Kè bảo vệ tại Dốc Lết phá vỡ cảnh quan bãi biển?

GD&TĐ - TS Vũ Thanh Ca lo lắng việc xây dựng kè bảo vệ bờ sẽ phá hoại bãi biển tự nhiên rất đẹp tại Dốc Lết (Khánh Hòa).

Một đoạn kè bảo vệ bờ tại Dốc Lết đang xây dở.
Một đoạn kè bảo vệ bờ tại Dốc Lết đang xây dở.

Xây kè ở Dốc Lết là không phù hợp

PGS.TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Chuyên gia của Hội đồng cấp cao thế giới về một nền kinh tế đại dương bền vững vừa chia sẻ lo lắng với thông tin tỉnh Khánh Hòa xây dựng kè bảo vệ bờ tại Dốc Lết.

Ông Ca cho biết, ngày 30/7, ngay khi biết Khánh Hòa triển khai làm kè bảo vệ bờ biển ở Dốc Lết, ông đã gửi thư kiến nghị đến lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đề xuất dừng lại dự án. “Rất tiếc là cho đến nay vẫn chưa có bất cứ phản hồi nào về đơn của tôi và việc thi công bãi biển Dốc Lết vẫn đang được tiếp tục thực hiện”, ông Ca nói.

Lý do để PGS.TS Vũ Thanh Ca phản đối việc xây kè bảo vệ bờ biển tại Dốc Lết là lo ngại những tác động xấu tới cảnh quan môi trường với một bãi biển đẹp nổi tiếng ở Khánh Hòa. Bãi biển Dốc Lết có cảnh quan đẹp, là một tài sản vô giá thiên nhiên ban tặng cho Khánh Hòa. Bãi biển Dốc Lết nằm ở bờ biển vịnh Vân Phong, chịu ảnh hưởng của một phần sóng truyền trực tiếp từ ngoài vào, một phần sóng khúc xạ, nhiễu xạ.

TS Ca cho biết, về mặt hình thái, đây là một bãi biển được hình thành giữa hai mỏm đá, có dạng uốn cong như hình mặt trăng nên thuật ngữ quốc tế gọi bãi này là bãi biển nửa vầng trăng.

Đối với các bãi này, sóng biển truyền từ ngoài khơi vào qua cửa vịnh Vân Phong sẽ lại bị điều khiển bởi hai mỏm đá ở hai đầu bãi nên truyền vào bờ theo hướng gần như vuông góc với hướng đường bờ biển tại mọi vị trí trên bãi. Sóng có hướng truyền này không gây ra vận chuyển cát dọc theo bãi, do vậy, không làm mất cát ở bãi biển một cách liên tục theo thời gian.

Với kiểu bãi biển như Dốc Lết, sóng truyền theo hướng vuông góc với bờ sẽ chỉ gây biến động bãi biển theo mùa. Vào mùa đông, sóng lớn tạo nước dâng do sóng kết hợp với triều cường sẽ nạo vét cát gần bờ, gây xói bãi.

Cát do sóng nạo vét gần bờ sẽ được sóng đưa ra bên ngoài, lắng đọng và tạo thành các doi cát song song với bờ. Vào mùa hè, sóng lừng từ ngoài khơi truyền vào sẽ bồi lại bãi.

Ông Ca cho biết, trong báo cáo Dự thảo danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển của tỉnh Khánh Hòa do Viện Nghiên cứu biển và hải đảo thực hiện năm 2018 cũng cho thấy, các bãi của tỉnh Khánh Hòa bị xói lở vào mùa đông sẽ bồi lại rất nhanh, thậm chí trong 2 đến 3 ngày, vào mùa hè.

Hiện nay, bờ biển Việt Nam có nhiều đoạn bị xói lở nghiêm trọng. Ngoài tác động (cho đến nay là chưa lớn) của biến đổi khí hậu, xói lở bờ biển ở Việt Nam chủ yếu là do các đập thủy điện, thủy lợi thượng nguồn chặn bùn cát chảy ra biển. Do xây dựng các công trình mà không tính toán tới hậu quả cho các vùng xung quanh nên gây thiếu hụt bùn cát cục bộ dẫn tới xói lở bờ biển.

Khu vực vịnh Vân Phong không có sông lớn nào chảy ra nên tác động của thượng nguồn (do xây các hồ thủy điện, thủy lợi) không có. Vì vậy, biến động về bùn cát tải ra biển hầu như không có và rủi ro xói lở trong tương lai là rất nhỏ, nếu không muốn nói là hầu như không có.

Tốn tiền, giảm giá trị của bãi biển đẹp

Bãi biển Dốc Lết được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp tuyệt vời. Ảnh minh họa.

Bãi biển Dốc Lết được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp tuyệt vời. Ảnh minh họa.

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới cho thấy, tùy vào cấp hạt cát ở bãi, các bãi cát có thể tiêu tán từ 80% đến 95% năng lượng sóng. Cát ở bãi Dốc Lết khá mịn nên có khả năng tiêu tán năng lượng sóng tới hơn 90%.

Trong khi đó, công trình kè biển thường chỉ tiêu tán được khoảng 20% đến 50% năng lượng sóng. Nếu xây dựng công trình kè biển, khi sóng tới công trình nó sẽ bị phản xạ và sóng phản xạ kết hợp với sóng tới sẽ tạo ra trường sóng rất mạnh trước công trình, làm hạ thấp bãi, phá hoại bãi cát và trong tương lai sẽ gây xói lở mạnh hơn.

Với lý do các kè phản xạ sóng và làm gia tăng xói lở, các công trình bảo vệ bờ biển trên thế giới từ 30 năm trước cho tới nay đều tập trung vào bảo vệ bãi cát (bảo vệ mặt) thay cho làm kè (bảo vệ đường), PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, việc đầu tư xây dựng kè biển tại bãi Dốc Lết khó có khả năng làm gia tăng xói lở do sóng ở đây không mạnh và truyền vào bờ theo hướng vuông góc với đường bờ.

Nhưng việc xây dựng kè biển sẽ làm mất tính chất tự nhiên của bãi, và do vậy làm giảm giá trị của một bãi cát phục vụ tắm biển đi rất nhiều. Ngoài ra, xây dựng kè biển sẽ không có giá trị gì để ngăn xói lở bãi biển tại Dốc Lết. “Việc xây kè tại bãi Dốc Lết vừa tốn tiền, vừa làm giảm giá trị của bãi và giảm sức hấp dẫn du lịch của bãi”, ông Ca nói.

PGS.TS Vũ Thanh Ca kiến nghị lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa xem xét, cho dừng ngay việc xây dựng công trình kè bảo vệ bờ tại bãi biển Dốc Lết. Cần xem xét, kết hợp với một đơn vị nghiên cứu khoa học nghiên cứu về các quá trình động lực, vận chuyển bùn cát, xói lở và bồi tụ bờ biển tại bãi biển Dốc Lết nhằm tìm ra giải pháp tốt nhất bảo vệ bãi biển này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...