Hệ thống hóa kiến thức qua sơ đồ tư duy
- Theo cô, học sinh cần chú ý kiến thức trọng tâm nào trong chuyên đề Quan hệ quốc tế từ năm 1945 - 2000?
- Trong chuyên đề Quan hệ quốc tế từ năm 1945 - 2000, HS cần chú ý đến kiến thức trọng tâm sau: Vì sao sau chiến tranh, quan hệ Xô – Mỹ chuyển từ liên minh chống phát xít sang thế đối đầu và tình trạng "chiến tranh lạnh"; Sự kiện khởi đầu cho cuộc chiến tranh lạnh. Mỹ và các nước Tây Âu, Liên Xô cùng các nước Đông Âu đã chuẩn bị gì cho cuộc chiến tranh lạnh.
Ngoài ra, các em cần nắm chắc khái niệm của chiến tranh lạnh. Chiến tranh lạnh khác với cuộc chiến tranh khác ở điểm nào? Trong thời kì chiến tranh lạnh không có sự đối đầu trực tiếp bằng quân sự nhưng những cuộc chiến tranh cục bộ vẫn diễn ra và Triều Tiên là sản phẩm còn sót lại đến nay của cuộc chiến tranh lạnh.
Bên cạnh đó, HS cần nắm được biểu hiện của xu thế hòa hoãn Đông – Tây xuất hiện vào khoảng thời gian nào? Chiến tranh lạnh chấm dứt đánh dấu bằng sự kiện nào? Nguyên nhân khiến Mỹ và Liên Xô kết thúc chiến tranh lạnh? Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, tình hình thế giới có những thay đổi to lớn và phức tạp như thế nào và bước sang thế kỉ XXI xu thế chủ đạo là gì?
Đặc biệt, một trong những điểm nhấn trong chuyên đề này: Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ đặt các quốc gia, dân tộc đứng trước thách thức của chủ nghĩa khủng bố với nguy cơ khó lường, gây ra tác động to lớn, phức tạp tới tình hình chính trị thế giới và trong quan hệ quốc tế. Ngày nay, các quốc gia dân tộc vừa có những thời cơ phát triển thuận lợi, đồng thời vừa phải đối mặt với thách thức vô cùng gay gắt.
- Ở thời điểm ôn tập nước rút như hiện nay, theo cô, HS làm gì để dễ nhớ, nhớ lâu trong quá trình ôn tập?
- Ở thời điểm nước rút như hiện nay, khi ôn tập chuyên đề Quan hệ quốc tế từ năm 1945 - 2000, HS cần lưu ý một số vấn đề sau: Các em cần có tinh thần tự tin bước vào kỳ thi. Các em cần nêu cao tinh thần tự giác, tự học, tự ôn bài ở nhà sau mỗi buổi học. Nếu làm được điều này, các em sẽ ghi nhớ kiến thức rất lâu. Đồng thời, các em nên hệ thống hóa kiến thức thông qua sơ đồ tư duy để ghi nhớ lại kiến thức bài học. Ngoài ra, dựa vào sơ đồ kiến thức của GV, HS sẽ tự vẽ sơ đồ tư duy theo cách hệ thống của mình. Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ các em không chỉ nhớ nhanh, nhớ lâu mà nắm chắc kiến thức bài học.
Đọc kỹ câu hỏi trước khi làm
- Trong chuyên đề Quan hệ quốc tế từ năm 1945 - 2000, thí sinh có thể học và làm bài thi theo cách nhận diện từ khóa?
- Trong quá trình làm bài thi, nhận diện được từ khóa trong câu hỏi là điều kiện quan trọng. Qua đó, giúp các em chọn được đáp án chính xác nhất mà không mất nhiều thời gian. Nhưng không phải thí sinh nào đọc câu hỏi lên cũng nhận diện được từ khóa trong câu hỏi đó.
Chính vì vậy, khi ôn chuyên đề Quan hệ quốc tế từ năm 1945 - 2000, tôi sẽ hướng dẫn HS nhận diện từ khóa qua câu hỏi trắc nghiệm. Khi đọc câu hỏi trắc nghiệm, chúng ta xác định được từ khóa thì khoanh tròn hoặc gạch dưới từ khóa đó để dễ dàng tìm ra đáp án chính xác nhất. Ví dụ:
Câu 1: Sự kiện nào mở đầu cho cuộc Chiến tranh lạnh?
A. Mỹ phóng thành công bom nguyên tử.
B. Mỹ ủng hộ cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.
C. Thông điệp của Tổng thống Truman tại Quốc hội Mỹ.
D. Mỹ tiếp tay cho Pháp kéo dài cuộc chiến tranh Đông Dương.
Đối với câu này chúng ta gạch dưới từ MỞ ĐẦU, mà mở đầu cho Chiến tranh lạnh thì phải nghĩ ngay Tổng thống Mỹ Truman.
- Trong quá trình ôn tập chuyên đề Quan hệ quốc tế từ năm 1945 - 2000, cô có lưu ý gì để thí sinh đạt điểm cao?
- Mấy năm gần đây, môn Lịch sử chuyển từ hình thức thi tự luận sang thi trắc nghiệm. Nội dung kiến thức trải đều nên chắc chắn trong đề thi sẽ có câu hỏi của chuyên đề Quan hệ quốc tế từ năm 1945 - 2000. Muốn đạt được điểm cao tuyệt đối, điều quan trọng, các em phải nắm được trọng tâm của chủ đề. Để nắm được trọng tâm kiến thức, HS phải học và hệ thống lại thông qua sơ đồ tư duy để dễ học, dễ nhớ.
Khi đi thi, các em nên đọc kĩ câu hỏi xem đề thi hỏi cái gì? Đọc câu hỏi xong hãy chọn ra một đáp án sẵn ở trong đầu, rồi sau đó hãy nhìn xuống đáp án A, B, C, D, xem có đáp án nào giống, mình chọn luôn.
Một cách khác để đạt điểm cao trong chuyên đề này là, xác định chính xác từ khóa của câu hỏi. Điều này sẽ giúp các em tìm ra từ khóa trong phần gợi ý, từ đó chọn được đáp án nhanh nhất và chính xác nhất.
- Xin cảm ơn cô!
Trong quá trình dạy tôi hay nói vui với các em: "Phải đọc kĩ hưỡng dẫn trước khi sử dụng". Vì có đọc kĩ, các em mới biết yêu cầu của câu hỏi là gì, từ đó xác định trúng và đúng câu trả lời. Cô Lê Thị Nga