Chuyện đời thường nhưng hóa phi thường về người thầy đặc biệt Nguyễn Ngọc Ký

GD&TĐ -Trong những dòng hồi ức của bạn bè, học trò, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký là minh chứng rõ nét nhất về quyết tâm và nghị lực phi thường của con người.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký làm việc lúc còn đương thời.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký làm việc lúc còn đương thời.

Sau nhiều năm kiên cường chiến đấu với bệnh suy thận, Nhà văn, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người thầy đầu tiên viết chữ bằng chân vừa qua đời tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 75 tuổi.

Suốt cả cuộc đời mình, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò. Những câu chuyện về thầy cũng được đưa vào sách giáo khoa và trở thành biểu tượng của lòng kiên trì, nghị lực và ý chí học tập suốt đời.

Từ một cậu bé gầy gò ngày ngày quặp viên gạch non đưa từng nét nguệch ngoạc trên sân để tập viết, với nỗ lực tuyệt vời, Nguyễn Ngọc Ký trở thành một thầy giáo được nhiều người ngưỡng mộ. Cuộc đời ông là minh chứng rõ nét nhất về quyết tâm và nghị lực phi thường của con người.

Không bao giờ để mình thành… đặc biệt

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và các bạn học gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm ngày ra trường.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký và các bạn học gặp mặt nhân kỷ niệm 45 năm ngày ra trường.

Một ngày cuối tháng 9/2022, tại một căn phòng nhỏ yên tĩnh tại Khu tập thể Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), tôi có dịp được nghe nhà báo Nguyễn Thế Khoa chia sẻ những kỷ niệm của ông với thầy Nguyễn Ngọc Ký.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa nói rằng, dù đã nhiều năm trôi qua nhưng ông vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm thời còn học chung đại học với thầy Nguyễn Ngọc Ký.

Thuở ấy, trong số hơn 80 người học tập tại lớp K11 (Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội) khóa 1966 – 1970, Nguyễn Ngọc Ký là chàng thanh niên đặc biệt hơn cả. Ngoài việc viết chữ bằng chân rất nhanh và đẹp, Ký còn gây ấn tượng với người đối diện bằng dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt thư sinh với đôi mắt sáng và vầng trán rộng.

“Trước đó, tôi cũng đã được đọc và biết đến anh Nguyễn Ngọc Ký qua sách báo. Tôi cảm thấy rất kỳ lạ bởi tại sao một con người lại có nghị lực phi thường như vậy!? Tuy nhiên, khi anh ấy bước vào lớp, không chỉ bản thân tôi mà tất cả mọi người đều ngạc nhiên và hào hứng. Lúc ấy, tôi đã quá bất ngờ bởi không thể tin được anh ấy sẽ là bạn học của mình trong suốt 4 năm học tại trường”, nhà báo Nguyễn Thế Khoa hồi tưởng lại.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa cũng chia sẻ rằng: “Anh Ký có vô số những điều đặc biệt nhưng điều đặc biệt nhất là anh ấy không bao giờ làm cho mình trở nên đặc biệt”. Ngày ấy, cũng giống như các lớp khác trong trường, những thành viên trong lớp K11 đều phải phụ trách trực nhật, dọn vệ sinh lớp học, sân trường.

Với đôi tay không thể cử động được, Nguyễn Ngọc Ký được các bạn ưu tiên không phải làm công việc này. Trước lời đề nghị của các bạn, Ký chỉ mỉm cười và đáp lại: “Cái này tôi làm được!”. Và rồi, Ký thực hiện được thật, tất cả chỉ bằng đôi chân kỳ diệu của mình. Chàng trai dùng chân nẹp hết tất cả mọi thứ cần thiết để trực nhật và hoàn thành công việc được giao.

Không chỉ việc trực nhật, Nguyễn Ngọc Ký có thể làm được hầu như tất cả mọi thứ bằng đôi chân. Đó là từ việc vệ sinh cá nhân, tắm rửa, thêu thùa và cả làm chổi. “Anh Ký muốn được sinh hoạt, học tập như một người sinh viên bình thường. Dần dần, chúng tôi cũng quên bẵng đi rằng anh ấy bị khiếm khuyết đôi tay”, nhà báo Nguyễn Thế Khoa nói.

Nụ cười lúc nào cũng… sẵn trên môi

Với đôi chân, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có thể làm được mọi việc.

Với đôi chân, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký có thể làm được mọi việc.

Trong thời gian học cùng nhau, ngoài thành tích học tập ấn tượng, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký còn ghi dấu ấn trong lòng nhà báo Nguyễn Thế Khoa là một người hiền lành với nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi. Cái tính cách mà theo như nhà báo Nguyễn Thế Khoa nói là “chẳng một ai có thể ghét được”.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa dẫn chứng cho tôi nghe về một câu chuyện để thấy được tính cách hồn hậu của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Theo đó, những ngày đầu học tập trên giảng đường đại học, để tránh sự chú ý của các bạn, Nguyễn Ngọc Ký thường chọn vị trí dưới cuối lớp để nghe giảng. Cậu thường xếp 2 chiếc ghế gỗ lại với nhau để có thể viết được bằng chân.

Cảm thông với hoàn cảnh của Ký, các bạn trong lớp đã hô hào nhau gom góp gỗ và đóng cho cậu một chiếc bàn. Với chiếc bàn này, Ký sẽ thuận lợi hơn trong việc ngồi trên đó và dùng chân để ghi ghép lại những bài giảng của thầy cô.

Tiết học hôm đó, một thầy giáo mới dạy môn Ngôn ngữ vào nhận lớp. Khi tất cả đứng lên chào và ngồi xuống, người thầy giáo phát hiện Nguyễn Ngọc Ký ngồi trên bàn. Chưa biết về hoàn cảnh của Ký nên ông cho rằng việc làm này là hỗn, vô lễ với thầy giáo.

Những lời chỉ trích cũng như án phạt dành cho Nguyễn Ngọc Ký sắp được đưa ra thì lớp trưởng đã đứng lên trình bày về hoàn cảnh của Ký. Thầy giáo sau đó đã xuống tận nơi, hỏi thăm Ký và gửi đến cậu một lời xin lỗi. Đáp lại, Ký chỉ cười, nụ cười rất đỗi hiền lành. Về sau, để thuận tiện cho việc học tập, Nguyễn Ngọc Ký được các bạn chuyển lên ngồi trên đầu.

“Khiếm khuyết cơ thể là thế nhưng Nguyễn Ngọc Ký lại là một trong số những người có thành tích học tập tốt nhất trong lớp. Tiểu luận, khóa luận dù phải dùng chân để viết nhưng nét chữ của anh ấy to, tròn, và sạch sẽ. Trang đầu tiên đến trang cuối cùng nét chữ cũng đều đặn như nhau”, nhà báo Nguyễn Thế Khoa kể lại.

Sống một đời ý nghĩa

Năm 1970, sau khi ra trường, lớp K11 mỗi người một ngả, mọi người cũng mất liên lạc với nhau từ đó. Nhà báo Nguyễn Thế Khoa cùng nhiều người khác chọn con đường vào chiến trường. Chàng trai Nguyễn Ngọc Ký may mắn gặp được Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

“Trong cuộc nói chuyện với anh Ký, Thủ tướng khuyên anh ấy nên về lại quê mà dạy học. Đó được xem là cái nghề tốt nhất cho anh ấy. Khi dạy học, anh ấy sẽ trở thành một tấm gương cho thế hệ trẻ. Từ tấm gương của anh ấy sẽ nhân lên nhiều những tấm gương khác để lớp trẻ học được nghị lực, ý chí vượt qua số phận và vững tin vào cuộc sống”, nhà báo Nguyễn Thế Khoa chia sẻ.

Sau này, qua sách báo, nhà báo Nguyễn Thế Khoa biết Nguyễn Ngọc Ký đã trở về quê nhà Hải Hậu để dạy học. Tuy nhiên, do thời đó, phương tiện giao thông chưa phát triển nên dù rất nhớ nhưng ông vẫn không thể về Hải Hậu để gặp lại bạn mình.

Năm 1995, lớp K11 tổ chức họp lớp, đây cũng là dịp nhà báo Nguyễn Thế Khoa gặp lại người bạn thân Nguyễn Ngọc Ký sau nhiều năm xa cách. Ông Khoa kể rằng, sau lần gặp đó, mọi người nối lại liên lạc và thường tổ chức gặp mặt ở ngoài Bắc. Thầy Nguyễn Ngọc Ký lúc này đã chuyển vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh nhưng khi có họp lớp ông lại đi máy bay để ra và chưa lần nào vắng mặt.

“Gặp lại, thấy anh Ký vẫn khỏe mạnh, thành công, chúng tôi vui lắm. Trước đã biết sức học của anh ấy rồi nhưng vẫn còn băn khoăn không biết ra trường anh ấy sẽ làm việc thế nào khi đôi tay không thể hoạt động. Thế rồi những thành công, vinh quang đều được anh ấy dùng chân để hái lấy. Thật là một con người giàu nghị lực”, nhà báo Nguyễn Thế Khoa chia sẻ.

Từ năm 2015 (gặp mặt kỷ niệm 45 năm ngày ra trường) đến nay, nhà báo Nguyễn Thế Khoa chưa có dịp gặp lại thầy Nguyễn Ngọc Ký nhưng ông vẫn thường xuyên liên lạc, cập nhật tin tức về người bạn cùng lớp. Thời điểm hay tin người bạn Nguyễn Ngọc Ký không còn nữa, nhà báo Nguyễn Thế Khoa nói với tôi rằng ông không quá bất ngờ bởi đã biết trước được tình trạng bệnh tật của bạn.

“Anh Ký bị suy thận, 1 tuần phải vào viện chạy thận đến 3 lần. Suốt nhiều năm qua nhưng anh ấy vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật. Đặc biệt là nụ cười và tinh thần lạc quan vẫn luôn hiện hữu dù biết thân thể đã suy kiệt. Anh ấy đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. Tôi nghĩ rằng nhiều và rất nhiều năm sau nữa, câu chuyện về anh Ký vẫn là ví dụ kinh điển nhất về nghị lực phi thường của con người”, nhà báo Nguyễn Thế Khoa tâm sự.

Người thầy bước ra từ trang sách

Nhà văn Bình Nguyên Trang chụp ảnh cùng người thầy đáng kính.

Nhà văn Bình Nguyên Trang chụp ảnh cùng người thầy đáng kính.

“Vĩnh biệt thầy kính yêu. Con không bao giờ quên những tháng năm ở vùng quê nghèo, dưới mái trường năng khiếu thầy trò phải thắp đèn dầu học. Những bài giảng của thầy lấp lánh ánh sáng của văn học thi ca cũng như tình yêu cuộc sống và tinh thần lạc quan bất tận vượt lên mọi nghịch cảnh truyền cho chúng con.

Khi nào còn chút than vãn trước sóng gió cuộc đời, con thường nghĩ về nụ cười vô sự của thầy. Thầy mãi trong tim con và trong trái tim bao thế hệ học trò”, nhà văn Bình Nguyên Trang xúc động chia sẻ trên trang cá nhân sau khi biết tin thầy Nguyễn Ngọc Ký qua đời vào sáng 28/9.

Nhà văn Bình Nguyên Trang là học sinh lớp Văn 77 (thế hệ học trò sinh năm 1977) của Trường Năng khiếu Hải Hậu, Nam Định và thầy Nguyễn Ngọc Ký là giáo viên giảng dạy môn Văn của lớp chị. Chị Trang tâm sự rằng, thầy Nguyễn Ngọc Ký chắc chắn sẽ là người thầy đặc biệt nhất trong cuộc đời đi học của chị.

Nữ nhà văn kể lại, suốt những năm tháng tiểu học, bản thân chị được đọc và khắc ghi tinh thần nghị lực của thầy Nguyễn Ngọc Ký trong những trang sách giáo khoa nên lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy thầy vào năm học lớp 4, chị đã vô cùng xúc động vì người thầy bằng xương bằng thịt ngay trước mắt chứ không phải từ cổ tích xa xôi. Niềm hạnh phúc đó còn được nhân đôi khi chị biết thầy Nguyễn Ngọc Ký sẽ là người dạy dỗ mình trong những năm học tiếp theo.

“Năm tôi đang học lớp 4 trường làng thì thi đậu vào Trường Năng khiếu của huyện Hải Hậu. Ngày đưa tôi đến trường, bố tôi có nói về thầy Nguyễn Ngọc Ký. Ông bảo đây là một người bạn của ông và là một người có nghị lực phi thường. Đến khi gặp thầy, điều khiến tôi ấn tượng không phải là đôi tay bị liệt mà chính là ánh mắt và nụ cười của thầy. Thầy có đôi mắt sáng và nụ cười ấm áp”, nhà văn Bình Nguyên Trang nhớ lại.

Hồi ấy, những học sinh học tập tại trường năng khiếu như chị Trang đều sẽ phải ở nội trú. Gạo, tiền sẽ được phụ huynh học sinh góp cho các cô cấp dưỡng để nấu cho học sinh ăn hàng ngày.

Trong môi trường này, những đứa trẻ như chị phải tự làm tất cả mọi thứ bằng chính đôi tay của mình. Hơn nữa, cảm giác nhớ gia đình, người thân thường bất ngờ ập đến vào buổi đêm khiến những học sinh nội trú không kìm được nước mắt.

Trong khuôn viên trường học, thầy Nguyễn Ngọc Ký cũng được bố trí một căn phòng nhỏ. Đây sẽ là nơi thầy soạn giáo án, nghỉ ngơi sau mỗi giờ lên lớp. Căn phòng này nằm sát gần với phòng của các học sinh ở nội trú.

Thế là đêm nào cũng thế, cứ nghe thấy tiếng khóc nức nở phát ra từ căn phòng của các trò, thầy Nguyễn Ngọc Ký lại sang. Ông mang theo vài cuốn sách nhỏ, đọc truyện, đọc thơ, tâm sự để những cô cậu học trò nhỏ vơi bớt nỗi nhớ nhà.

“Khu nhà chúng tôi ở cách khá xa khu vệ sinh. Trò nhỏ, buổi tối vẫn thường nghĩ ra những con ma đứng chực chờ trên đường ra nhà vệ sinh nên chẳng mấy ai dám đi. Những lúc như vậy, chúng tôi chỉ còn cách cầu cứu sự giúp đỡ của thầy Ký. Và khi nghe thấy tiếng gọi tíu tít “thầy ơi…”, thầy Nguyễn Ngọc Ký lại trở dậy mở cửa, đi đầu dẫn đám trò nhỏ đến nhà vệ sinh sau đó lại đưa chúng tôi về phòng”, nhà văn Bình Nguyên Trang tâm sự.

Trong chuỗi ký ức của nhà văn Bình Nguyên Trang, thầy Nguyễn Ngọc Ký vừa là một người thầy, vừa là một người cha. Đáp lại sự quan tâm, chăm sóc của thầy, những học trò nhỏ như chị mỗi tối lại sang buộc giúp thầy Ký bung màn hay sáng sớm lấy nước cho thầy rửa mặt. Trong những năm tháng ấy, thế giới học tập của chị Trang thêm phong phú, sinh động hơn khi có bóng dáng thầy Ký.

Sáng tạo giản đơn nhưng khiến học trò vô cùng hứng thú

Nhà văn Bình Nguyên Trang kể rằng, thầy Nguyễn Ngọc Ký là một người thầy đặc biệt khi chẳng bao giờ dùng bảng đen, phấn trắng để truyền thụ kiến thức như những thầy cô giáo khác.

Thầy Ký cũng không bao giờ yêu cầu học sinh đứng dậy và cầm sách đọc, mà thay vào đó thầy thường khuyến khích học sinh học thuộc bài thơ từ nhà. Sau đó khi đến lớp, học sinh sẽ đứng trên bục giảng và trình diễn bài thơ theo cách hiểu của mình.

Thầy Nguyễn Ngọc Ký cũng thường nhường bục giảng để những học trò nhỏ trình diễn thơ. Những lúc như thế, thầy lại lặng lẽ đi xuống dưới và sau đó hướng ánh mắt lên phía bục giảng để khích lệ, động viên học trò. Nhà văn Bình Nguyên Trang bảo rằng, những giờ văn của thầy Ký thường vượt ra ngoài khuôn khổ những trang sách giáo khoa. Lớp học trò như chị nhờ vậy mà thầy được cái hay, cái đẹp của văn học, thơ ca.

Thầy Ký cũng có cách dạy học “độc nhất vô nhị”. Mỗi lần lên lớp, thầy thường mang theo 2 tấm bìa, tấm bìa thứ nhất ghi nội dung bài giảng, tấm bìa còn lại dùng để che toàn bộ tấm bìa thứ nhất.

Hai tấm bìa này được treo lên bảng, gắn liền với những chiếc dây như hệ thống ròng rọc. Trong quá trình giảng bài, thầy Ký dùng chân điều chỉnh hệ thống ròng rọc kéo tấm bìa thứ hai xuống và hé lộ nội dung trong tấm bìa thứ nhất. Sự sáng tạo của thầy khiến học sinh tò mò về nội dung bài học hơn bao giờ hết. Cứ đến tiết văn, học sinh lại háo hức mong chờ những điều ẩn chứa đằng sau tấm bìa.

Tinh thần sống mãi

Nhớ lại những năm tháng theo học thầy Nguyễn Ngọc Ký, nhà văn Bình Nguyên Trang cho biết, chưa một lần chị thấy thầy cáu giận. Phương châm dạy của thầy là trao đi kiến thức, chia sẻ, an ủi và động viên. Vì bị liệt hai tay nên mỗi khi muốn thể hiện sự yêu quý của học trò, thầy thường dùng lực mạnh ở vai để cánh tay bị liệt vắt lên vai học trò.

Rời xa mái trường năng khiếu, mặc dù bận rộn với công việc nhưng cứ đến ngày 20/10 hay 8/3, thầy Nguyễn Ngọc Ký lại luôn nhớ gọi chúc mừng và hỏi thăm sức khoẻ cô học trò cũ. Với nhà văn Bình Nguyên Trang, những bài giảng, lối sống của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của chị sau này. Chị bảo, có những lúc khó khăn trong cuộc sống khiến tôi muốn chùn bước, tôi sẽ nhớ về thầy Nguyễn Ngọc Ký để sốc lại tinh thần để bước tiếp.

Có người đã từng nói: “Người ta chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác”. Trái tim thầy Nguyễn Ngọc Ký mặc dù đã ngừng đập nhưng những câu chuyện về thầy sẽ còn được kể mãi, an ủi, động viên mỗi chúng ta những khi gặp sóng gió trong cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...