Thời điểm trẻ dễ bị các bệnh đường hô hấp 'tấn công'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để tránh viêm đường hô hấp ở trẻ, cha mẹ cần để nhiệt độ điều hòa thích hợp khi ngủ. Ngoài ra, điều hoà cũng cần được bật ở chế độ đảo gió, không để đúng hướng vào trẻ.

Trẻ cần được đưa đi khám ngay nếu sốt cao kéo dài trên 3 ngày.
Trẻ cần được đưa đi khám ngay nếu sốt cao kéo dài trên 3 ngày.

Thay đổi thói quen dùng điều hoà

Mùa hè nóng bức nên nhiều gia đình thường bật điều hòa nhiệt độ thấp, quạt mạnh khi ngủ. Đáng nói, quạt và điều hòa thường được mở suốt đêm. Nhiệt độ thấp có nguy cơ dẫn đến viêm họng.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn cả trẻ nhỏ. Ngoài ra, trẻ vui chơi vào mùa hè cũng thường ra nhiều mồ hôi, có thể gây viêm phổi và đường hô hấp.

Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Khoa Nhi, Bệnh viện Quân y 103, ho và sụt sịt là biểu hiện của viêm đường hô hấp trên mà trẻ thường gặp (viêm mũi họng cấp, viêm amidan,…). Khi sức đề kháng giảm, không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn. Từ đó, dẫn đến viêm đường hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi).

“Ho là phản xạ sinh lý của trẻ nhằm tống chất dịch, đờm trong họng ra ngoài. Đó là một phản xạ tốt, nhưng ho quá nhiều lại có hại. Khụt khịt là do tắc nghẽn ở mũi (hô hấp trên). Chỉ cần rửa mũi là hết. Khò khè do tắc nghẽn đường hô hấp dưới, nguy hiểm hơn, cần theo dõi ở trẻ”, bác sĩ Cường giải thích.

Chuyên gia khuyến cáo, trẻ cần được đưa đi khám ngay nếu sốt cao kéo dài trên 3 ngày, không đáp ứng với hạ sốt, khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Một số dấu hiệu nguy hiểm khác gồm: Đau bụng, nôn trớ nhiều, tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy, máu..., không bú, uống và ăn.

Để tránh viêm đường hô hấp ở trẻ, bác sĩ Cường cho biết, cha mẹ cần cho bé thay đổi thói quen dùng điều hòa. Cụ thể, nên để nhiệt độ thích hợp. Đây là nhiệt độ giúp con ngủ thoải mái. Trẻ cũng cần mặc áo mỏng để ngủ. Ngoài ra, điều hoà cũng cần được bật ở chế độ đảo gió. Lưu ý, không để đúng hướng điều hoà vào trẻ.

Phụ huynh cũng được khuyến cáo đặt một chậu nước trong phòng. Bởi, điều hoà làm khô không khí trong phòng, gây khô da và chảy máu cam khi ngoáy mũi. Sau khi tắt điều hòa, nên mở cửa để thay đổi gió. Nếu trẻ khụt khịt, cha mẹ cần rửa mũi cho bé bằng muối biển sâu và nước muối. Áp dụng phương pháp này 2 - 3 lần/ngày, ko nên lạm dụng.

“Nếu nước mũi đặc trong, nhỏ NaCl 0,9%, Otriven. Nếu nước mũi đặc xanh, vàng, nhỏ Nemydexa, Mepoly… Những thuốc này cần được bác sĩ kê, không được tự dùng”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Đặc biệt, cha mẹ có thể hút mũi cho bé nếu dịch mũi nhiều. Tuy nhiên. cần lưu ý không hút bằng miệng. Trong trường hợp ho, các bé lớn có thể dùng chanh mật ong, gừng - mật ong…, uống nước ấm nhiều ngụm để giúp loãng đờm. Nếu tình trạng ho không đỡ, cần dùng giảm ho. Khi đờm nhiều, cha mẹ cho trẻ dùng khí dung nước muối 3%, uống nước ấm, vỗ rung…

Đồng thời, phụ huynh có thể giúp bé nâng cao miễn dịch thông qua vắc-xin. Trong đó, gồm tiêm đủ các mũi vắc-xin theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Đồng thời, tiêm thêm các mũi như phế cầu, Hib, Viêm gan…

Lấp đầy “khoảng trống miễn dịch”

Theo bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng - Giảng viên Trường Đại học Y dược TPHCM, hiện nay có thể là thời điểm mệt mỏi nhất với các bé. Bởi, thời điểm này là lúc trẻ ốm nhiều hơn. Các bệnh như viêm hô hấp, viêm mũi họng, tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp... đều có khuynh hướng tăng đáng kể.

Tuy nhiên, bác sĩ Tưởng cho biết, không có trẻ nào lớn lên mà không bệnh. Đặc biệt, từ 6 tháng đến 5 tuổi là thời điểm hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh. “Chúng ta thường hay gọi là ‘khoảng trống miễn dịch’ cần được lấp đầy.

Ông bà ta thường gọi là ‘đốt 3 tuổi’. Ở giai đoạn này, chính là lúc các con sẽ bắt đầu tự lực xây dựng đề kháng của mình thông qua dinh dưỡng, tiêm ngừa và mỗi lần đối phó với bệnh tật”, bác sĩ Tưởng giải thích.

Theo bác sĩ Tưởng, câu hỏi mà các phụ huynh đặt ra nhiều nhất trong thời điểm này là: Làm sao để lấp đầy khoảng trống miễn dịch của trẻ để bé giảm bệnh vặt. Chuyên gia cho biết, hệ thống phòng thủ sẽ đạt hiệu quả nếu phụ huynh khuyến khích trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn.

Đồng thời, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nhiều rau củ quả để tăng các vitamin khoáng chất như vitamin A, D, E, C, kẽm và sắt cũng như chất xơ. Nhờ đó, giúp phát triển lợi khuẩn đường ruột - nơi chiếm hơn 70% tế bào miễn dịch. Ngoài ra, tiêm ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng quốc gia cũng góp phần giúp hệ miễn dịch khoẻ mạnh hơn.

“Một điều cực kỳ quan trọng để giúp hệ miễn dịch của trẻ khoẻ mạnh là không lạm dụng thuốc khi bị bệnh. Việc sử dụng kháng sinh, kháng viêm corticoid không đúng chỉ định hoặc nếu khi có chỉ định mà dùng không đúng liều, đúng ngày sẽ làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, nhiều hệ cơ quan khác của các bé”, bác sĩ Tưởng cảnh báo.

Theo chuyên gia này, hiện nay không ít phụ huynh tự ý ra nhà thuốc mua cho con hoặc nghe lời hướng dẫn trên mạng. Ngoài ra, một số cha mẹ do lo lắng nên cho trẻ khám nhiều bác sĩ khác nhau, thường xuyên thay thuốc. Tuy nhiên, bác sĩ Tưởng cho rằng, đây là hành động không cần thiết và gây nguy hiểm.

“Hãy thật bình tĩnh. Đúng là các con hay bệnh, nhưng đa phần ở thể nhẹ. Việc của chúng ta là nên kiên nhẫn theo dõi, chú ý những dấu hiệu chuyển nặng của từng bệnh cụ thể để đi khám và can thiệp kịp thời. Đây mới chính là cách lấp đầy khoảng trống miễn dịch một cách thông minh và khoa học nhất”, bác sĩ Tưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ