Chuyện 'đệ nhất' Đình nguyên Hoàng giáp xứ Quảng

GD&TĐ - Là một trong sáu người được mệnh danh là 'Lục phụng bất tề phi' của Quảng Nam, Phạm Như Xương còn là nhà khoa bảng đỗ cao nhất của xứ Quảng xưa.

Nhà thờ họ Phạm Như tại làng Ngân Câu, xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam).
Nhà thờ họ Phạm Như tại làng Ngân Câu, xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam).

Phạm Như Xương tự là Phồn Sanh, hiệu là Hành Sơn, sinh năm Giáp Thìn (1844) tại làng Ngân Câu, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam).

Trong các khoa thi diễn ra trong suốt 100 năm tại trường thi Thừa Thiên dưới triều nhà Nguyễn, Quảng Nam có 39 đại khoa (15 Tiến sĩ, 24 Phó bảng).

Trong số 15 Tiến sĩ, chỉ có duy nhất một Đình nguyên (người đỗ đầu kỳ thi Đình), đó là Hoàng giáp Phạm Như Xương. Vì là người đỗ cao nhất nên người xứ Quảng xưa thường gọi ông là “Đệ nhất Đình nguyên Hoàng giáp”.

Dòng họ võ tướng văn thần

Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Mạnh Cường và gia phả họ Phạm Như tại Ngân Câu soạn vào khoảng giữa đời Nguyễn, thì dòng họ Phạm Ngân Câu vốn gốc họ Hoàng tại Thanh Hoá, sau di cư vào Quảng Nam.

Tương truyền khoảng những năm Chính Trị triều Lê (niên hiệu của vua Lê Anh Tông), Thái tổ Gia Dụ hoàng đế lập nước ở đất Thuận - Quảng, gây dựng vương nghiệp, tổ tiên họ Phạm (ban đầu vốn họ Hoàng) vào Nam, đời đời sống ở xã Ngân Câu.

chuyen de nhat dinh nguyen hoang giap xu quang (2).jpg
Bản in rập bài văn bia của Hoàng giáp Phạm Như Xương tại Nghệ An.

Đi theo chúa Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ còn có nhiều tướng lĩnh như Mạc Cảnh Huống, Nguyễn Ư Dĩ... đặc biệt rất nhiều dòng họ ở Thanh - Nghệ cũng rời bỏ quê hương theo chúa Nguyễn vào Nam, trong đó có dòng họ Phạm tại Trinh Sơn, Thanh Hoá.

Còn việc chuyển họ từ họ Hoàng sang họ Phạm, gia phả cũng chép rất cụ thể rằng, bà chính thất Phạm phu nhân sinh được một người con trai tên là Văn Duệ, tính tình ham mê cờ bạc. Hoàng công liền từ bỏ và đuổi đi, Phạm phu nhân liền xin đổi sang họ mẹ.

Văn Duệ theo chúa Nguyễn, được chúa tin dùng và cho làm tới chức Võ giáp Tham mưu Chánh đội trưởng. Đến đời thứ 5 có ông Hoa Phong hầu Phạm Như Đăng theo Nguyễn Vương khôi phục cơ đồ, thống nhất đất nước, làm tới chức Thượng thư bộ Hình.

Em ruột Phạm Như Đăng là Triệt Thanh hầu Phạm Văn Triệt làm quan tới chức Tả tham tri bộ Lại. Con trai Phạm Văn Triệt là Phạm Duy Trinh giữ chức Tả tham tri bộ Binh.

Như vậy dòng họ Phạm tại Ngân Câu từ sau khi di cư vào Nam cho tới đầu thế kỷ 20 là một dòng họ vẻ vang với nhiều người thành đạt. Trong gia phả còn chép lại đôi câu đối thể hiện sự tự hào: Võ tướng văn thần, sơ Hoàng nhi hậu tính Phạm/ Khôi khoa hiển hoạn, tự Lê dĩ ngật bản triều (Nghĩa là: Dòng võ, tướng văn thần, xưa họ Hoàng nay là họ Phạm/ Đỗ đạt, làm quan, từ triều Lê cho tới triều Nguyễn).

Người đỗ cao nhất xứ Quảng

Theo các tài liệu đăng khoa, Phạm Như Xương là người rất thông minh, mẫn tiệp, sớm có thành tựu học tập. Ông nổi tiếng là một trong 6 người được mệnh danh là “Lục phụng bất tề phi” của Quảng Nam gồm: Phạm Như Xương, Phạm Phú Thứ, Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng.

chuyen de nhat dinh nguyen hoang giap xu quang (1).jpeg
Do hoạt động yêu nước nên tên của Hoàng giáp Phạm Như Xương trên văn bia đề danh Tiến sĩ bị nhà Nguyễn đục bỏ.

Năm 12 tuổi ông mồ côi cha, sống trong cảnh nghèo túng và lưu lạc ra Bắc làm gia nhân cho ông Nguyễn Khắc Cần (người Sơn Tây, giữ chức Tuần vũ Hưng Yên).

Thời gian này, Phạm Như Xương học với thầy Nguyễn Văn Ái vốn là Tiến sĩ nhưng không ra làm quan. Tới năm 22 tuổi, nhân việc ông Nguyễn Khắc Cần về kinh làm quan tại triều, Phạm Như Xương theo vào Huế và học với Thị độc học sĩ Vũ Phạm Khải.

Năm 1867, ông thi Hương đậu Cử nhân nhưng vì vi phạm trường quy nên bị đánh hỏng. Năm sau, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 21, ông thi đỗ Cử nhân và nhập học trường Quốc Tử Giám. Năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tiến sĩ, sau đó vào thi Đình lại đỗ Đình nguyên nên được gọi là Đình nguyên Hoàng giáp. Khoa thi này người đậu Hoàng giáp thứ nhì là Nguyễn Hữu Chính, đỗ đồng Tiến sĩ có 9 người và Phó bảng 6 người.

Sau khi thi đỗ, thầy học của ông có mừng câu đối rằng: Hoàng giáp Nguyễn tam khanh kỳ sư, thác ngã di tử/ Trụ quốc Phạm tướng quân nãi tổ, viết ngã hữu tôn (Ông Hoàng giáp Nguyễn Khắc Cần là bậc thầy, gửi gắm con cho ông dạy/ Ông Trụ quốc Phạm Như Đăng là ông nội, có cháu đỗ đạt cao).

Tuy học giỏi đỗ cao nhưng con đường quan lộ của Phạm Như Xương lại hết sức gập ghềnh. Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được bổ làm Phó lãnh sự Chính phủ Nam Triều tại Nam Kỳ thuộc Pháp, giữ việc giao thương với Pháp. Năm 1883, khi vua Tự Đức băng hà, quan tài còn đang quàn tại điện Càn Thành thì giặc Pháp tấn công vào cửa biển Thuận An (Huế), triều đình phải cử ông cùng Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Thành Ý ra tận tàu của tướng Courbet để thương nghị.

Khi vua Kiến Phước lên ngôi, ông được đổi vào làm Bố chánh tỉnh Phú Yên, nên người đương thời thường gọi Phạm Như Xương là ông Bố Ngân Câu. Năm 1885, cuộc binh biến ở Huế không thành, kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn, các văn thân và nghĩa quân ở Phú Yên nổi dậy chiếm thành. Phạm Như Xương liên kết với nghĩa quân của Mai Xuân Thưởng đứng lên chống Pháp tại vùng núi tỉnh Phú Yên.

Lúc này ở Quảng Nam, Nguyễn Duy Hiệu đã được Nghĩa hội cử làm Hội chủ thay thế cho Trần Văn Dư đã bị giết. Nguyễn Duy Hiệu đã đích thân đến làng Ngân Câu để mời Phạm Như Xương - là người thấy rất rõ dã tâm xâm lăng của thực dân Pháp và sự hèn yếu của triều đình Đồng Khánh - thảo hịch kêu gọi sĩ phu tham gia kháng chiến.

“Hịch Văn thân Quảng Nam” của Phạm Như Xương, một áng văn bất hủ ra đời vào cuối năm 1885 đã trở thành tuyên ngôn chính trị của phong trào Cần vương ở Quảng Nam và có tác dụng như “liều thuốc hồi dương trước bầu không khí u trầm của Nghĩa hội từ sau cái chết của Tiến sĩ Trần Văn Dư và ma lực huyễn hoặc của Dụ Đồng Khánh”.

Giai thoại Đình nguyên Phạm và Giải nguyên Phan

Cuộc khởi nghĩa đã bị quân Pháp, quân triều đình đàn áp và tới năm 1888 cuộc khởi nghĩa thất bại hoàn toàn. Phạm Như Xương bị triều đình bắt đưa về Huế kết án “trảm giam hậu” và xóa tên ông trên văn bia Tiến sĩ ở Văn Thánh Huế.

chuyen de nhat dinh nguyen hoang giap xu quang (4).jpg
Phạm Như Xương là tác giả 'Hịch Văn thân Quảng Nam' nổi tiếng trong lịch sử. Ảnh minh họa: INT.

Nhờ có công dạy vua Đồng Khánh khi còn là Thái tử nên khi vua Thành Thái lên ngôi ông được ân xá. Tuy Lý Vương lúc này đang giữ chức Đệ nhất phụ chính thân thần đề cử ông ra Nghệ An giữ chức Tri phủ Anh Sơn.

Vào thời điểm này ông chính là người làm quan chủ khảo trong cuộc thi có Phan Bội Châu (khi đó mang tên Phan Văn San) dự thi và ông đã đánh giá rất cao về tài năng của Phan Bội Châu.

Kỳ thi ở phủ Anh Sơn lần đó, sau khi Phan Văn San làm bài đạt loại ưu và được chọn vào phúc hạch với 6 học sinh khác để định thứ bậc cao thấp. Khi cả sáu người kia đã vào thi được một lúc thì Phan Văn San mới tới.

Hoàng giáp Phạm Như Xương lúc đó làm Chánh chủ khảo yêu cầu Phan Văn San phải làm đề riêng, với nội dung: Hoa nở bất cập xuân (Hoa nở không kịp mùa xuân, có ý trách Phan Văn San đến muộn).

Nhận đề, Phan Văn San đặt bút viết ngay bốn câu thơ: “Đông hoàng tằng trước nhãn/ Dĩ hứa bách hoa khôi/ Chỉ vị khiêm khiêm ý/ Phiên giao tiệm tiệm khai” (Nhờ chúa xuân lưu ý/ Cho đứng đầu trăm hoa/ Chỉ vì lòng khiêm tốn/ Nên chỉ nở dần dà!).

Phan Văn San viết xong 4 câu thơ này, Chánh chủ khảo Phạm Như Xương liếc mắt nhìn qua và nói: “Chỉ cần 4 câu mở đầu thế này là dư sức đỗ đầu xứ rồi, không phải làm thêm nữa!”. Quả nhiên trong kỳ thi này, Phan Văn San đỗ Giải nguyên. Giữa hai nhà trí thức đã để lại giai thoại bất hủ “biệt nhỡn liên tài” giữa quan Chủ khảo từng đỗ Đình nguyên và thí sinh sẽ đỗ Giải nguyên.

chuyen de nhat dinh nguyen hoang giap xu quang (3).jpg
Trường tiểu học mang tên Hoàng giáp Phạm Như Xương tại quê hương Quảng Nam.

Sau này, Hoàng giáp Phạm Như Xương là một trong những người ủng hộ các phong trào yêu nước do Phan Bội Châu lãnh đạo. Đặc biệt trong tổ chức Việt Nam Quang phục Hội, Hoàng giáp Phạm Như Xương giữ vai trò cố vấn.

Các con trai của ông cũng là những người tham gia vào các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp vào đầu thế kỉ 20 như Phạm Như Chương, Phạm Như Giáp, Phạm Như Đỉnh…

Trong thời gian ngắn làm quan Tri phủ phủ Anh Sơn tại Nghệ An, Hoàng giáp Phạm Như Xương có soạn hai bài văn bia cho hai địa điểm đó là chùa Phúc Long và Nền thờ Hiền tài, cả hai đều thuộc đất Vạn Phần, nay là xã Diễn Vạn huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An.

Đáng tiếc là hiện nay Nền thờ Hiền tài không còn nữa nên văn bia cũng không biết nơi nào. Còn chùa Phúc Long cũng trải qua biến thiên của lịch sử mà trở nên hoang phế, tấm bia đã bị chôn vùi dưới móng nhà dân chỉ còn lại mỗi trán bia.

Theo ghi chép trong cuốn “Hoan Châu bi ký” thì cả hai bài văn soạn vào ngày 20 tháng 4 năm thứ 4 niên hiệu Thành Thái (1892). Ở cuối ghi rõ: “Hoàng giáp khoa Đinh Hợi, người Ngũ Hành Sơn tỉnh Quảng Nam Phạm Như Xương soạn”. Về ngôi đền thờ những người hiền tài xã Vạn Phần, đây là một nét rất độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam xưa mà đất Vạn Phần là một địa phương tiêu biểu.

Cuối đời, Phạm Như Xương cáo quan về hưu tại thôn Đồng Di, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sống nghèo khó trong tuổi già nhưng lòng rất thanh thản vì đã giữ vững khí tiết một “đệ nhất khoa bảng” của đất học Quảng Nam.

Chuyện kể rằng, khi Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Tiến được triều đình sai đến tịch biên gia sản của Phạm Như Xương thì thấy hai vợ chồng ông đang ăn khoai lang thay cơm trưa trong một túp lều xiêu vẹo. Vì thế, thay vì tịch biên gia sản như lệnh trên thì quan tri phủ đã ra lệnh cho hương lý trong làng sửa lại căn nhà cho ông, thể hiện sự tôn trọng nhân cách một sĩ phu yêu nước.

Ngày 8 tháng 12 năm Bình Thìn (1917) Đình nguyên Hoàng giáp Phạm Như Xương qua đời ở tuổi 73, kết thúc cuộc đời một nho sĩ hiền đức, văn chiếu bảng vàng. Xét về học vị, Phạm Như Xương là người đỗ cao nhất trong lịch sử xứ Quảng, xét về quan trường, ông là người song toàn giữa chính sự và quân sự. Cuộc đời làm quan yêu nước, thương dân nhiều lần đứng lên chống giặc Pháp xâm lược, được đồng liêu quý mến, nhân dân ngưỡng vọng.

Điều đáng tiếc nhất của lịch sử đối với nhà khoa bảng “đệ nhất” xứ Quảng chính là bị đục bỏ tên trên văn bia đề danh Tiến sĩ, cũng như việc các trước tác văn chương của ông hoặc là bị mất, hoặc là bị đốt tiêu hủy.

Hoàng giáp Phạm Như Xương nổi tiếng nhất với bài “Hịch Văn thân Quảng Nam” viết vào những năm đầu phong trào Nghĩa hội Quảng Nam do Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu phát động năm 1885. Bài hịch dài hơn 1.400 chữ có những câu kêu gọi lòng yêu nước như sau: “Khuyên những kẻ hung tàng binh giáp, ra mà ngăn sức ngựa lúc bon chân/ Khuyên những người phúc uẩn kinh luân, ra mà giúp cuộc cờ khi túng nước/ Binh thời chốn làng đông xã cả, một kẻ theo ngàn kẻ đều theo/ Lương thời nơi phú hộ đại điền, một người nghĩ muôn người cũng nghĩ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.