Chuyên gia chia sẻ cách cân bằng tâm lý mùa dịch Covid-19

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn cuộc sống thường nhật, khiến nhiều người căng thẳng, sợ hãi, lo lắng về những mất mát cả về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần.

Ảnh minh hoạ/internet.
Ảnh minh hoạ/internet.

Xuất hiện các cảm xúc tiêu cực

Theo TS Trần Thu Hương - Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhân loại có ba kẻ thù lớn: Bệnh tật, nạn đói và chiến tranh. Trong số đó, to lớn và khủng khiếp nhất là bệnh tật.

Cô đơn, hoang mang, hoài nghi về mọi thứ là vấn đề tâm lý cá nhân xuất hiện ngay khi con người phải đối diện với những áp lực đến từ công việc, gia đình hay các mối quan hệ xã hội nói chung.

Dịch bệnh với những yếu tố khó lường, đe dọa tới sức khỏe, tính mạng, sinh kế. Vì thế, việc xuất hiện các cảm xúc tiêu cực này là đương nhiên. Cô đơn, hoảng hốt, bất an phá hủy sức mạnh nội tại của từng cá nhân, nó ảnh hưởng ngay lập tức đến các mối quan hệ gia đình, xã hội và công việc mà cá nhân đang sở hữu.

Chính vì thế, rất nhiều các nghiên cứu về tác động của Covid-19 ở các quốc gia khác nhau, tiếp cận từ góc độ dịch tễ học, y tế công cộng hay chính sách xã hội... đã chỉ ra ảnh hưởng ngay lập tức của dịch bệnh đến các vấn đề sức khỏe tâm thần cá nhân.

Kết quả thu được từ thực tiễn cho thấy, chúng ta cần quan tâm đến cả câu chuyện hậu Covid-19: Các cá nhân còn sống sót đối diện với những đau thương, mất mát, khủng hoảng và sống tiếp những ngày tháng sau này ra sao?

“Thực tế hiện nay là, trong thời gian giãn cách, con người có thể tự phá vỡ hầu hết các giới hạn, các thói quen thường nhật của mình, lúc bận rộn thì ước có những ngày được tự do muốn làm gì thì làm, giờ được “tự do trong giới hạn” thì lại thấy áp lực và chợt nhận ra sự “được – mất” trong cái tự do mà trước đây đã từng mong chờ” - TS Trần Thu Hương bày tỏ.

Cũng theo TS Trần Thu Hương, với một người trưởng thành, công việc, gia đình và tương tác xã hội là ba đích đến có tầm ảnh hưởng sống còn với họ. Giãn cách làm gián đoạn, ngắt con người khỏi các tương tác xã hội, tạo ra những “khoảng lặng trong các mối quan hệ”.

Những khoảng lặng này có thể xuất hiện ngay cả trong những mối quan hệ thân thiết nhất, trong khoảng lặng ấy, bạn cảm thấy mọi thứ chậm lại, tẻ nhạt, chán chường... nhưng nếu tận dụng nó để suy ngẫm: Cùng một vấn đề xảy ra, cách tiếp cận tích cực sẽ đưa đến hành động và thái độ lạc quan, mang lại sự bình yên cho tâm hồn.

Ảnh minh hoạ/internet.

Ảnh minh hoạ/internet.

Không có công thức chung

Theo PGS.TS Bùi Thị Hồng Thái - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), có một điều chắc chắn là khi hoàn cảnh thay đổi, con người cần thay đổi về suy nghĩ, cảm xúc, hành động để có thể vững vàng trước những biến cố không mong muốn.

Nếu không kiểm soát được những thứ bên ngoài, thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát bản thân mình và tăng cường sự hài lòng trong các mối quan hệ gia đình thông qua các hoạt động như:

Thiết lập những thói quen mới lành mạnh và mang tính hỗ trợ lẫn nhau: Cùng chia sẻ thời gian làm các công việc chung (cùng đọc sách, công việc gia đình) hoặc những cách thức cho phép cha mẹ đồng hành cùng nhau (ngồi cùng nhau khi làm việc) và đồng hành cùng con (ngồi cùng con, cha mẹ làm công việc của cha mẹ trong khi con học tập).

Tăng cường sự yêu thương và quan tâm qua những hoạt động như: Thực hành những điều biết ơn trong cuộc sống. Đó không phải là thứ gì quá xa vời, mà sự biết ơn khi mỗi ngày vẫn có người thân yêu bên cạnh, được bình an ở nhà, được liên lạc (dù qua điện thoại) với họ hàng, bạn bè.

Xây dựng thái độ tích cực với vợ/chồng và với con: Vợ chồng chấp nhận sự khác biệt của nhau, cùng đồng hành, sẻ chia với nhau hơn là cố gắng thay đổi nhau; hướng tới sự tha thứ và trò chuyện trực tiếp về hành vi không mong muốn của đối tác hơn là chỉ trích và quy kết đó là bản chất của họ; cha mẹ giao tiếp với con trong sự tôn trọng và thống nhất.

PGS. TS. Bùi Thị Hồng Thái cho rằng, không có công thức chung cho từng cá nhân, từng gia đình cụ thể. Mỗi đặc điểm như cấu trúc gia đình, các điều kiện kinh tế xã hội, tính chất mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái trước dịch bệnh đều có thể trở thành yếu tố nguy cơ hoặc yếu tố bảo vệ các mối quan hệ gia đình trước những biến cố trong cuộc sống.

Do đó, nếu đã cố gắng áp dụng các cách thức khác nhau mà người trong cuộc vẫn cảm thấy bế tắc, khó chịu, không cảm nhận được niềm hạnh phúc trong cuộc sống, hãy nghĩ đến việc tìm kiếm sự trợ giúp của các chuyên gia tâm lý.

Việc có người đồng hành, lắng nghe và giúp bạn khám phá bản thân là điều hữu ích trong tiến trình bạn giảm thiểu những căng thẳng và ra được các quyết định lành mạnh, hiện hữu trong đời sống.

Theo TS Trương Quang Lâm, hạnh phúc gồm có các thành tố nhận thức và xúc cảm được xác định thông qua mức độ vui thích trong các trải nghiệm cuộc sống và mức độ thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người được đáp ứng.

Trẻ hạnh phúc khi được chăm sóc, nhận được tình yêu thương. Khi trẻ có những trải nghiệm tích cực và được đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Những trải nghiệm tích cực cần được thay đổi với hoàn cảnh phải ở nhà, giãn cách xã hội vì đại dịch.

Trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, cần nâng cao cảm nhận hạnh phúc của trẻ như: Những hoạt động tương tác giữa cha mẹ và con: nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, chơi trò chơi… giúp củng cố sự gắn bó cảm xúc giữa cha mẹ và con.

Theo TS Trương Quang Lâm, trẻ hạnh phúc khi cha mẹ hạnh phúc/cân bằng. Bản thân cha mẹ cũng cần cân bằng cảm xúc, cần có những cảm xúc tích cực, bởi cha mẹ cũng chịu những tác động tiêu cực do dịch bệnh, áp lực tài chính, áp lực về công việc, bị bó hẹp các hoạt động... Điều quan trọng là cha mẹ cần nhận ra điều này, vì đại dịch là điều bất khả kháng. Do đó cần điều chỉnh nhận thức để nhận ra những điều có giá trị cho bản thân và cho con trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...