PGS. TS Nguyễn Công Khanh chia sẻ rằng: Giáo Sư Howard Gardner (Đại học Harvard - Mỹ) từng nhận định: "Mỗi trẻ em thông minh theo những kiểu khác nhau. Có 8 kiểu thông minh phổ biến mà trẻ thường sở hữu: Thông minh về ngôn ngữ, thông minh về logic toán, thông minh về tri giác không gian, thông minh về vận động - điều khiển cơ thể, thông minh về nội tâm, thông minh về xã hội - giao tiếp với người khác và thông minh về tự nhiên.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, mỗi kiểu thông minh là một cách sử dụng não bộ khác nhau. Mỗi kiểu thông minh đều có thể được phát triển tùy thuộc vào sự tương tác tích cực của trẻ với môi trường sống xung quanh. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng là giáo viên và phụ huynh cần tìm đúng phương pháp để hỗ trợ và nuôi dưỡng các kiểu thông minh này ngay từ khi trẻ ở lứa tuổi mầm non."
Các luận điểm khoa học về sự phát triển của trẻ đều chỉ ra rằng, mỗi trẻ em là một chủ thể tích cực và sự phát triển nhận thức của trẻ không đơn giản là sự lập trình được mã hóa trong Gen, không diễn ra đồng đều, tốc độ phát triển cũng không giống nhau và phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ kịp thời của người lớn.
Trẻ em phát triển nhờ vào 2 yếu tố quan trọng là: Sự chín muồi sinh học - sự phát triển của não bộ (Sự phát triển theo một chương trình được mã hóa trong gen - di truyền) và sự phát triển của các quá trình tâm lý (phát triển nhờ các tương tác văn hóa xã hội - không do di truyền).
PGS. TS Nguyễn Công Khanh cho rằng, để "kích hoạt" phát triển não bộ tối đa cho con, cách tối ưu nhất là cha mẹ hãy làm bạn với con để hiểu rõ nhu cầu phát triển của bé, chơi cùng con để kích hoạt tối đa tiềm năng của trí não. Tham gia các hoạt động vui chơi cùng người lớn, cùng trẻ khác có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của trẻ trong độ tuổi mẫu giáo.
Ảnh minh họa |
Các nguyên tắc: Dạy con khôn ngoan mà không gian nan
- Cha mẹ hãy tự vấn mình: Quan điểm quản lý, kiểm soát con? Những điều bạn mong muốn về con? Bạn đã thực sự hiểu mong muốn của con chưa?... Trả lời các câu hỏi này sẽ giúp cha mẹ tìm ra phương pháp hợp lý để giúp trẻ phát triển.
- Hãy lắng nghe để hiểu trẻ: Luôn lắng nghe để trẻ cảm thấy chúng được tôn trọng. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ trao đổi những chuyện ở lớp, ở nhà, nêu nguyện vọng... Nhớ đừng vội bác bỏ những ý kiến của trẻ để nuôi dưỡng tự tin.
Hãy cho trẻ cơ hội trình bày vấn đề của mình và tỏ ra chăm chú lắng nghe và hòa cảm xúc của mình với cảm xúc của trẻ, tránh đưa ra lời khuyên hay cách giải quyết vấn đề ngay lập tức.
- Hãy biểu lộ sự cảm thông với trẻ: Không vội phán xét, cần hiểu được những suy nghĩ, tình cảm của trẻ và trải nghiệm những gì trẻ đang trải nghiệm. Việc này giúp cha mẹ hiểu được cảm xúc của trẻ thông qua nét mặt, ánh mắt, cử chỉ....
- Tạo môi trường an toàn để trẻ vận động thỏa sức. Tăng cường vận động cũng là một cách tăng tính độc lập và năng động ở trẻ.
- Tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế để phát huy tối đa khả năng quan sát và phát triển các giác quan.
- Tránh áp đặt và nên để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, từ đó giúp trẻ nhận ra giá trị bản thân.