Chuyện đỗ xe ô tô

GD&TĐ - Lâu nay, ở các thành phố, chuyện xe ô tô đỗ trước nhà người khác, nảy sinh cãi vã giữa chủ nhà với chủ xe luôn là đề tài không có hồi kết...

Sở Nội vụ Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định tạm đình chỉ chức Phó Trưởng phòng Xây dựng chính quyền - Công tác thanh niên thuộc sở này đối với ông Hà Tiến Dũng để làm rõ việc “đã đỗ xe chắn lối đi của một nhà dân, khi dân nhắc nhở còn lấy chức vụ của mình ra để dọa” - như phản ánh của một người dân trên mạng xã hội.

Theo phản ánh của bà P.T, chủ một căn hộ tại TP Huế, thấy chiếc ô tô đỗ chắn lối ra vào của ngôi nhà mình, bà yêu cầu chủ nhân chiếc xe là ông Hà Tiến Dũng lùi xe lại để gia đình có chỗ ra vào thì bị ông này không những không đáp ứng, mà còn nhấn ga tiến tới bịt luôn lối đi, dùng lời lẽ đe dọa, thách thức chủ nhà.

Lâu nay, ở các thành phố, chuyện xe ô tô đỗ trước nhà người khác, nảy sinh cãi vã giữa chủ nhà với chủ xe luôn là đề tài không có hồi kết. Nhiều thành phố ở nước ta, đường thì chật hẹp nhưng “mỗi nhà một ô tô”, lại không có nơi đỗ thuận tiện nên đường thành bãi đỗ xe của nhiều người.

Những ai có nhà mặt phố, lại là quán ăn hoặc cửa hàng buôn bán mà thấy chiếc ô tô đỗ trước nhà mình, dù là dưới lòng đường, lập tức… sinh chuyện liền. Nhẹ thì yêu cầu chủ xe “đi chỗ khác”, nặng thì chửi bới, thoái mạ, thậm chí tạt sơn vào xe hoặc dùng vật cứng cào cho tróc sơn xe.

Về phía chủ xe, người nhu mì nhẫn nhịn thì làm theo yêu cầu của chủ nhà, còn người hay “lý sự” là cự cãi ngay. “Lòng đường là không gian công cộng, nơi đây không có biển cấm đỗ xe ô tô thì tôi cứ đỗ, ông/bà làm gì được tôi nào?”. Thế là chiến tranh… mồm xảy ra.

Cả hai phía chủ nhà và chủ xe, đều có lý lẽ của mình để bảo vệ cho việc đuổi hoặc không thực hiện theo yêu cầu. Những nhà buôn bán, đỗ xe trước cửa hàng/tiệm ăn mà không vào quán của họ thì đúng là “gai mắt” thật. Thậm chí có nhà, chẳng buôn bán gì nhưng hễ thấy xe ô tô đỗ trước nhà, dù là dưới lòng đường cũng ra xua đuổi, mắng chửi chủ xe.

Có chủ xe chỉ đỗ trong chốc lát để làm một việc gì đó rồi tiếp tục di chuyển, nhưng cũng có người, đỗ xong, tắt máy, rút chìa khóa xe là… biến luôn. Chủ nhà muốn dắt xe, lùi xe của họ ra đường cũng đành chịu, không biết gọi ai vì chủ xe không để lại số điện thoại. Những lúc như thế, dù là “đỗ xe trong luật”, tức không vi phạm điều cấm nào thì cũng đã gây phiền cho người khác rồi.

Trở lại với câu chuyện ở Thừa Thiên - Huế. Quan sát tấm ảnh gia chủ chụp chiếc xe của ông Phó Trưởng phòng Hà Tiến Dũng thì thấy rằng, đầu xe không bít cửa nhà hoàn toàn, lúc ấy cũng đã hơn 10 giờ đêm nên ông ta nghĩ rằng chủ nhà không còn đi đâu giờ đó nữa. Còn phía chủ nhà, tự dưng thấy một chiếc ô tô đỗ chình ình trước nhà mình là… gai con mắt!

Cụ thể cuộc đối thoại giữa chủ nhà và tài xế ô tô như thế nào thì không rõ nhưng có một điều chắc chắn là cả hai đều có những lời lẽ không mấy “dịu dàng”. Trong trường hợp này, chỉ cần “nhẹ nhàng” một chút, nhẫn nhịn một tẹo là mọi chuyện sẽ êm đẹp.

Có những thứ không nằm trong luật pháp nhưng lại nằm trong “luật nhường nhịn”. Nếu ai cũng thuộc luật này thì sẽ không có lời qua tiếng lại mất lòng nhau và cuộc sống sẽ đẹp đẽ lên thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ