Chuyện đời chuyện nghề gieo chữ ở chốn thâm sơn

GD&TĐ - Mặc dù ở vùng núi hiểm trở, điều kiện khó khăn và việc tiếp thu kiến thức của các em học sinh còn chậm, nhưng các thầy cô giáo nơi đây vẫn tận tụy, hết lòng vì các em học sinh. Bên cạnh đó, những câu chuyện tình yêu cũng bắt đầu “nở hoa” thông qua tình đồng nghiệp và những giây phút khó khăn nhất trong cuộc sống.

Trường PTDT bán trú Tiểu học Đắk Choong nằm nép mình bên những cánh rừng.
Trường PTDT bán trú Tiểu học Đắk Choong nằm nép mình bên những cánh rừng.

Nhọc nhằn gieo chữ

Vào một ngày giữa tháng 10, dưới tiết trời se lạnh của những ngày chớm Đông, chúng tôi vượt qua chặng đường hàng trăm km để tìm về trường PTDT bán trú Tiểu học Đắk Choong (thuộc xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum).

Sau khi vượt qua những cung đường ngoằn ngoèo, hiểm trở mà bất cứ ai nếu lạc tay lái có thể mất mạng như chơi thì chúng tôi cũng đến được điểm trường. Điểm trường Đắk Choong nằm nép mình giữa cánh rừng già, nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Mặc dù vào những ngày đầu Đông, nhưng các em học sinh nơi đây với những bộ quần áo cũ nhàu, mỏng dính co ro đi giữa trời. Lâu lâu một cơn gió lùa qua khiến các em co người, nép mình vào nhau để đến trường.

Ngôi trường hiện ra trước mắt chúng tôi chỉ là những dãy nhà đã cũ, xập xệ qua thời gian. Cô Y Hải - Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học Đắk Choong cho hay, hiện nay tổng học sinh của trường là 460 em, trong đó chỉ có 207 em được xét chế độ bán trú có tiêu chuẩn, mỗi em được hưởng 15kg gạo và được trợ cấp 556.000 đồng/tháng.

Theo cô Y Hải, toàn trường có 131 em học sinh thuộc diện hộ nghèo và có tới 98% các em là người dân tộc Giẻ Triêng. Do đó, điều kiện của các em còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các em học sinh không được tiếp cận công nghệ cao hay học hỏi giao lưu với văn hóa bên ngoài. Không những thế, hiện nay điều kiện nhà trường cũng còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có các phòng học Anh Văn, Tin học, sân chơi.

Cũng theo cô Hải, do nhà trường còn nhiều khó khăn nên thời gian qua đã phải mượn tạm 2 phòng của UBND xã để lấy chỗ nghỉ trưa cho các em học sinh bán trú. Nhà trường vẫn đang ngày ngày mong mỏi sẽ có 1 chiếc Tivi để cho các em học sinh tiếp cận gần hơn với những kiến thức bên ngoài, thông qua phim ảnh, thông tin đại chúng.

Tình yêu nảy nở nơi núi rừng

Vợ chồng cô Ngọc tận tụy, gắn bó với các em học sinh nơi đây.
Vợ chồng cô Ngọc tận tụy, gắn bó với các em học sinh nơi đây. 

Từ cổng trường bước vào chúng tôi đã nghe tiếng ê a đọc bài của các em học sinh phát ra từ lớp 2B của cô Phạm Thị Kim Ngọc (SN 1981). Với gương mặt phúc hậu, cô Ngọc đang tận tụy chỉ cho các em học sinh tiếp cận gần hơn với con chữ. Cô Ngọc cho hay, lớp cô có sĩ số 27 em, tuy nhiên mỗi em học sinh đều có một hoàn cảnh khó khăn riêng.

Chia sẻ về khoảng thời gian 6 năm gieo chữ tại đây, cô Ngọc cho biết, vào năm 2002 cô cùng 2 nữ giáo viên khác nhận nhiệm vụ giảng dạy tại trường. Vào thời điểm mới về nhận trường, nhận lớp thì điều kiện nơi đây vô cùng khó khăn, các thầy cô phải đi từ tờ mờ sáng đến chiều tối mới đến nơi. Khi chứng kiến điều kiện sống và giảng dạy thiếu thốn, có lúc cô Ngọc cũng đã nản lòng. Sau 1 thời gian giảng dạy, 2 người bạn của cô không thể bám trụ được nên xin chuyển trường nên cô cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giữa núi rừng.

Tuy nhiên, sau thời gian giảng dạy và tiếp xúc với các em học sinh nơi đây, tình cảm của cô lớn dần. Bên cạnh đó, do được thầy Hồ Sĩ Thọ (SN 1972) động viên, ản ủi và chia sẻ nên cô Ngọc đã cảm thấy gắn bó, không thể nào rời xa nơi này.

Từ những tình cảm giản dị, mộc mạc của đồng nghiệp, cô Ngọc và thầy Thọ đã tiến xa hơn và trở thành tình yêu, tình thân nơi núi rừng. Hai thầy cô cùng nhau cố gắng, động viên nhau mang lại những kiến thức bổ ích cho các em học sinh và hy vọng một ngày cái nghèo, cái đói không còn bám riết lấy các em.

Ước mơ đi học để đổi đời

Cô Ngọc tâm sự, do các em học sinh nơi đây là người đồng bảo dân tộc thiểu số nên điều kiện gia đình và sự tiếp thu cũng yếu hơn so với các học sinh ở miền xuôi, thành thị. Bên cạnh đó, các em học sinh khi về nhà đa số sử dụng tiếng của dân tộc mình, cùng với đó nhiều em nhà xa phải đến trường từ tờ mờ sáng nên rất cần sự động viên, quan tâm của các thầy cô giáo.

Gia cảnh khốn khó của học sinh Đắk Nhoong
Gia cảnh khốn khó của học sinh Đắk Nhoong

“Đa phần ngày nào đi học tôi cũng mang theo 7-8 cây bút để phòng trường hợp các em quên mang theo. Đến cuối ngày khi về, trong cặp chỉ còn 1-2 cây, nhưng nhìn thấy các em cặm cụi viết bài, biết đọc biết viết đã khiến các thầy cô giáo như tôi ấm lòng”, cô Ngọc tâm sự.

Với gương mặt ngây thơ, non nớt, em Y Ly Quỳnh (7 tuổi) đưa ánh mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi. Do còn lạ lẫm nên Quỳnh rất kiệm lời, chỉ khi nào cô Ngọc hỏi Quỳnh mới thủ thỉ trả lời.

Quỳnh cho biết, do bố mẹ em thường xuyên đau ốm nên hầu như mọi công việc trong nhà em đều tự làm. Thoáng chốc, Quỳnh với đôi mắt rưng rưng nghẹn ngào nói: “Mẹ em mặc dù bị ốm nhưng vẫn lo lắng sau này gia đình sẽ ở đâu vì mảnh đất mà cả nhà em đang dựng tạm căn nhà ở là đất mượn. Trong thời gian tới mảnh đất này sẽ phải trả lại cho người ta, thế là nhà em không còn chỗ nào để trú mưa, che nắng nữa. Em ước rằng mình mau mau lớn, em sẽ học thật giỏi để có thể chăm sóc được cho bố mẹ”.

Chia tay ngôi trường khi mặt trời đã dần khuất bóng núi, những tâm tư, mơ ước bình dị của Quỳnh vẫn còn văng vẳng bên tai chúng tôi. Cô bé với thân hình nhỏ thó, gương mặt non nớt nhưng có một tình cảm to lớn và tình yêu thương gia đình vô bờ bến. Chúng tôi chỉ biết thầm chúc cho cô bé Quỳnh cùng các em học sinh khác luôn vững tin, học tập thật tốt để giúp cuộc sống của các em bước qua một trang mới, tốt đẹp và vẫn giữ mãi được sự bình yên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ