Tại cuộc họp cuối cùng trong năm vừa diễn ra gần đây, Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đã quyết định không tăng lãi suất chiết khấu, diễn biến trên khiến nhiều nhà phân tích bối rối, bởi quyết định này là khá bất ngờ trong bối cảnh lạm phát tiếp tục gia tăng.
Theo ghi nhận, tỷ lệ lạm phát cơ bản hiện đã ở mức cao - lên đến 21%, điều này đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế Nga.
Trong bối cảnh đó, một số nhà phân tích thậm chí còn dự đoán một cuộc suy thoái mà theo quan điểm của họ, có thể bắt đầu vào năm tới.
Ngược lại, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ đó là tại sao việc thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian dài như vậy của Ngân hàng Trung ương Nga không mang lại kết quả rõ ràng nào?
Trước tình hình trên, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Tài chính Quốc tế - ông Vladimir Rozhankovsky đã lên tiếng và đưa ra nhận xét của mình về những gì đang xảy ra.
Theo ông Rozhankovsky, việc tăng lãi suất nhằm nâng cao sức hấp dẫn của đồng tiền quốc gia so với các ngoại tệ khác (bao gồm cả đồng đô la Mỹ). Tình trạng này thu hút các nhà đầu tư, cung cấp thêm dòng vốn vào nền kinh tế đất nước.
Đổi lại, nước Nga ngày nay đang ở trong cái gọi là “sự cô lập về kinh tế”. Sự gia tăng nguồn cung mà người đứng đầu Ngân hàng Trung ương - bà Nabiullina đang nói đến trên thực tế là không thể, vì lý do đồng rúp hiện tồn tại trong một hệ thống khép kín.
Kết quả là phần lớn nguồn cung tiền được thực hiện thông qua tiêu dùng, điều này chỉ làm tăng lạm phát, và một phần khác đi vào tiền gửi trong ngân hàng chứ không chảy vào các lĩnh vực thực của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh đó, nguồn cung tiền từ tiền gửi với lãi suất cao ngày càng lớn, trong khi nguồn cung hàng hóa không thể tăng do gặp khó khăn trong việc mở rộng năng lực hiện có, bao gồm cả nguyên nhân từ các khoản vay "đắt tiền" càng khiến lạm phát tại Nga tăng mạnh, đây là một vòng lặp mà Moskva phải nỗ lực tháo gỡ.