Bệnh hô hấp 'ưa' giao mùa

Chuyên gia cảnh báo thời điểm trẻ dễ mắc bệnh đường hô hấp

GD&TĐ - Theo chuyên gia, siêu vi gây bệnh đường hô hấp phát triển dễ dàng hơn vào thời tiết lạnh so với mùa nóng.

Thời tiết lạnh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là đối với trẻ em. Ảnh minh họa.
Thời tiết lạnh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là đối với trẻ em. Ảnh minh họa.

Nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập

LTS: Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa là cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi. Bên cạnh đó, những bệnh mạn tính dễ tái phát như hen phế quản, giãn phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính… Lúc này, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp.

Chuyên gia sức khoẻ cho rằng, thay đổi khí hậu vào thời điểm giao mùa khiến nhiệt độ thay đổi thất thường, từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày. Khi sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch bị suy yếu, đây là thời điểm nhiều người dễ mắc các bệnh đường hô hấp.

Bên cạnh đó, virus gây bệnh cảm lạnh dễ dàng phát triển và lan truyền hơn trong điều kiện khí hậu lạnh, ẩm. Đường hô hấp là nơi mà nhiều mầm bệnh dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Do đó, các triệu chứng như ho và ngứa họng rất phổ biến khi thời tiết thay đổi.

Không khí dễ bị tù túng, kém lưu thông do vào mùa lạnh mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường mà ở trong nhà nhiều hơn, đóng các cửa để tránh không khí lạnh xâm nhập. Đây là yếu tố thuận lợi làm các tác nhân vi sinh vật nếu tồn tại trong không khí có khả năng phát triển nhiều hơn. Vào mùa lạnh, ánh sáng mặt trời ít đi cũng là một lý do nữa làm cho vi sinh vật dễ sinh sôi nảy nở hơn nữa.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời điểm giao mùa, nhất là thời tiết chuyển lạnh, trẻ đi học cần có những biện pháp phòng chống các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt cần lưu ý đến nhiễm trùng hô hấp và bệnh hen suyễn.

Nhiễm trùng hô hấp xảy ra ở phổi, ngực, xoang, mũi và cổ họng. Do số lượng vi trùng gia tăng và nhiều người tiếp xúc gần với nhau khiến những vi trùng dễ lây lan hơn, nhất là nơi đông người như trường học.

Hiện, có rất nhiều vi trùng gây bệnh đường hô hấp có thể truyền từ người này sang người khác. Thông thường, bệnh lây do những giọt nước bọt từ người bệnh lúc ho hoặc hắt hơi sang người khác. Lúc này, vô tình chạm vào mũi, miệng hoặc mắt sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm trùng đường hô hấp sẽ lây bệnh.

“Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng hô hấp thường do vi khuẩn hoặc virus. Bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh nhưng virus thì không thể điều trị bằng kháng sinh, mặc dù thuốc kháng virus có thể được sử dụng trong một số trường hợp.

Đối với người bệnh mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mạn tính thì bác sĩ dựa trên các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải để chẩn đoán và điều trị”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Các bệnh điển hình trong nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cảm lạnh thông thường, viêm phổi, viêm xoang mãn tính, viêm phế quản mãn tính, viêm mũi, viêm họng liên cầu khuẩn và cúm…Vì vậy, giáo viên và cha mẹ học sinh cần lưu ý các biện pháp phòng tránh bệnh cho trẻ. Ngoài ra, học sinh trở lại trường cũng là lúc mùa virus vào cao điểm, điều này đặc biệt nếu trẻ hen suyễn.

Theo các chuyên gia, khi chuyển lạnh là thời điểm tồi tệ nhất đối với trẻ em mắc bệnh hen suyễn do trẻ phải tiếp xúc với nhiều loại virus bệnh đường hô hấp. Bệnh thường bùng phát vào cuối tháng 8 và tháng 9. Đó là nhiễm virus có tỷ lệ cao trong cộng đồng, đặc biệt vào mùa thu và mùa đông.

Trong suốt sự thay đổi của các mùa, trẻ hen suyễn có thể bị các dị ứng khác nhau, tùy thuộc vào thụ phấn và nở hoa của các loại hoa và cỏ khác nhau. Phản ứng dị ứng hoặc kết hợp với các yếu tố môi trường khác như virus, ô nhiễm trong nhà và ngoài trời... đều có thể khởi phát cơn hen suyễn.

Không tự ý điều trị

Thời tiết lạnh làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Chính vì thế ngay cả những người khỏe mạnh cũng không được chủ quan với sức khỏe của mình. Cần biết cách bảo vệ, giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống ưu tiên các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời - Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng.

Cô Nguyễn Hương Lan, nhân viên y tế Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội) khuyến cáo, để phòng chống các bệnh về hô hấp khi thời tiết chuyển lạnh, học sinh cần lưu ý tránh sử dụng nước lạnh có đá. Khi phải thường xuyên dịch chuyển hoặc thay đổi thời tiết, cần giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, nhất là cổ, ngực, gan bàn chân.

Buổi chiều đi học về tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, tắm xong phải lau người thật khô rồi mặc quần áo sạch. Trẻ cũng cần tránh quạt máy, máy lạnh, thức khuya. Cùng với đó là chế độ ăn uống và thể dục điều độ, tăng cường rau xanh và uống nhiều nước hoa quả. Vệ sinh họng, miệng như đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy,…

Còn theo bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, nhiều người vẫn có thói quen tự ý mua thuốc trong đó có cả thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh đường hô hấp. Nguy hại hơn, nhiều người còn sử dụng đơn thuốc cũ dù không có chỉ định của bác sĩ để uống. Điều đó dẫn đến làm tăng khả năng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh trong cộng đồng. Những người không may mắc bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều trị.

Vậy nên, khi có các triệu chứng của bệnh, không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh mà phải đi khám bệnh và được bác sĩ kê đơn thuốc. Việc làm này vừa tránh cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, lại vừa tránh lây bệnh của mình sang những người xung quanh.

Ngoài ra, khi đi ngoài trời cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh. Giữ môi trường không khí trong nhà và trường học sạch sẽ. Thường xuyên vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm khuẩn răng miệng, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp và gây bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ