Một lớp học ở buôn làng Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Luận |
Từ chuyện đời…
Hơn 5 năm công tác tại xã nghèo này, với cô Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đó là khoảng thời gian chất chứa bao nhiêu cảm xúc buồn, vui lẫn lộn. Trong căn phòng chưa đầy 20 m2, chỉ đủ để bày trí 2 chiếc bàn soạn giáo án và một chiếc giường đôi. Thoạt nhìn không ai nghĩ đây là “tổ ấm” của 4 cô giáo trong nhiều năm qua: “Những ngày đầu vào đây công tác, cảm thấy buồn vô kể, nhất là những ngày mưa trắng trời cảm thấy cô đơn, trống trãi. Ở đây thiếu thốn đủ thứ, nhớ nhà, nhớ cuộc sống xưa, nhiều khi nghĩ lại, mình tự nhủ, không biết sức mạnh nào để mình gắn bó với mảnh đất này…” cô Hạnh tậm sự. Dù cách thị xã An Khê, Gia Lai không bao xa, nhưng vài ba tuần cô mới ghé về thăm nhà để cảm nhận cuộc sống bên gia đình đầm ấm. Khi chúng tôi nhắc đến chuyện chồng, con cô chỉ cười hiền… “chuyện chồng con khó nói lắm anh ơi” .
Còn với cô Nguyễn Thị Vĩnh Ái, phải vất vả hơn nhiều khi sinh con chưa được 1 năm đã phải vào lại trường công tác. Không thể xa con, cũng không thể xa trường, xa học trò đang từng ngày mong mỏi. Với đồng lương ít ỏi của mình, cô phải thuê thêm người vào chốn làng quê heo hút này chăm sóc con, để cô có thời gian lên lớp. Dường như cuộc sống “một chốn, bốn quê” đã trở thành đặc trưng của những giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió này.
Không thể nào nói hết khó khăn trong cuộc sống của những giáo viên nơi xã nghèo này, mỗi người một cảnh đời, trong họ ai cũng mang một nỗi niềm tâm sự. Người xa quê, người xa chồng, xa vợ, xa con… Hạnh phúc gia đình đành gửi lại cho hậu phương. Vì hầu hết họ còn rất trẻ, nên hành trang mang theo chỉ có nghị lực của tuổi trẻ và tình yêu thương để vượt qua những gian khổ đời thường, cho con chữ nảy mầm trên vùng đất khó.
Cô Lê phơi giáo án |
Đến chuyện nghề…
Chuyện nghề của các thầy cô giáo trên mảnh đất này như một bộ phim dài tập kể về những thăng trầm của đời người gieo chữ. Gian khổ, buồn, vui, có cả nước mắt, sự hy sinh và hạnh phúc. Nhắc đến chuyện học ở Sơ Ró, huyện Kông Chro, Gia Lai bây giờ, không ai có thể ngờ được, với một xã hơn 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số, thì có đến hơn 50% số hộ nghèo. Nhưng những năm qua tại trường TH Kim Đồng và trường THCS Nguyễn Trãi tỷ lệ duy trì sĩ số luôn đạt trên 98%, tỷ lệ học sinh lên lớp 99%. Dù chất lượng học sinh vẫn còn hạn chế, nhưng với tình yêu thương và sự nhiệt tình của thầy cô giáo nơi đây đã thắp lên ngọn lửa đam mê trong tâm hồn của học trò trên vùng quê này.Thầy Nguyễn Trọng Tâm cho chúng tôi biết thêm: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền vận động, hầu như tuần nào các giáo viên cũng tham gia các buổi họp làng để gần gủi với bà con, từ đó phân tích cho dân hiểu được tầm quan trọng trong việc cho con em mình đến trường…”. Nên các ngôi làng trên mảnh đất này đều có dấu chân của các thầy cô giáo.
Gặp chúng tôi trong phòng làm việc của thầy Tâm, cô Nguyễn Thị Kim Lệ, với khuôn mặt buồn rầu khi tất cả những sách, vở, giáo án ướt sũng vì bị rơi khi lội qua suối Krăk. Có lẽ, đây là thử thách đầu tiên của tân giáo viên trẻ này. Với những giáo viên công tác lâu năm ở Sơ Ró, đó là chuyện “thường ngày ở xã”. Vì để đến được với các điểm trường làng Kroi Kpoh và làng Btin, thầy cô giáo nơi đây phải lội qua sông P’Tăh và suối Krăk. Những ngày mưa lớn không thể qua sông các thầy cô giáo phải bám trụ tại làng để dạy chữ cho các em.
Một câu chuyện cảm động về giáo viên bám làng mà tôi từng được nghe. Trong buổi tọa đàm ngày 20-11, thầy Phạm Văn Tuấn và Phan Văn Thông rưng rưng nước mắt kể lại: “Do trời mưa lớn, con nước lên cao hai thầy không thể qua sông, qua suối nên ở lại làng Kroi Kpoh, xã Sơ Ró, kông Chro, Gia Lai. Mấy ngày liền ăn mì tôm trừ bữa, ngủ ở nhà rông của làng, sáng thức dậy thấy thấy bên mình có hơi ấm, mở mắt mới tá hỏa khi thấy một chú chó ngủ cùng mình…”. Có lẽ hơn 10 năm công tác tại đây, đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của thầy.
Còn biết bao nhiêu chuyện buồn, vui trong nghề nghiệp mà chúng tôi chưa thể biết hết…Vất vả là thế, nhưng những giáo viên vào đây đều gắn bó rất lâu với vùng quê nghèo này, dường như trong họ, vắng những khuôn mặt thơ ngây, những tiếng bập bẹ trong từng con chữ của học trò mới là nỗi buồn lớn nhất.
Cô Hạnh chuẩn bị bữa trưa |
Và những chuyện tình đẹp như “cổ tích”
Câu chuyện tình yêu của những thầy cô giáo công tác trên xã nghèo này đến thật tình cờ. Hạnh phúc lớn lao của cả đời người lại được ươm mầm từ những ngày cùng nhau vượt qua gian khó. Thầy Tâm bồi hồi nhớ lại chuyện tình yêu với cô giáo Hoàng Thị Yến đến từ tỉnh Vĩnh Phúc: “10 năm trước, xã Sơ Ró hoang sơ, nhà cửa thưa thớt nằm lọt thỏm giữa thung lũng, xung quanh là bốn bề rừng núi. Chúng tôi đều là những người xa quê, giáo viên thời đó còn gặp nhiều khó khăn. Tôi còn nhớ, ngày mới về đây công tác, cô ấy khóc rất nhiều. Lúc đó, đơn giản chỉ nghĩ là đồng nghiệp nên động viên, an ủi cô ấy vượt qua khó khăn, rồi giúp đỡ nhau trong từng trang giáo án và cuộc sống thường nhật. Lâu dần, tình yêu đến lúc nào không biết, lời tỏ tình của tôi đến với cô ấy cũng bất ngờ như cách chúng tôi gặp nhau. Năm 2001, chúng tôi tổ chức lễ cưới ngay tại trường, cũng đơn giản thôi chỉ có hai gia đình và đồng nghiệp đến chung vui, nhưng chừng ấy cũng cảm thấy hạnh phúc lắm rồi…”. Sau 8 năm gắn bó với xã Sơ Ró, cô Yến được luân chuyển về dạy tại trung tâm huyện, còn thầy Tâm vẫn ở lại gắn bó với mảnh đất này. Với thầy, nơi đây như quê hương thứ hai của mình, vì chính ngôi trường này đã lưu giữ những kỷ niệm đẹp của cuộc đời thầy.
Đôi uyên ương Lê Thị Thu Hường và Nhữ Thanh Tuân cũng bắt đầu tình yêu của mình chính từ những điều tưởng chừng bình thường nhất với những giáo viên nơi đây. Sau bao năm vượt sông, vượt suối, cùng bám làng ươm mầm con chữ, tình yêu của họ nảy nở khi cả hai đều cùng nhìn về một hướng. Chính lòng yêu nghề, yêu trò đã đưa họ lại gần nhau, gắn bó cuộc đời với nhau như món quà ý nghĩa nhất của cuộc đời mang lại sau nhiều năm đồng cam cộng khổ. Họ đến với nhau tự nhiên và bằng một hạnh phúc giản đơn. Để đến bây giờ khi nhìn lại, họ thầm cám số phận đã gắn bó đời mình với mảnh đất này.
Không thể nào nói hết những kỷ niệm trong cuộc tình của họ, nhưng chúng tôi hiểu, sau những lời tâm sự đó là một niềm vui và hạnh phúc vô bờ.
Lê Anh