Mấy ngày qua, người dân Khánh Hòa, nhất là những ai có quê ở Dốc Lết, thị xã Ninh Hòa và những du khách từng một lần đến đây đều hết sức quan ngại trước việc UBND thị xã Ninh Hòa cho xây bờ kè chắn sóng dài gần 1km dọc theo bờ biển này. Nhân danh “bảo vệ khu dân cư”, một con đê bằng bê tông cao 2m dài 720m đã mọc lên khu vực bãi biển Dốc Lết - nơi được xem như một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam.
Sở dĩ gọi nó “đẹp nhất” là do đặc thù của bãi biển này không phải nằm ở cửa sông nên không bị bùn làm vẩn đục, hai bên bờ biển là hai mỏm núi, lại nằm trọn trong vịnh Vân Phong, được dãy núi phía trước mặt che chắn nên không có sóng lớn. Bờ biển có cát trắng mịn, lại thoai thoải nên rất phù hợp cho du khách đến nghỉ dưỡng và tắm biển.
Lý giải cho việc xây kè này, lãnh đạo phường Ninh Hải - nơi có biển Dốc Lết - nói rằng, hàng năm, vào mùa mưa bão, thủy triều luôn đe dọa 300 hộ dân tại khu dân cư số 1 và 2 của phường. Có năm, chính quyền phải sơ tán dân mỗi khi có triều cường và gió lớn.
Bảo vệ 300 hộ dân mà tốn 88 tỉ đồng để làm bờ kè 720m thì cũng không có gì là đắt cả. Đó là lý lẽ của chủ đầu tư nhưng cái lý của nhà khoa học như PGS.TS Vũ Thanh Ca - một chuyên gia về biển thì không nhất trí với phương án bê tông bờ biển như thế.
Theo ông Ca, hiện tượng triều cường gây xói lở bờ biển là chuyện của ngàn đời nay chứ không phải hôm nay mới có. Có thể mùa biển động năm nay, doi cát đó bị biển mang đi nhưng chỉ vài năm sau, biển sẽ trả lại những gì nó đã lấy đi trước đó.
Hơn nữa, biển Dốc Lết nằm lọt trong vùng kín gió nên tình trạng xói lở là không đáng kể. Vì vậy, việc bê tông hóa một bờ biển đẹp như Dốc Lết, vô hình trung chúng ta phá vỡ cảnh quan của khu du lịch.
Du khách đến Dốc Lết, nhất là khách quốc tế, không chỉ là để tránh rét hoặc trốn nóng mà là để thưởng ngoạn một bờ biển hoang sơ hiếm hoi trên dải đất hình chữ S này. Du khách rất dị ứng với sự can thiệp thô bạo của con người vào cảnh quan tự nhiên.
Việc hình thành một bờ kè phản cảm ở Dốc Lết sẽ làm phương hại đến du lịch, ảnh hưởng đến nguồn thu hơn là để bảo vệ vài chục hộ dân, trong khi vẫn có thể tìm một giải pháp khác vừa bảo vệ được dân lại vừa giữ được bờ biển.
Phương án khả dĩ nhất là, chuyển 10 gia đình có nhà bị “đe dọa” vào sâu hơn vì ở vùng này quỹ đất còn nhiều, đồng thời nghiên cứu trồng nhiều dừa và hình thành rừng dương ven biển vừa tạo cảnh quan vừa bảo vệ được đất khỏi bị biển xâm lấn.
Số tiền cho phương án này chắc chắn là không thể tốn đến 88 tỉ như làm bờ kè mà vẫn giữ được nguyên bản của bờ biển. Có thể chủ đầu tư cũng đã tính toán đến phương án này rồi nhưng phương án mà họ ưng ý không hẳn là tìm giải pháp tốn ít tiền nhất!