Theo kết quả nghiên cứu công bố hôm 21/10, các chuyên gia đã thống kê dữ liệu môi trường từ London, Birmingham, Bristol, Derby, Liverpool, Manchester, Nottingham, Oxford và Southampton. Đây là những khu vực có mật độ dân cư dày đặc. Theo đó, trong những ngày nồng độ ô nhiễm tăng cao hơn mức tiêu chuẩn hàng năm, trung bình có thêm khoảng 124 ca nhập viện vì tim ngừng đập, 193 ca hen suyễn cả trẻ em và người lớn. Các bệnh nhân mắc tình trạng "sự lưu thông của máu bị đình trệ do kỳ tâm thu của tim rối loạn", một trong những nguyên nhân gây đột quỵ.
Nghiên cứu cũng cho thấy ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của 36.000 người mỗi năm.
Simon Stevens, giám đốc điều hành của Cơ quan Sức khỏe và Phúc lợi Xã hội (NHS England) mô tả ô nhiễm như "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe". Ông nói: "Những số liệu mới cho thấy ô nhiễm không khí đang gây ra hàng nghìn cơn đột quỵ, ngừng tim và hen suyễn. Đây không chỉ là vấn đề về môi trường, nó còn là hồi chuông cảnh báo về sức khỏe".
Nghiên cứu này cũng cho thấy rủi ro lâu dài liên quan đến sức khỏe là chậm hóa sự phát triển của phổi và giảm trọng lượng ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu chỉ ra rằng giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng làm giảm từ 5% đến 7% nguy cơ ung thư phổi.
Tiến sĩ Samantha Walker, Giám đốc bộ phân nghiên cứu và chính sách tại Asthma cho biết: "Nghiên cứu này góp phần làm sáng tỏ những ảnh hưởng nặng nề mà ô nhiễm không khí gây ra".
Các chuyên gia cho rằng những con số được báo cáo có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, vì trên thực tế nhiều người mắc bệnh hen suyễn không có thói quen đến bệnh viện khi lên cơn hen và cố gắng điều trị tại nhà. Hơn nữa, nghiên cứu chỉ tập trung khảo sát cư dân tại 9 thành phố lớn.
Các chuyên gia đề nghị chính phủ cần đưa ra cam kết cụ thể và hành động mạnh mẽ hơn, thực thi những chính sách pháp lý đối với vấn đề ô nhiễm môi trường dựa trên khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.