọn và quyết định của cuộc đời. Bố mẹ chỉ đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ chứ không nên quyết định thay con. Tuyệt đối đừng chất vấn con, thay vào đó hãy khơi gợi và thể hiện sự đồng cảm bằng ngôn ngữ nhẹ nhàng.

“Hãy giúp con xây dựng một “hệ sinh thái” phù hợp với năng lực và sở trường của con, hỗ trợ con phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mình. Dịch Covid-19 đã tạo ra tác động tiêu cực trong xã hội, kinh tế, ảnh hưởng đến từng gia đình. Những đứa trẻ chủ yếu tương tác với những người trong gia đình và màn hình máy tính cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến trạng thái trầm cảm, rối loạn cảm xúc ở một số trẻ. 
Sứ mệnh của giáo dục ngày nay đã thay đổi. Chúng ta hãy trao sự chủ động cho trẻ. Hãy khéo léo tạo động lực cho trẻ thay vì đè nặng áp lực lên vai con. Sự chạy đua thành tích là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hệ lụy về tâm lý cho trẻ và những hậu quả không thể tồi tệ hơn”. - Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ